19:28 20/09/2017

Khẩu chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng

Thăng Điệp

Thâm hụt thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ sớm vượt 300 tỷ USD

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Florida, Mỹ, tháng 4/2017 - Ảnh: Reuters/CNBC.<br>
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Florida, Mỹ, tháng 4/2017 - Ảnh: Reuters/CNBC.<br>
Cuộc chiến lâu dài về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Mấy ngày gần đây, hai nước lại lời qua tiếng lại gay gắn về vấn đề này - theo hãng tin CNBC.

Đầu tiên, đại diện thương mại Mỹ Robert Lightizer gọi Trung Quốc là một mối đe dọa “chưa từng có tiền lệ” bởi “quy mô to lớn của những nỗ lực có tổ chức mà họ theo đuổi nhằm phát triển nền kinh tế, trợ giá và tạo ra những công ty lớn, ép buộc chuyển giao công nghệ và bóp méo thị trường”.

Tiếp đó, Trung Quốc “phản pháo” bằng cách nhắc lại lập trường bấy lâu rằng mối quan hệ song phương mang lại lợi ích cho cả hai bên. “Bản chất của quan hệ thương mại Trung-Mỹ là đôi bên cùng có lợi”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nói. “Trung Quốc và Mỹ nên cùng nhau giữ vững những nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”.

Giữa lúc đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào tháng tới, Trung Quốc có lẽ không muốn “nổi đóa” với những gì mà Mỹ nói. Tuy nhiên, có vẻ như Mỹ sẽ không sớm từ bỏ việc công kích Trung Quốc, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 11 năm nay và hai bên chuẩn bị ngồi vào bàn đàm phán thương mại.

Thâm hụt thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ vượt mức 300 tỷ USD trong năm nay, một mức thâm hụt mà nhiều nhà phê bình xem là bằng chứng rõ nét cho thấy mối quan hệ không cân bằng.

Trong khi đó, Trung Quốc lập luận rằng “nhiều sản phẩm Mỹ không được người tiêu dùng ưa chuộng” - theo một bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu. “Nhưng Trung Quốc vẫn nhập khẩu những mặt hàng đó để cân bằng thương mại. Một số bộ phim tồi của Hollywood đã gặt hái lợi nhuận khả quan ở thị trường Trung Quốc”.

Trên thực tế, người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc ngày càng chuộng hàng hóa ngoại nhập sau một loạt vụ bê bối thực phẩm bẩn gây rúng động ở nước này trong mấy năm gần đây. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng hạn chế số đầu phim nước ngoài được công chiếu ở nước này mỗi năm.

Mặc dù vậy, thông điệp mà Trung Quốc gửi đi là quan hệ thương mại giữa nước này với Mỹ không phải là mối quan hệ một chiều. “Washington không cần phải hành động như thể họ bị lừa”, Thời báo Hoàn cầu viết.

Tờ báo tiếp tục chỉ ra rằng Trung Quốc đã mua trái phiếu kho bạc Mỹ 6 tháng liên tiếp trong tháng 7 vừa qua, và một lần nữa trở thành quốc gia nắm giữ nhiều nợ Mỹ nhất. Theo bài viết, điều này là một bằng chứng sống động về mối quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi”.

Thời báo Hoàn cầu cũng nói thật “trớ trêu” khi đại diện thương mại Mỹ Lighthizer chỉ trích Trung Quốc trợ cấp cho các công ty nhằm tạo ra những doanh nghiệp lớn, xét đến khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.

Mặc dù vậy, chính quyền Trump vẫn tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc.

Cách đây vài tuần, Mỹ mở một cuộc điều tra về cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ theo “Khoản 301” Đạo luật thương mại 1974 của Mỹ. Đây là một động thái hiếm gặp và có thể dẫn tới việc Mỹ có hành động trả đũa Trung Quốc trong vòng 1 năm.

Mới tuần trước, Mỹ chặn nỗ lực thâu tóm nhà sản xuất con chip Mỹ Lattice Semiconductor của Canyon Bridge Partners, một quỹ đầu tư cổ phần tư nhân do Trung Quốc hậu thuẫn.