10:34 24/04/2012

Kinh tế Myanmar sắp “cất cánh”?

Cao Hiền

Liên minh châu Âu đã quyết định ngừng các biện pháp cấm vận thương mại, kinh tế và cá nhân đối với Myanmar

Quang cảnh phiên họp Quốc hội Myanmar ngày 23/4/2012.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội Myanmar ngày 23/4/2012.
Hôm qua (23/4), Liên minh Châu Âu (EU) đã quyết định ngừng các biện pháp cấm vận thương mại, kinh tế và cá nhân đối với Myanmar trong vòng một năm, trừ lệnh cấm vận vũ khí.

Một nhà ngoại giao cho biết thỏa thuận đình chỉ các biện pháp trừng phạt đã "thông suốt" khi các ngoại trưởng 27 quốc gia thành viên EU nhất trí đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với gần 500 cá nhân và hơn 800 công ty trong vòng một năm.

Cụ thể, EU sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với hơn 800 công ty hoạt động ở các lĩnh vực gỗ, khai khoáng; cho phép đầu tư vào khoảng 50 công ty gần gũi với chính phủ; chấm dứt các hạn chế nhập cảnh và lệnh cấm đi lại đang ảnh hưởng tới gần 500 người.

Tuyên bố được các bộ trưởng bộ ngoại giao EU thông qua nêu rõ: “Nhằm hoan nghênh và khuyến khích tiến trình cải cách này, Hội đồng sẽ đình chỉ các biện pháp hạn chế áp đặt đối với chính phủ này, ngoại trừ lệnh cấm vũ khí vẫn được duy trì”.

Phụ trách chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton cho biết, mục tiêu của khối là ủng hộ những tiến bộ cải cách ở quốc gia Đông Nam Á. Động thái này chắc chắn khiến Chính phủ Myanmar hài lòng và mở đường cho các doanh nghiệp nước ngoài tới đây hoạt động.

Trước đó Mỹ đã bổ nhiệm đại sứ tại Myanmar và tuyên bố từng bước nới lỏng các hạn chế tài chính với quốc gia này. Australia cũng sẽ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Myanmar cùng hơn 200 người nữa đang bị cấm vận về di chuyển và tài chính.

Mới đây, Nhật Bản đã đồng ý xóa khoản nợ hơn 3,7 tỉ USD cho Myanmar và nối lại viện trợ phát triển cho quốc gia Đông Nam Á này theo thỏa thuận đạt được hôm 21/4, nhân chuyến thăm 5 ngày của Tổng thống Myanmar Thein Sein đến Tokyo.

Nhật Bản và Myanmar cũng nhất trí sẽ thành lập một đặc khu kinh tế gần thủ đô cũ Rangoon, giúp cho các doanh nghiệp của Nhật Bản có được sự khởi đầu thuận lợi trong việc đầu tư tại thị trường đầy tiềm năng này.

Giới phân tích bình luận, những động thái cải cách dân chủ tại Myanmar đã được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và trở thành tiền đề quan trọng cho Mỹ và phương Tây dỡ bỏ cấm vận với quốc gia Đông Nam Á này. Và giờ đây, kinh tế Myanmar sẽ cất cánh.

Myanmar không chỉ nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, những nền kinh tế lớn ở châu Á, mà còn có tài nguyên thiên nhiên, từ gỗ, thủy điện cho đến khí đốt thiên nhiên và các khoáng sản, có thể thu hút sự chú ý của những quốc gia khát năng lượng.

Các quốc gia phương Tây bắt đầu cho phép những công ty của họ đầu tư vào Myanmar. Quốc hội của quốc gia này, sau hơn hai thập niên không hoạt động, lần đầu tiên nhóm họp để thúc đẩy tạo nên một môi trường thuận lợi, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.

Chỉ mới trong năm nay, cơ quan lập pháp của Myanmar đã cố gắng thông qua những đạo luật về lao động và đầu tư nước ngoài. Không bao lâu nữa, các công ty nước ngoài sẽ được hưởng chế độ miễn thuế trong năm năm và những khuyến khích đầu tư khác.

Trong tháng này, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng của Myanmar từ 5,5% lên 6%. Myanmar bắt đầu thực hiện chính sách thả nổi có kiểm soát đồng nội tệ và đã có những bước ban đầu tiến tới thành lập thị trường chứng khoán.

Tỷ giá 818 Kyat đổi 1 USD đã được thiết lập, một con số thực tế hơn mức tỷ giá 6,4 Kyat được định sẵn trước đây. Bước đi này của Myanmar được kỳ vọng sẽ biến nền kinh tế bị cô lập này thành nơi hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Còn theo dự báo của hãng phân tích kinh tế và tài chính IHS Global Insight, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP của Myanmar ước tính sẽ đạt trung bình khoảng 6% mỗi năm, và khi đó, GDP sẽ tăng gấp đôi, lên 124 tỷ USD.

Thị trường tiêu dùng nội địa của Myanmar cũng được kỳ vọng tăng trưởng nhanh, mở ra một thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ quan trọng cho các nước ASEAN khác. Dân số Myanmar đứng thứ tư tại ASEAN, với khoảng 50 triệu người.

Tuy nhiên, không ít nhà phân tích lại cho rằng, cụm từ “cất cánh” có vẻ hơi quá mỹ miều đối với thực trạng kinh tế hiện nay của Myanmar. Bởi lẽ, nội tại của nền kinh tế Đông Nam Á này vẫn còn khá nhiều vấn đề thách thức cần phải được giải quyết.

Hàng loạt vấn đề mà Myanmar đang gặp phải có thể kể ra gồm việc thiếu lao động có kỹ năng, hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh, vấn nạn tham nhũng, cơ sở hạ tầng chưa tốt và giá cả gần đây đột ngột tăng cao, nhất là giá cả trong lĩnh vực nhà đất.

Chẳng hạn như, theo ước tính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Myanmar và Afghanistan đứng thứ 3 trong số các quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Hay giá nhà đất ở một số khu vực bên trong và xung quanh thủ đô đã tăng gấp 3 chỉ trong một năm.

Một vấn đề khác là ở một số vùng của Myanmar, điện vẫn là một thứ gì đó xa xỉ. Điều này có thể mở ra cơ hội đầu tư cho các hãng năng lượng quốc tế, nhưng cũng là một vật cản lớn đối với các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào quốc gia này.

Tờ Financial Times dẫn lời ông Julian Mayo, trưởng bộ phận đầu tư của hãng Charlemagne Capital, cho rằng, sự thay đổi ở Myanmar hiện vẫn là chưa đủ để ông coi đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Rajiv Biswas của IHS Global Insight chia sẻ trên tờ The Diplomat, Myanmar cần cải thiện môi trường kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển tài chính, thực hiện sáng kiến quản trị doanh nghiệp và chống tham nhũng.

Một trong những ưu tiên hàng đầu là đẩy nhanh phát triển ngành tài chính. Điều này đòi hỏi tự do hóa hơn nữa tài chính, để cho phép các tổ chức nước ngoài đóng góp nhiều hơn nữa cho việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho phát triển kinh tế của Myanmar.

Chuyên gia Rajiv Biswas cho rằng, nền kinh tế Myanmar có thể nổi lên là một “con hổ” ASEAN mới, bất chấp những thách thức về chính trị và kinh tế, nếu như Chính phủ Myanmar tiếp tục theo đuổi chương trình cải cách của mình.