14:15 08/03/2010

Khi các quốc gia sản xuất dầu lửa ra “yêu sách”

Mai Phương

Nhiều nước sở hữu nguồn tài nguyên dầu lửa dồi dào đang đòi tăng tỷ lệ chia lợi nhuận với các công ty khai thác dầu nước ngoài

Những nước sản xuất nhiều dầu lửa nhất thế giới. Trong ngoặc là sản lượng dầu bình quân hàng ngày (đơn vị: triệu thùng/ngày) - Nguồn: Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Những nước sản xuất nhiều dầu lửa nhất thế giới. Trong ngoặc là sản lượng dầu bình quân hàng ngày (đơn vị: triệu thùng/ngày) - Nguồn: Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Nhiều nước sở hữu nguồn tài nguyên dầu lửa dồi dào đang đòi tăng tỷ lệ chia lợi nhuận với các công ty khai thác dầu nước ngoài tới khai thác các mỏ “vàng đen” của họ. Vì những đòi hỏi này, việc làm ăn của các tập đoàn dầu lửa hàng đầu thế giới rất có thể sẽ trở nên khó khăn hơn.

Theo hãng tin CNN, bấy lâu nay, hai quốc gia nhiều dầu lửa là Brazil và Nigeria đều đưa ra những điều khoản hợp đồng khai thác dầu khá hấp dẫn cho các “đại gia” như Exxon Mobil và Royal Dutch Shell tới khai thác các mỏ dầu của họ. Tuy nhiên, mới đây, hai nước này đã đòi tăng tỷ lệ chia phần. Theo các chuyên gia, nếu chính phủ hai nước này giành được những điều khoản béo bở hơn, thì tốc độ khai thác các mỏ dầu mới có thể chậm lại.

Là nước sản xuất khoảng 2,4 triệu thùng dầu mỗi ngày, Brazil hiện áp dụng mức chia phần 50% đối với lợi nhuận của các công ty khai thác dầu trên đất của họ dưới dạng tiền thuê mỏ hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức thuế này ngang với mức thuế suất tại các nước như Mỹ hay Canada.

Tuy nhiên, vụ phát hiện một mỏ dầu khí lớn có trữ lượng lên tới 50 tỷ thùng dầu và khí đốt gần đây ở khu vực bờ biển của nước này có thể thay đổi hoàn toàn trật tự trên. Tự tin vào nguồn tài nguyên mới, các nhà làm luật của nước này đang cân nhắc một dự luật nâng mức thuế suất đánh vào lợi nhuận của các công ty dầu lửa nước ngoài lên 80%, ngang ngửa với mức thuế suất tại các quốc gia như Iraq hay Na Uy.

Ngoài ra, dự luật này cũng yêu cầu các công ty năng lượng nước ngoài phải sử dụng đa phần vật tư phục vụ cho việc khai thác dầu từ các nhà cung cấp Brazil. Ngoài ra, Chính phủ Brazil sẽ là cơ quan quyết định dự án nào sẽ được khai thác.

Khó khăn hơn, dự luật nói trên còn quy định, công ty dầu lửa nước ngoài nào làm ăn tại Brazil cũng phải hợp tác với công ty dầu khí quốc doanh Petrobas của nước này. Trong liên doanh như vậy, Petrobas sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về cơ sở hạ tầng cho việc khai thác dầu và giám sát toàn bộ quá trình khai thác. Về phần mình, công ty nước ngoài sẽ cung cấp vốn và kỹ thuật để đổi lấy lợi nhuận.

Giới phân tích lo ngại, yêu cầu này sẽ cản trở tốc độ khai thác dầu tại Brazil vì các mỏ dầu ở khu vực nước sâu có thể có những đòi hỏi về cơ sở hạ tầng vượt quá năng lực của Petrobas.

Giống như Brazil, Nigeria cũng đang tính chuyện tăng tiền thuê mỏ và yêu cầu các công ty dầu lửa nước ngoài sử dụng vật tư địa phương. Ngoài ra, quốc gia nhiều dầu hàng đầu ở lục địa đen này cũng muốn các công ty dầu lửa quốc doanh giữ vai trò lớn hơn trong các dự án khai thác dầu.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Nigieria và Brazil là Nigeria không có được một công ty dầu lửa quốc doanh đủ mạnh và cơ sở công nghiệp đủ lớn để sản xuất nội địa các loại vật tư cho ngành công nghiệp này. Do đó, việc Nigeria cân nhắc những “yêu sách” mới đã khiến các công ty dầu lửa đặc biệt lo lắng.

Có nguồn tin cho hay, một quan chức của Royal Dutch Shell, tập đoàn có những cơ sở khai thác dầu lớn ở Nigeria, mới đây tuyên bố, dự luật trên của Nigeria là một “tài liệu cồng kềnh, không hiểu gì về những điều hết sức căn bản trong ngành công nghiệp dầu lửa”, và mức thuế suất mới được đưa ra là một trong những mức thuế “cắt cổ nhất trên thế giới”.

Nhiều quốc gia sở hữu tài nguyên dầu lửa dồi dào khác cũng đang đi theo hướng đi của Brazil và Nigeria. Từ trước tới nay vẫn được xem là một địa chỉ hấp dẫn đối với các công ty dầu khí nước ngoài, nhưng Kazakhstan cũng được cho là đang cân nhắc việc nâng thuế đánh vào các hãng dầu khí nước ngoài.

Tuy vậy, không phải mọi quốc gia sản xuất dầu đều tính chuyện tăng thuế. Với sản lượng dầu giảm sút, Venezuela đang mở nhiều mỏ dầu để mời thầu các công ty nước ngoài. Hiện quốc gia Nam Mỹ này đã giảm tiền thuê mỏ đối với một số mỏ dầu mới. Nước Nga cũng đã áp dụng chính sách miễn giảm thuế cho nhiều mỏ dầu ở vùng Siberia.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, xu hướng chung của các nước sở hữu nhiều “vàng đen” vẫn là đòi mức chia phần lợi nhuận cao hơn và tăng ảnh hưởng cho các công ty dầu khí quốc doanh của họ.

Nhưng những đòi hỏi này không hoàn toàn là bất lợi đối với thị trường dầu lửa toàn cầu. Việc hợp tác giữa các công ty nước ngoài và quốc doanh có thể sẽ giúp tăng sản lượng dầu trong dài hạn, vì giúp các công ty nước ngoài tiếp cận với các mỏ dầu tốt hơn, đồng thời nâng cao năng lực của các công ty dầu quốc doanh.