08:21 16/09/2010

Kinh tế 24h qua: Mối họa của nước Mỹ

Vinh Nguyễn

Henry Paulson, Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, nhận định nền kinh tế đầu tàu thế giới có nguy cơ mất đi vị trí siêu cường

Nước Mỹ đang thâm hụt ngân sách liên tiếp.
Nước Mỹ đang thâm hụt ngân sách liên tiếp.
Henry Paulson, Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, nhận định nền kinh tế đầu tàu thế giới có nguy cơ mất đi vị trí siêu cường nếu không giải quyết tình trạng thâm hụt.

Phục hồi mong manh

Trong dự báo mới nhất về hiện trạng nền kinh tế toàn cầu, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã dự báo, GDP thực tế của nền kinh tế toàn cầu tăng 3,5% trong năm 2010. Sự gia tăng này đã dẫn đến sự phục hồi mạnh của thương mại toàn cầu, nhưng theo UNCTAD, điều đó vẫn rất mong manh và không đồng đều.

UNCTAD cho biết các nền kinh tế mới nổi, chủ yếu là ở châu Á và Mỹ Latinh, vẫn dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế. Trong khi, các nền kinh tế chuyển tiếp ở Trung và Đông Âu phục hồi yếu. Sự phục hồi yếu ớt cũng được ghi nhận ở các nền kinh tế phát triển.

Nhu cầu trong nước ở Mỹ phục hồi nhanh hơn ở các nước có thặng dư tài khoản vãng lai hàng đầu như Nhật Bản và Đức. Châu Âu đã trở thành trung tâm của khủng hoảng nợ và trì trệ trong phục hồi kinh tế. Các nền kinh tế châu Phi ít bị tác động trực tiếp của khủng hoảng do ít hòa nhập vào thị trường tài chính quốc tế.

Nguy cơ mất thế siêu cường

Hai năm sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính, tình trạng thâm hụt của Mỹ đang trở thành vấn đề nóng trong các chương trình nghị sự. Thâm hụt ngân sách năm 2010 của Mỹ được dự đoán lên tới 1.340 tỷ USD và trường hợp xấu nhất, nợ công lên tới 18,5% GDP cho tới năm 2035.

Theo ông Henry Paulson – Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, nước này sẽ có nguy cơ mất đi vị trí siêu cường nếu không bắt tay vào giải quyết tình trạng thâm hụt. Ông Paulson cho biết, các chính trị gia của Mỹ sẽ áp dụng các giải pháp cho vấn đề này.

Chưa thấy lối ra

Theo điều tra mới nhất của các cơ quan nước ngoài, do chính sách thắt chặt tài chính bắt đầu gây ra những ảnh hưởng bất lợi nên phục hồi kinh tế khu vực Eurozone trong năm tới sẽ chậm lại. Tuy nhiên, rất ít khả năng khu vực này rơi vào suy thoái kép.

Các nhà phân tích nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2010 khu vực đồng Euro từ 1,2% của tháng trước lên mức 1,5%, cao nhất kể từ khi tiến hành điều tra con số này cuối năm 2008. Các nhà phân tích cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2011 của khu vực này sẽ chậm lại ở mức 1,4%, bằng dự báo tháng 8.  

Kinh tế đi đúng hướng

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, kinh tế nước này đang trong “tình trạng tốt” mặc dù giá bất động sản tăng đe đọa thúc đẩy tình trạng bất ổn. Doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng kích thích nhu cầu nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 13,9% so cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong 3 tháng; doanh số bán lẻ và khoản cho vay vượt quá ước tính; giá trị nhập khẩu tăng mạnh, là những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc phục hồi sau khi chững lại trong quí 2 khi nước này thực hiện các biện pháp giảm nhiệt thị trường bất động sản.

Đồng Yên giảm nhiệt

Phiên giao dịch ngày 15/9 trên thị trường châu Á, đồng Yên giảm giá mạnh, sau khi các quan chức Nhật Bản quyết định can thiệp vào thị trường lần đầu tiên sau 6 năm nhằm hạn chế đà lên giá của đồng nội tệ.

Vào đầu phiên, đồng Yên có lúc đã vọt lên mức cao nhất so với USD khi 1 USD chỉ đổi được 82,86 Yên. Sau khi Nhật Bản công bố quyết định can thiệp, đồng Yên lập tức giảm mạnh xuống 85,13 Yên/USD, thấp nhất kể từ ngày 3/9. Đến cuối phiên, đồng Yên phục hồi lên 84,85 Yên/USD.