12:31 09/07/2016

IMF cảnh báo u ám về kinh tế châu Âu hậu Brexit

Thăng Điệp

IMF cũng nói tình hình có thể chuyển xấu thêm nếu tâm lý bất an vì Brexit tiếp tục ngự trị trên các thị trường tài chính

IMF  dự báo mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối 
Eurozone gồm 19 quốc gia thành viên sẽ chỉ đạt 1,6% trong năm nay, so 
với mức 1,7% đưa ra trong lần dự báo trước - Ảnh: Reuters.<br>
IMF&nbsp; dự báo mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối Eurozone gồm 19 quốc gia thành viên sẽ chỉ đạt 1,6% trong năm nay, so với mức 1,7% đưa ra trong lần dự báo trước - Ảnh: Reuters.<br>
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 8/7 đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone trong vòng 2 năm tới do những bất ổn xuất phát từ việc cử tri Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). IMF cũng cảnh báo tình hình có thể chuyển xấu thêm nếu tâm lý bất an tiếp tục ngự trị trên các thị trường tài chính.

Hãng tin Reuters cho biết, IMF dự báo mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối Eurozone gồm 19 quốc gia thành viên sẽ chỉ đạt 1,6% trong năm nay, so với mức 1,7% đưa ra trong lần dự báo trước. Mức dự báo tăng trưởng mà định chế này dành cho Eurozone trong năm 2017 giảm còn 1,4% từ mức 1,7%.

IMF nhận định, việc kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc có thể làm chệch hướng sự phụ hồi tăng trưởng dựa trên nhu cầu nội địa của Eurozone. Ngoài ra, ảnh hưởng lan tỏa của Brexit, làn sóng người di cư, những mối lo an ninh gia tăng, và sự suy yếu của hệ thống ngân hàng đều có thể ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế khu vực.

Ông Mahmood Pradhan, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của IMF, còn cảnh báo rằng nếu cuộc đàm phán Brexit giữa EU và Anh kéo dài và làm gia tăng tâm lý ngại rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu, thì tăng trưởng của khu vực Eurozone sẽ còn giảm sâu hơn.

“Nếu tâm lý lo ngại rủi ro kéo dài, chúng tôi cho rằng sự ảnh hưởng của nó đến tăng trưởng có thể lớn hơn. Ở vào thời điểm này, rất khó để đoán trước thời kỳ đó sẽ kéo dài bao lâu”, ông Pradhan nói với báo giới.

Ông Pradhan cũng nói rằng kịch bản Eurozone tăng trưởng 1,4% trong năm 2017 dựa trên giả thiết rằng cuộc đàm phán EU-Anh diễn ra tương đối nhanh chóng với kết quả là Anh vẫn được tiếp cận đầy đủ thị trường phi thuế quan EU. Ngay cả kịch bản khả quan này cũng dẫn tới sự giảm tốc đầu tư và sức ép đối với niềm tin của người tiêu dùng và thị trường, ông Pradhan nói.

IMF còn chưa tính toán đầy đủ mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng trong trường hợp Anh chỉ còn được tiếp cận với thị trường EU theo những quy tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông Pradhan nói đó sẽ là một “thay đổi lớn” đối với nước Anh, quốc gia mà thị trường EU chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu.

“Nếu họ đi tới lựa chọn WTO, thì việc đạt thỏa thuận cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, và chỉ riêng điều này thôi cũng sẽ gây tổn thất lớn”, ông Pradhan nói.

Báo cáo của IMF nói triển vọng trung hạn của kinh tế Eurozone không có gì là tươi sáng do ảnh hưởng của những vấn đề do khủng hoảng để lại, từ tỷ lệ thất nghiệp cao, mức nợ công và nợ của khu vực tư nhân tăng, cho tới những yếu kém nằm sâu trong cơ cấu.

“Do vậy, tăng trưởng trong 5 năm tới có thể sẽ chỉ đạt mức khoảng 1,5 %, trong khi lạm phát chỉ đạt 1,7 %”, IMF nhận định.