20:43 12/02/2016

Kaesong lại thành nạn nhân quan hệ Hàn - Triều

An Huy

Kaesong - khu công nghiệp chung của Triều Tiên và Hàn Quốc - một lần nữa rơi vào tình trạng tê liệt

Một nhân viên bảo vệ đứng gác tại lối vào khu công nghiệp Kaesong hôm 11/2 - Ảnh: Reuters.<br>
Một nhân viên bảo vệ đứng gác tại lối vào khu công nghiệp Kaesong hôm 11/2 - Ảnh: Reuters.<br>
Triều Tiên ngày 11/2 ra lệnh cho quân đội chiếm giữ Kaesong - khu công nghiệp chung của Triều Tiên và Hàn Quốc, đồng thời cắt đứt đường dây nóng quân sự giữa hai miền, đẩy căng thẳng lên một nấc cao mới.

Những động thái này của Triều Tiên diễn ra sau khi Hàn Quốc tuyên bố rút các công ty của nước này khỏi Kaesong nhằm trả đũa vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng mới đây.

Đáp trả hành động chiếm Kaesong của Bình Nhưỡng, Seoul sáng 12/2 tuyên bố đã cắt hoàn toàn điện, nước đối với khu công nghiệp này.

Theo tin từ Bloomberg, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA nói sẽ trục xuất các công dân Hàn Quốc còn lại khỏi Kaesong, đồng thời đóng băng tài sản của hơn 120 công ty Hàn Quốc hoạt động tại đó.

Trước đó, vào hôm 10/2, Seoul tuyên bố rút khỏi Kaesong nhằm cắt đứt một nguồn ngoại tệ mạnh quan trọng mà Bình Nhưỡng có thể sử dụng để phục vụ cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Việc chiếm Kaesong cho thấy Triều Tiên không hề e ngại sự chỉ trích mà quốc tế nhằm vào vụ thử hạt nhân thứ tư của nước này hồi tháng 1 và vụ phóng tên lửa vào hôm 7/2 vừa qua. Trong khi Liên hiệp quốc cân nhắc các biện pháp tăng cường trừng phạt Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã công bố các biện pháp đơn phương trừng phạt Bình Nhưỡng.

Ngay cả Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, cũng chỉ trích hành động của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng việc siết trừng phạt đối với Triều Tiên sẽ dẫn tới bất ổn ở quốc gia láng giềng này.

“Những con rối Hàn Quốc sẽ phải chịu đựng những hậu quả thảm họa và đau đớn xuất phát từ hành động” rút khỏi Kaesong của họ - Ủy ban Thống nhất hòa bình Triều Tiên, cơ quan chịu trách nhiệm về quan hệ liên Triều của Bình Nhưỡng, nói trong một tuyên bố ngày 11/2 được KCNA đăng tải.

Theo tuyên bố, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye là “một kẻ ngốc” khi chấm dứt hoạt động ở Kaesong và hành động này là một “sự tuyên bố chiến tranh đầy nguy hiểm”.

Lệnh trừng phạt kéo dài cả thập kỷ vẫn chưa đủ để ngăn những tham vọng phát triển một kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã tăng được tầm xa cho tên lửa đạn đạo của mình và có đủ nhiên liệu hạt nhân để sản xuất thêm thiết bị, nhưng các chuyên gia vũ khí nói phải mất nhiều năm nữa Triều Tiên mới có thể gắn thành công đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa tầm xa.

Về phần mình, khu công nghiệp Kaesong được coi là biểu tượng cuối cùng còn sót lại cho sự hợp tác kinh tế liên Triều. Sự tồn tại của Kaesong là cơ sở cho những tia hy vọng mong manh rằng hai miền Triều Tiên đến một ngày nào đó sẽ thống nhất.

Được thành lập trong một giai đoạn êm dịu của quan hệ liên Triều hồi đầu những năm 2000, khu Kaesong được xem là một trong những nguồn ngoại tệ mạnh lớn nhất của Bình Nhưỡng. Lương của 54.000 công nhân Triều Tiên làm việc ở Kaesong được trả bằng USD, trực tiếp cho Bình Nhưỡng. Lương của mỗi công nhân làm việc ở đây là khoảng 160 USD/tháng.

Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, Kaesong đã đem về cho Triều Tiên 616 tỷ Won, tương đương 512 triệu USD, tiền mặt kể từ khi đi vào hoạt động cách đây hơn 1 thập kỷ. Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân của Hàn Quốc đã đầu tư hơn 1 nghìn tỷ Won vào khu công nghiệp này.

Kaesong từng bị đóng cửa 5 tháng vào năm 2013 khi Triều Tiên do bị siết trừng phạt sau một vụ thử hạt nhân vào năm đó đã không cho công nhân của mình ở khu này đi làm. Khi mở cửa Kaesong trở lại sau đó, Hàn Quốc và Triều Tiên cam kết sẽ không để hoạt động của khu công nghiệp này bị ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị.

Đến gần 12h đêm ngày 11/2, toàn bộ 280 người Hàn Quốc còn lại ở Kaesong đã rời khỏi khu công nghiệp này. Chỉ vài phút trước khi bước sang ngày 12/2, Hàn Quốc cắt toàn bộ điện, nước cung cấp cho Kaesong.

Tất cả tài sản của Hàn Quốc ở Kaesong, trừ đồ đạc cá nhân, sẽ bị đóng băng - Triều Tiên tuyên bố. Một đường dây nóng quân sự, một biểu tượng nhằm giảm căng thẳng giữa hai miền, đã bị Bình Nhưỡng tuyên bố cắt đứt.

Triều Tiên phủ nhận dùng tiền từ Kaesong để phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, đồng thời nói Hàn Quốc sẽ bị mất nhiều hơn khi ngừng hoạt động khu công nghiệp này.

Chính phủ Hàn Quốc nói sẽ bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp ở Kaesong, cổ phiếu các công ty này đã lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày 11/2. Cổ phiếu công ty Hyundai Merchant Marine có lúc giảm 20%, cổ phiếu công ty dệt may Shinwon có lúc giảm 13%, và cổ phiếu hãng sản xuất đồng hồ Romanson có lúc giảm 15%.

Giới chuyên gia cho rằng những sự kiện gần đây đều nằm trong xu hướng căng thẳng tăng rồi lại giảm trong quan hệ Triều Tiên-Hàn Quốc những năm gần đây.

Căng thẳng giữa hai miền bán đảo Triều Tiên thường tăng cao khi Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị cho cuộc tập trận chung hàng năm mà Bình Nhưỡng cho là diễn tập cho chiến tranh. Cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn thường bắt đầu vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 hàng năm.

Hôm Chủ Nhật tuần trước, Seoul tuyên bố dã nhất trí đàm phán với Triều Tiên về triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Thaad của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc - một động thái vấp phải sự phản đối của Trung Quốc.