07:43 09/03/2011

Kinh tế 24h qua: Nguy cơ lớn của Trung Quốc

Diệp Anh

Trung Quốc có nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng ngân hàng vào giữa năm 2013

Giá địa ốc tăng cao tại Trung Quốc cũng bắt nguồn từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng nội địa.
Giá địa ốc tăng cao tại Trung Quốc cũng bắt nguồn từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng nội địa.
Trung Quốc có nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng ngân hàng vào giữa năm 2013, do tăng trưởng tín dụng leo thang kỷ lục và giá bất động sản tăng vọt, tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings cho hay.

Theo tổ chức này, nguy cơ xảy ra khủng hoảng là 60%. Giám đốc Richard Fox của Fitch Ratings tại London cho hay đã nhìn thấy nguy cơ thâm hụt lớn trong bảng cân đối ngân hàng và một vụ nổ bong bóng tài sản.

Giá bất động sản tại Trung Quốc đã tăng cao kỷ lục, một phần là do các ngân hàng nước này đẩy mạnh hoạt động cho vay. Dư nợ tín dụng trong hai năm 2009 và 2010 đã lên đến 17.500 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2.700 tỷ USD).

Theo một cuộc giám sát của Fitch bắt đầu từ năm 2005, nguy cơ xảy ra khủng hoảng hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc xếp ở MPI3, mức rủi ro cao nhất trong 3 thứ hạng của Fitch Ratings.

Fitch cho biết, hệ thống ngân hàng tại các thị trường mới nổi dễ vấp phải những vấn đề khó khăn khi tăng trưởng tín dụng vượt quá 15% mỗi năm, liên tục trong 2 năm, và giá bất động sản tăng cao hơn 5%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc trung bình hàng năm là 18,6% trong năm 2008 và 2009 do giá bất động sản tăng cao.

Hiện Trung Quốc đang tìm kiếm các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn của cuộc khủng hoảng ngân hàng. Trong cuộc khủng hoảng gần đây nhất, Chính phủ nước này phải chi hơn 650 tỷ USD trong vòng một thập kỷ để giải cứu các nhà cho vay.

Mối quan ngại của Fitch trái ngược với sự gia tăng của lợi nhuận ngân hàng và hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) cũng như sự sụt giảm của tỷ lệ nợ xấu.

Cũng liên quan tới các tổ chức định mức tín nhiệm, Hy Lạp đã lên tiếng chỉ trích Moody’s về việc cơ quan này tiếp tục hạ mức xếp hạng nợ của Hy Lạp, đồng thời cảnh báo động thái của Moody's có thể khiến Athens không có khả năng thanh toán những khoản vay từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Bộ Tài chính Hy Lạp cáo buộc, cách xếp hạng tín dụng của Moody's là vô lý, không đánh giá khách quan và công bằng triển vọng kinh tế của Hy Lạp, nhất là khi Athens đã giảm được 6% thâm hụt ngân sách nhà nước xuống còn khoảng 9% trong năm 2010 và quyết tâm đưa thâm hụt xuống dưới mức trần 3% GDP theo quy định của EU vào năm 2014.

Theo bộ trên, thành công trong việc giảm thâm hụt ngân sách nhà nước là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy nguy cơ vỡ nợ công ở Hy Lạp không tăng, mà đã giảm nhờ những biện pháp táo bạo của Athens nhằm củng cố các hoạt động tài chính.

Bộ Tài chính Hy Lạp cảnh báo ở thời điểm triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu và lòng tin của thị trường còn mong manh, các quyết định xếp hạng không công bằng và không khách quan như quyết định hiện nay của Moody's có thể làm thui chột quyết tâm phục hồi kinh tế và dẫn đến sức ép đòi siết chặt quy định đối với các cơ quan xếp hạng tín dụng.

Phản ứng trước những lời chỉ trích của Hy Lạp, EU khẳng định quyết định mới đây của Moody's không ảnh hưởng đến cách đánh giá của tổ chức này về hoạt động tài chính công của Hy Lạp, yếu tố quyết định kế hoạch cứu trợ Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ tháng Năm năm ngoái.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng bày tỏ tin tưởng chương trình khôi phục kinh tế của Hy Lạp sẽ thành công và các khoản nợ của nước này là có thể chịu được.

Giám đốc phụ trách châu Âu của IMF, Antonio Borges, nói rằng cơ quan tài chính quốc tế này vẫn duy trì niềm tin đối với Hy Lạp. Ông Borges thúc giục Hy Lạp kiên nhẫn khi thực hiện chương trình kinh tế được ủng hộ bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các cơ quan tài chính châu Âu.

Trước đó, Moody's hạ xếp hạng tín dụng của Hy Lạp từ Ba1 xuống B1, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục hạ mức xếp hạng tín dụng của Hy Lạp nếu chính phủ nước này không thực hiện đến cùng kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" nhằm giảm thâm hụt ngân sách nhà nước, hoặc nếu các thể chế cho vay quốc tế sao nhãng trong việc hỗ trợ Hy Lạp.

Moody's lo ngại chương trình "thắt lưng buộc bụng" của Athens có thể không đạt mục tiêu giảm nợ công và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và Athens có thể phải đối mặt với những điều kiện vay mượn nghiêm ngặt hơn khi kế hoạch cứu trợ EU-IMF hết hiệu lực vào năm 2013.

Các ngân hàng trung ương Thái Lan, Hàn Quốc và Malaysia sẽ tiến hành các hội nghị chính sách tiền tệ trong các ngày 9, 10, 11/3. Các bên đều dự kiến, giá dầu quốc tế liên tục tăng mạnh sẽ làm tăng sức ép lạm phát đối với một số quốc gia châu Á, các ngân hàng này có thể buộc phải đưa ra chính sách tăng lãi suất mạnh.

Thị trường dự báo, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) tuần này sẽ lại một lần nữa tăng lãi suất. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 của nước này tăng từ 4,1% của tháng 1 lên đến 4,5%, đạt mức cao nhất trong gần 27 tháng qua, vượt xa mức tối thiểu 2%-4% trong thời gian mục tiêu từ năm 2010-2012 của BOK.

Theo chuyên gia kinh tế Charles thuộc Moody’s, Ngân hàng Trung ương Malaysia tại hội nghị lãi suất lần này sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất.  Citigroup cho rằng, ngân hàng này có thể sẽ đưa ra quyết định nâng tỷ lệ dự trữ tiền gửi, chậm nhất tháng 7 sẽ tăng lãi suất.

Còn Tổng thư ký Cục phát triển kinh tế xã hội Thái Lan vừa qua bày tỏ, do ảnh hưởng của quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, kinh tế Thái Lan sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Trung ương Thái Lan sẽ tăng lãi suất và có thể sẽ lên tới 100 điểm.

Sức ép từ giá dầu leo thang cũng là mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế trong đó có Mỹ. Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) tại bang Atlanta, Dennis Lockhart, nếu giá dầu tiếp tục tăng, FED có thể buộc phải thực hiện chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3).

Tháng 11 năm ngoái, FED đã công bố kế hoạch mua 600 tỷ USD trái phiếu kho bạc dài hạn, hay còn được biết đến với cái tên chương trình QE2. Kể từ thời điểm đó đến nay, nền kinh tế đã đạt được những cải thiện nhất định, nên một số chuyên gia kêu gọi FED sớm chấm dứt chương trình này.

Phát biểu tại một hội nghị do Hiệp hội Quốc gia về Kinh tế Kinh doanh Mỹ (NABE) tổ chức, ông Lockhart cho rằng dù không có gì đảm bảo cho việc thực hiện QE3 tại thời điểm này nhưng nếu giá dầu tiếp tục leo thang, nền kinh tế Mỹ sẽ cần thêm gói kích thích.

Dù cho rằng giá dầu ở mức 106 USD/thùng như hiện nay không phải là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng theo ông, đà tăng của giá dầu có thể gây ra suy thoái. “Giá dầu ở mức 120 USD/thùng còn có thể chịu đựng được, nhưng ở khoảng 150 USD/thùng là một vấn đề đáng lo ngại”, ông nói.

Ông Lockhart từ chối nhận định về việc liệu QE3 có được ủy ban hiện nay chấp nhận. Trong buổi điều trần trước Quốc hội trong tuần trước, Chủ tịch FED Ben Bernanke vẫn để ngỏ khả năng áp dụng QE3 và xóa sạch mối lo ngại về đà leo thang của giá cả.

Trong khi đó, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF John Lipsky cho rằng, các nền kinh tế mới nổi đang bắt đầu bộc lộ dấu hiệu tăng tưởng quá nóng.

Nhiều thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc, đã vật lộn để kiềm chế lạm phát và kiểm soát dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào các quốc gia này. Dù IMF đã cảnh báo về rủi ro áp lực giá cả trong nhiều tháng qua, nhưng lời cảnh báo của ông John Lipsky cho thấy, IMF ngày càng quan ngại về vấn đề này.

Ông Lipsky cho rằng: “Đối với các nền kinh tế mới nổi, tốc độ tăng trưởng 6.5-7% và công suất dư thừa đã cạn kiệt nên các dấu hiệu tăng trưởng nóng bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, theo ông, IMF sẽ không hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế này vì cho rằng đà tăng vọt của giá dầu chỉ là tạm thời.

Ông Lipsky nhận định, cho tới khi bất ổn lan sang Libya, phần lớn đà tăng vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011 của giá dầu phản ánh triển vọng kinh tế ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, mối lo ngại mới nhất về sự gián đoạn nguồn cung đã tạo ra sự sợ hãi và đẩy giá dầu vượt 100 USD/thùng. Nếu tiếp tục giữ vững trên ngưỡng này, giá dầu sẽ gây ra những hiểm họa lớn hơn đến tăng trưởng kinh tế.

Giá thực phẩm ngày càng cao cũng là một mối nguy khác, đặc biệt là đối với các quốc gia có thu nhập thấp vì chi tiêu cho thực phẩm chiếm một tỷ lệ lớn trong ngân sách gia đình. Giá thực phẩm cao là một trong nhiều nguyên nhân đằng sau các cuộc bạo loạn gần đây tại Ai Cập và Tunisia.