10:19 21/11/2016

Ít nhất 119 người chết trong vụ tai nạn tàu cao tốc ở Ấn Độ

Thăng Điệp

Ngành đường sắt Ấn Độ có một lịch sử an toàn tồi, với hàng nghìn người thiệt mạng trong các vụ tai nạn mỗi năm

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt ở Ấn Độ ngày 20/11 - Ảnh: British South Indians.<br>
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt ở Ấn Độ ngày 20/11 - Ảnh: British South Indians.<br>
Ít nhất 119 người thiệt mạng và hơn 150 người khác bị thương khi một đoàn tàu cao tốc ở bang miền Bắc Uttar Pradesh của Ấn Độ bị trật bánh ngày 20/11. Con số thương vong được dự báo còn gia tăng trong bối cảnh các nhà cứu hộ tiếp tục tìm kiếm nạn nhân của vụ tai nạn kinh hoàng.

Hãng tin Reuters dẫn lời cơ quan chức năng Ấn Độ cho biết nhiều người vẫn còn mất tích và tạm thời chưa xác định được nguyên nhân khiến đoàn tàu gồm 14 toa trật bánh khỏi đường ray.

Đây là vụ tai nạn đường sắt tồi tệ nhất ở Ấn Độ kể từ vụ hai đoàn tàu đâm nhau ở bang West Bengal vào năm 2010 khiến hơn 140 người thiệt mạng. Nếu chỉ tính các vụ đoàn tàu bị trật bánh ở Ấn Độ, thì đây là thảm họa lớn nhất kể từ khi một đoàn tàu trật khỏi đường ray và rơi xuống sông ở bang Bihar vào năm 1981, khiến khoảng 500-800 người thiệt mạng.

Ấn Độ là quốc gia sở hữu hệ thống đường sắt lớn thứ tư thế giới, nhưng các tuyến đường sắt của nước này hầu hết đã cũ kỹ và xuống cấp. Mỗi ngày có 11.000 chuyến tàu ở Ấn Độ, bao gồm 7.000 chuyến tàu chở khác vận chuyển hơn 20 triệu người.

Ngành đường sắt Ấn Độ có một lịch sử an toàn tồi, với hàng nghìn người thiệt mạng trong các vụ tai nạn như tàu trật bánh và đâm nhau mỗi năm.

Những nạn nhân sống sót trong vụ tai nạn ngày 20/11 cho biết đoàn tàu bị trật bánh vào buổi sáng sớm, khi hơn 500 hành khách còn đang ngái ngủ.

Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi đã hứa sẽ hiện đại hóa hệ thống đường sắt Ấn Độ và xây các tuyến đường sắt cao tốc ở nước này. Tuy nhiên, công việc đã làm đến nay chưa được nhiều.

Theo một số ước ngành đường sắt của Ấn Độ cần 20 nghìn tỷ Rupee, tương đương 293,34 tỷ USD, vốn đầu tư từ nay đến năm 2020. Với đòi hỏi mức vốn lớn như vậy, Chính phủ Ấn Độ hiện đang kêu gọi sự hợp tác từ các công ty tư nhân và tìm kiếm vốn vay từ nước ngoài cho ngành đường sắt.

Năm ngoái, Nhật Bản đã nhất trí cung cấp 12 tỷ USD vốn vay ưu đãi để giúp Ấn Độ xây dựng hệ thống tàu viên đạn (bullet train) đầu tiên.