08:39 16/12/2010

Kinh tế 24h qua: "Tiến sỹ bất hạnh" hết nói gở

Diệp Anh

Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4% trong năm tới, theo chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini

Chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini - Ảnh: Telegraph.
Chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini - Ảnh: Telegraph.
Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4% trong năm tới, theo chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, người được mệnh danh là "Tiến sỹ bất hạnh" vì đã dự báo chính xác cuộc khủng hoảng tài chính.

Đánh giá về triển vọng kinh tế thế giới năm 2011, ông Roubini nói rằng, “tin tốt đối với các nền kinh tế phát triển là nguy cơ suy thoái kép đã bị bỏ lại phía sau”. Ông dự đoán, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ cùng tăng trưởng 6,3% trong năm 2011, gấp 3 lần so với mức 2,1% mà ông đưa ra đối với các quốc gia phát triển.

Bức tranh kinh tế này đã nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia tài chính khi cho rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa, trong khi người tiêu dùng và chính phủ các nước khác đang phải điều chỉnh lại bản cân đối kế toán của nước mình, vốn đã bị kéo về điểm hòa vốn trong suốt thời kỳ khủng hoảng.

Theo ông Roubini, trong số các nước phát triển, Mỹ sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, 2,7%, nhờ sự kết hợp của chính sách nới lỏng định lượng (QE) và việc kéo dài chương trình cắt giảm thuế.

Tiếp sau Mỹ là Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, với tốc độ tăng trưởng 2,2% (giảm từ mức 3,5% trong năm 2010), trong khi nước Anh sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm tới ở mức 1,7% so với mức 1,8% trong năm nay.

Trung Quốc vừa cho biết nước này dự kiến vào năm tới sẽ tăng thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm đất hiếm, trong một động thái mới nhất nhằm hạn chế xuất khẩu loại khoáng sản này.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay, quyết định tăng thuế nói trên có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, là một phần của kế hoạch điều chỉnh chính sách thuế trong năm sau, bao gồm một loạt mặt hàng nhập khẩu và xuất khẩu. Bộ này không thông báo chi tiết loại đất hiếm nào sẽ bị tăng thuế và mức tăng là bao nhiêu.

Trung Quốc hiện gần như chiếm độc quyền trên thị trường đất hiếm thế giới khi sản xuất tới 97% nguồn cung toàn cầu trong năm ngoái.

Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm, được sử dụng chủ yếu trong các sản phẩm công nghệ cao - từ máy nghe nhạc, điện thoại di động đến xe hơi và tàu vũ trụ. Tuy nhiên, động thái của Bắc Kinh đã khiến các nhà sản xuất công nghệ cao ở nước ngoài phàn nàn.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, mới đây đã tăng cường các quy định về xuất khẩu đất hiếm, theo đó Bắc Kinh chỉ cho phép những nhà sản xuất đáp ứng được luật bảo vệ môi trường ở trong nước cũng như các tiêu chuẩn quốc tế bán đất hiếm cho khách hàng nước ngoài.

Cũng liên quan tới Trung Quốc, hôm qua, Bộ Tài chính nước này cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 11 đạt 9,7 tỷ USD, đánh dấu tháng thứ 16 liên tiếp FDI vào Trung Quốc tăng trưởng, nâng tổng FDI trong 11 tháng đầu năm nay lên 91,7 tỷ USD.

Phát ngôn viên Bộ Tài chính Trung Quốc Diêu Kiện cho biết, tăng trưởng FDI nước này đã ổn định hơn trong năm nay, và Trung Quốc có thể thu hút khoảng 100 tỷ USD trong cả năm.

Ông Diêu cũng cho biết, FDI chảy vào các khu vực miền Tây nước này cũng tăng 38,98% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 6,717 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, trong khi FDI ở khu vực miền Đông tăng 16,2%, ở miền Trung là 18,4%.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm qua cho biết, niềm tin của giới doanh nghiệp Nhật Bản đã giảm lần đầu tiên trong gần hai năm qua, do nền kinh tế nước này bị tác động mạnh bởi đồng Yên tăng giá và sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận đối với 11.000 doanh nghiệp cho thấy chỉ số niềm tin của các nhà chế tạo lớn ở Nhật Bản đã giảm từ mức 8 hồi tháng Chín xuống mức 5.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 7 quý vừa qua, niềm tin của giới kinh doanh sụt giảm. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn nhẹ hơn so với dự báo bởi mức 5 có nghĩa là số doanh nghiệp lạc quan vẫn nhiều hơn số doanh nghiệp bi quan mặc dù khoảng cách này đang bị thu hẹp.

Nền kinh tế Nhật Bản, vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu, đang đối mặt với tương lai ảm đạm do sự tăng giá của đồng yen và nhu cầu nước ngoài giảm khiến hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản không còn hấp dẫn người tiêu dùng như trước.

Theo các số liệu mới đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu giảm đầu tư vốn vì lo ngại tình hình kinh tế nước này sẽ xấu đi trong những tháng tới.

Cùng ngày, Cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) công bố thặng dư thương mại của nước này trong tháng 11 giảm đột ngột so với tháng 10. Đây là lần đầu tiên sau 10 tháng, thặng dư thương mại của nước này sụt giảm.

Theo KCS, trong tháng 11 vừa qua, thặng dư thương mại nước này chỉ đạt 2,67 tỷ USD, giảm mạnh so với 6,41 tỷ USD thặng dư trong tháng 10. Sự sụt giảm này được cho là do giá nguyên liệu thô trên thị trường quốc tế thời gian này đang tăng vọt, làm tăng tổng giá trị nhập khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc trong tháng 11 đạt 38,62 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng 10, trong khi xuất khẩu đạt 41,29 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2009, thặng dư thương mại của Hàn Quốc đã tăng hơn 21,5%, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 21,5% và 30,8%.

Moody’s có thể hạ bậc trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha từ Aa1 xuống Aa do lo ngại tình hình nợ leo thang và nhu cầu vốn của nước này trong năm 2011. Moody’s cũng chỉ ra lo ngại về việc kiểm soát địa phương của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm đạt được những tiến bộ về mặt cơ cấu tài chính nói chung.

Chuyên gia phân tích phụ trách khu vực Tây Ban Nha của Moody’s cho biết, hãng này tin rằng với những rủi ro được nói đến ở trên, xếp hạng tín dụng của Tây Ban Nha đang được xem xét điều chỉnh giảm.

Tuy nhiên, Moody’s cũng nhấn mạnh rằng tình hình tài chính của Tây Ban Nha vẫn tốt hơn so với nhiều nước khu vực đồng euro đang chịu khủng hoảng khác.

Trước đó một ngày, Quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua các biện pháp kinh tế nhằm tăng thêm sức nặng cho kế hoạch quy mô giảm thâm hụt ngân sách và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Các biện pháp này bao gồm điều chỉnh thuế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bán một phần công ty quản lý sân bay của nhà nước AENA và tập đoàn xổ số quốc gia cũng như tăng thuế thuốc lá.

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẽ nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách, hiện đang ở mức cao trong Khu vực sử dụng đồng euro, xuống còn 6% GDP vào cuối năm 2011 so với 11,1% GDP năm 2009.

Liên quan tới khu vực châu Âu, Đức đã tuyên bố ủng hộ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) huy động thêm tiền từ các nước thành viên Khu vực đồng Euro để giải quyết vấn đề nợ công đang gây chấn động trong khu vực.

Sau khi khẳng định Berlin ủng hộ mọi quyết định quan trọng của ECB, một quan chức Chính phủ Đức yêu cầu giấu tên cho biết nếu ECB đề nghị các nước thành viên Khu vực đồng Euro tăng phần đóng góp cho quỹ giải quyết khủng hoảng nợ, Đức sẽ xem xét đề nghị này một cách tích cực.

Các giao dịch viên hợp đồng tương lai lãi suất ngắn hạn (STIR futures) dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất vào cuối năm 2011 sau khi cơ quan này tái khẳng định cam kết cung cấp gói kích thích cho nền kinh tế.

Bên cạnh việc giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức 0-0,25%, FED mới đây còn cam kết mua 600 tỷ USD trái phiếu Chính phủ từ nay đến tháng 6/2011 để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế mà theo FED vẫn còn rất chậm chạp.