08:54 25/01/2011

Kinh tế 24h qua: Trung Quốc chưa thể vượt Mỹ

Diệp Anh

Mỹ vẫn sẽ là cường quốc đứng đầu thế giới trong ít nhất hai mươi năm nữa, một quan chức Trung Quốc cho hay

Trung Quốc chưa thể vượt Mỹ.
Trung Quốc chưa thể vượt Mỹ.
Mỹ vẫn sẽ là cường quốc đứng đầu thế giới trong ít nhất hai mươi năm nữa, hãng tin Reuters dẫn lời ông Lạc Ngọc Thành, lãnh đạo cơ quan hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trả lời trên tờ chuyên san của bộ này.

Quan chức Trung Quốc này nhận định, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn đang ảnh hưởng đến các nước phát triển và thúc đẩy sự biến đổi lịch sử trong cân bằng quốc tế giữa các cường quốc.

Theo ông, Bắc Kinh không nên cho rằng Washington đang suy yếu đến mức không thể cải thiện được hoặc hai bên sẽ sớm gần ngang bằng. “Mỹ vẫn là Mỹ. Nước này chiếm 1/4 nền kinh tế thế giới, có sức mạnh quân sự, khoa học vượt trội và chúng ta không được đánh giá thấp khả năng điều chỉnh và phục hồi của họ”, ông Lạc viết.

Nicholas Vardy, giám đốc đầu tư của Global Guru Capitals, nhận định, năm nay những điều kỳ diệu từng diễn ra với các thị trường chứng khoán mới nổi sẽ không đến dễ dàng như trong 2010. “Các quỹ ETFs tại đó đang vỡ hàng loạt như kiểu hết xăng”, chuyên gia này cho hay.

Trong 6 năm qua, từ 2002 tới 2009, chỉ số MSCI các thị trường chứng khoán mới nổi là chỉ số chứng khoán tốt nhất trên thế giới. Khi các nhà đầu tư mất mát rất lớn tại thị trường chứng khoán Mỹ thì nhiều người lại kiếm lời đáng kể tại thị trường mới nổi. Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi đã tăng 13,2% từ năm 2001 - 2010, trong khi chỉ số S&P 500 Index thì gần như đứng yên.

Tuy nhiên, vài tuần qua chuyên gia Vardy đã bán tháo cổ phiếu và chứng chỉ ETF tại các thị trường như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia và Thái Lan, 5 trong số các thị trường chứng khoán tốt nhất năm 2010. “Chúng đều đã giảm 20-23%,” Vardy nói.

Việc giảm điểm này không đơn giản là điều chỉnh kỹ thuật vì lạm phát đang trở lại đặc biệt là tại các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tại Brazil lạm phát là 7,6%, Ấn Độ 8,4% Trung Quốc 5,1% và Indonesia hơn 6%... Tính tới 11/2010, lạm phát đã tăng từ 1-1,5% so với cuối 2009, đây là một con số cao.

Lạm phát tăng do biến động mạnh của giá lương thực và năng lượng do nhu cầu tăng cao để đối phó với thời tiết bất thường. Nhu cầu lương thực, nhiên liệu và hàng hóa tại các nền kinh tế mới nổi sẽ khiến lạm phát gia tăng trong các tháng tới, và điều này sẽ ảnh hưởng mạnh tới thị trường chứng khoán.

Các nền kinh tế mới nổi cũng đang đối mặt với tăng lương, chi phí nguyên liệu, đây là những tin rất xấu đối với các công ty đang cố gắng duy trì lợi nhuận để không bị loại khỏi cuộc chơi.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đầu tư Ngoại hối Trung Quốc, tiếp theo xu thế của năm 2010, thị trường tài chính thế giới năm 2011 sẽ đầy rủi ro và áp lực, thậm chí còn xuất hiện nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính mới với hình thức và mức độ khác với lần trước, nhưng không thể xem nhẹ. Nơi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính mới sẽ là châu Âu, thay vì ở Mỹ như hiện nay.

Tác giả này đã đưa ra 6 xu thế lớn trong năm 2011, bao gồm: Xu thế đồng USD mất giá trên thị trường ngoại hối ngày càng tăng; thị trường cổ phiếu sẽ tăng giá nhanh và kéo dài; nhu cầu của thị trường vàng tăng cao; nhu cầu thị trường dầu thô tăng có hạn, giá tiếp tục tăng; thị trường lãi suất đảo chiều nhanh chóng và việc điều chỉnh quy mô thị trường ngân hàng sẽ khó khăn hơn.

Hôm qua, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẵn sàng có hành động mạnh tay đối với đồng Yên, nếu đà tăng quá mạnh của đồng nội tệ đe dọa đến triển vọng kinh tế. Đây là tín hiệu cho thấy nước này sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ một lần nữa.

Trong báo cáo chính sách kinh tế, Chính phủ Nhật Bản cho biết: “Dù đồng Yên không còn tăng giá đột ngột, nhưng Nhật Bản có thể không chịu đựng được sự gia tăng quá mức của đồng tiền này vì những tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế và các thị trường tài chính trong dài hạn. Chúng tôi sẽ tiếp tục có biện pháp mạnh tay khi cần thiết”.

Chính phủ tái cam kết sẽ tiếp tục làm việc với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) để chống lại giảm phát và kêu gọi BOJ áp dụng chính sách tiền tệ “hợp lý và linh hoạt” để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng Yên đã giảm 3% kể từ khi chạm 80,22 Yên/USD vào ngày 1/11, cao nhất kể từ tháng 4/1995.

Nền kinh tế Nhật Bản đang bộc lộ một số dấu hiệu cải thiện sau khi được dự báo tăng trưởng âm 0.75% trong quý 4. Tuần trước, Chính phủ nước này vừa nâng triển vọng kinh tế lần đầu tiên trong 7 tháng sau khi sản lượng công nghiệp tháng 11 tăng lần đầu tiên kể từ tháng 5/2010.

Cũng trong ngày hôm qua, tờ WSJ cho hay, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) dự định mua 100 tấn vàng/năm từ các ngân hàng trong nước nhằm bổ sung cho nguồn dự trữ vàng của nước này. Tờ báo trên trích lời Phó thống đốc CBR Georgy Luntovsky nhưng lại không cho biết chương trình này sẽ kéo dài trong bao lâu. Dự trữ vàng năm 2010 của Nga tăng 23.9% lên 790 tấn.

Liên quan tới kinh tế châu Âu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp George Papaconstantinou cho biết, nước này sẽ không tái cấu trúc nợ bằng cách tạo ra thặng dư thương mại và thực hiện các cuộc cải cách nhằm đem lại tăng trưởng cho nền kinh tế trong các năm tới. Trả lời phỏng vấn trên tờ Sunday Eleftherotypia, ông George Papaconstantinou khẳng định: “Hy Lạp có thể và sẽ không tái cấu trúc nợ”.

Khi được hỏi về nguyên nhân, ông cho biết: “Bằng cách tạo ra và duy trì mức thặng dư ngân sách ở mức 5-6% GDP và thực hiện các biện pháp cải cách cơ cấu, nền kinh tế sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng thực 2% với việc kéo dài thời hạn thanh toán khoản vay 110 tỷ Euro”. Ông Papaconstantinou hy vọng, Hy Lạp sẽ tiếp cận được tới các khoản vay dài hạn hơn và sẽ trở lại thị trường trái phiếu trong năm 2011 với các trái phiếu.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ phát hành trái phiếu trong vài tháng tới với lợi suất thấp hơn các mức hiện nay trên thị trường”. Hiện Hy Lạp đang thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và cải cách cơ cấu như cam kết với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi nhận gói giải cứu 110 tỷ EUR.

Tuần trước, Hy Lạp đã chào bán thành công 650 triệu Euro (tương đương 879,6 triệu USD) trái phiếu kỳ hạn 3 tháng với lợi suất 4.1%, bằng với lợi suất trong cuộc đấu giá hồi tháng 11/2010. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua 80% lượng trái phiếu được phát hành.