09:39 11/09/2011

Kinh tế Mỹ 10 năm sau vụ khủng bố 11/9

Hồng Ngọc

Tới nay, những thiệt hại về tài chính vẫn âm ỉ, và các doanh nghiệp, người dân lẫn Chính phủ Mỹ tiếp tục phải đương đầu

Một thập kỷ sau vụ khủng bố 11/9/2001 đã chứng kiến một nước Mỹ thay đổi tới mức khó nhận ra - Ảnh: Reuters.
Một thập kỷ sau vụ khủng bố 11/9/2001 đã chứng kiến một nước Mỹ thay đổi tới mức khó nhận ra - Ảnh: Reuters.
Các chuyến bay định mệnh American Airlines 11, United Airlines 175 đâm sập Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, phá hủy một trong những biểu tượng kinh tế Mỹ, đã khắc ghi vào lịch sử siêu cường này như một vết thương khó lành.

Để thực hiện các vụ tấn công đẫm máu đó, những kẻ khủng bố chỉ mất có vài giờ, nhưng hậu quả để lại thì kéo dài tới cả chục năm sau. Và cho tới nay, những thiệt hại về tài chính vẫn âm ỉ trong nền kinh tế Mỹ, và các doanh nghiệp, người tiêu dùng lẫn Chính phủ Mỹ tiếp tục phải đương đầu.

Những thiệt hại dễ nhìn thấy nhất là chi phí cho việc tăng cường an ninh tại các sân bay, tòa nhà chính phủ và các tổ hợp văn phòng. Chi phí bảo hiểm và vận chuyển đã leo thang, sau khi những chiếc máy bay bị khủng bố đánh cướp lao vào tòa tháp đôi và hiện vẫn chưa giảm xuống bằng mức trước vụ 11/9. Những cuộc tấn công khủng bố còn là một phần trong số các lý do khiến các chủ xe cơ giới phải trả gấp đôi chi phí xăng dầu so với trước vụ 11/9.

Gánh nặng kinh tế còn lớn hơn nhiều, nếu bao gồm cả chi phí cho cuộc chiến chống khủng bố được Mỹ tiến hành sau đó. Cuộc chiến này đã làm tăng chi phí quân sự và khiến thâm hụt ngân sách quốc gia Mỹ tăng vọt, đe dọa làm giảm mức sống của người dân Mỹ và khiến thuế khóa tăng cao trong tương lai.

"Tôi không nghĩ rằng, bản thân vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã làm thay đổi nền kinh tế Mỹ nhiều như vậy, mà chính cách chúng ta phản ứng với vụ 11/9 đã làm thay đổi nền kinh tế", Anita Dancs, một giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học Western New England cho biết.

Các chuyên gia nghiên cứu về ảnh hưởng của vụ 11/9 đối với kinh tế Mỹ đã không đạt được sự đồng thuận về tổng mức thiệt hại. Đó là lý do tại sao biên độ dao động giữa các con số ước tính mức thiệt hại do vụ 11/9 trở nên quá lớn, từ 35 tỷ USD cho tới 4.000 tỷ USD.

Trong đó, các con số nhỏ hơn chỉ hạn chế ở chi phí từ những đổ vỡ trong vài tháng đầu sau vụ khủng bố. Trong khi, những con số lớn hơn bao gồm cả chi phí cho các cuộc xung đột ở Afghanistan, Iraq và Pakistan, cùng với tất cả những phí tổn, kể cả sự vay mượn của chính phủ, để cung cấp cho quân đội.

Linda Bilmes, giáo sư tài chính công thuộc trường Đại học Havard, cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến tranh Cách mạng Mỹ, nền kinh tế này gần như phải dựa vào nợ công để chi tiền cho các cuộc chiến. Trong cuốn sách về chi phí cho các cuộc chiến sau vụ 11/9 do bà Bilmes viết cùng với chuyên gia kinh tế đạt giải Nobel Joseph Stiglitz, các tác giả đã kết luận rằng, các cuộc chiến này sẽ tiêu tốn của nước Mỹ ít nhất 4.000 tỷ USD.

Còn theo kết quả một cuộc nghiên cứu khác có sự tham gia của giáo sư Anita Dancs và 20 học giả khác, nước Mỹ sẽ không tăng ngân sách quân sự và tiến hành cuộc chiến ở ba nước khác nhau nếu không vì sự kiện 11/9. Bản báo cáo công bố hồi tháng 6 vừa qua của nhóm này, đã đưa ra mức chi phí mà nước Mỹ phải gánh chịu trong suốt thập niên qua là từ 2.300 tỷ đến 2.800 tỷ USD.

Tuy nhiên, đối với các chuyên gia kinh tế thiên theo quan điểm sẽ là sai lầm khi gộp cả chi phí chiến tranh lẫn quân sự vào những thiệt hại của vụ 11/9, thì những con số ước tính lên tới hàng nghìn tỷ USD này có vẻ như là một sự thổi phồng quá mức.

Theo Adam Rose, chuyên gia của trường Đại học Southern California, thiệt hại trực tiếp của các vụ tấn công hôm 11/9 là từ 100 cho tới 130 tỷ USD, chiếm khoảng 1% GDP trị giá 10.000 tỷ của Mỹ trong năm 2001. "Đó chỉ là một con số nhỏ", chuyên gia Rose nói.

Các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ cũng từng đưa ra kết luận tương tự trong vài tháng sau khi vụ khủng bố xảy ra. Sau khi trượt giảm mạnh tới 14% trong tuần đầu tiên sau vụ khủng bố, chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi trở lại mức trước ngày 11/9 vào đầu tháng 11/2001.

Chuyên gia Rose và các nhà kinh tế khác cho rằng không thể tính cả những thiệt hại của vụ 11/9 đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng sau năm 2002, bởi có quá nhiều sự kiện xảy ra sau đó. Trong số này, có vụ vỡ bong bóng bất động sản xuất phát từ cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn, nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ tài chính tồi tệ nhất kể từ sau thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930.

Tuy nhiên, bà Bilmes tin rằng, một số vấn đề kinh tế này cũng là di sản của vụ 11/9. "Nhiều quyết định yếu kém đã được đưa ra sau vụ 11/9", bà nói. "Những hệ quả từ việc chi tiêu quá mức cho cuộc chiến đã khiến kinh tề của chúng ta suy yếu hơn và gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ hơn chúng ta từng nghĩ tới".

Còn theo phép tính đưa ra trong bản báo cáo nghiên cứu của giáo sư Dancs và các đồng sự, Chính phủ Mỹ đã chi thêm 401 tỷ USD cho các biện pháp an ninh sau vụ 11/9. Còn theo Brock Blomberg, giáo sư kinh tế trường Đại học Claremont McKenna thì cho rằng, mức chi tiêu này vào khoảng 60 tỷ USD, tương đương 15 xu trên mỗi USD chính phủ chi tiêu.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đã tăng chi phí cho việc đảm bảo an ninh đối với họ kể từ sau vụ 11/9, mặc dù tổng mức chi phí rất khó tính toán, vì đó không phải là con số mà ngay cả các công ty đại chúng phải báo cáo.

Trên thực tế, nhiều công ty đã đầu tư mạnh tay cho các công nghệ mới kể từ sau 11/9 nhưng không tuyển thêm nhân viên bảo vệ tòa nhà của họ, Dino Iuliano, Phó chủ tịch điều hành hãng dịch vụ an ninh Planned cho biết. Công ty này cung cấp dịch vụ bảo vệ cho khoảng 200 tòa nhà văn phòng ở New York và 6 bang miền đông nước Mỹ.

Đáng quan tâm hơn, theo Iuliano, các công ty Mỹ đã giảm bớt chi phí an ninh trong vòng 3 năm trở lại đây do cuộc suy thoái và nền kinh tế yếu kém đã buộc họ phải thắt chặt ngân sách. Các công ty "đang tìm cách tiết kiệm tiền bằng mọi cách có thể". Chi tiêu cho quân sự cũng đã giảm bớt một lượng lớn.

Giáo sư kinh tế Bilmes cho rằng, thậm chí nếu tất cả các khoản chi tiêu không liên hệ trực tiếp với sự kiện 11/9, thì vụ việc này cũng đã đánh dấu một bước ngoặt kể từ sau Chiến tranh Lạnh. "Nó đã gây ra một sự bất an góp phần làm tăng thêm những tiếng nói đòi tiến hành chiến tranh".

Neta Crawford, giáo sư khoa học chính trị thuộc trường Đại học Boston, người cũng làm một nghiên cứu tương tự như giáo sư Anita Dancs, cho rằng, sau nhiều năm cắt giảm chi phí, quân sự lại trở thành ưu tiên ngân sách hàng đầu so với các dự án khác cần được chính phủ bơm vốn để tạo việc làm và kích thích kinh tế.

Những người bị lỡ cơ hội đã trở nên đau đớn hơn trong giai đoạn thất nghiệp tăng cao và tăng trưởng kinh tế yếu kém. "Đó không chỉ là bởi số tiền mà chúng ta đã chi ra kể từ sau 11/9/2001, mà còn bởi những gì chúng ta đã không làm được", giáo sư Crawford nói.

Còn trong bài viết nhan đề "Từ đế chế đến suy tàn", giáo sư về quan hệ quốc tế Michael Cox thuộc trường Đại học Kinh tế London, cho rằng vị thế của nước Mỹ trước vụ 11/9 dường như không thể bị thách thức. Hầu như không có mối đe dọa nào đáng sợ và kinh tế Mỹ được coi là thành công nhất trong lịch sử 200 năm.

Thế nhưng, một thập kỷ qua đã chứng kiến một nước Mỹ thay đổi tới mức khó nhận ra. Sự kiện ông Obama, người da màu đầu tiên được bầu làm Tổng thống Mỹ năm 2008 cho thấy người dân nước này không còn tin tưởng vào đường lối của đảng Cộng hòa, nhất là năm 2007 khi nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930.

Toàn cảnh vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ (nguồn: TTXVN):

Kinh tế Mỹ 10 năm sau vụ khủng bố 11/9 - Ảnh 1