15:29 17/11/2015

Kinh tế Nhật 20 năm 7 lần suy thoái

An Huy

“Với dân số trong độ tuổi lao động giảm nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Nhật rất gần mức 0”

Kinh tế Nhật suy giảm 0,8% trong quý 3 vừa qua, sau khi giảm 0,7% trong quý 2, đáp ứng định nghĩa suy thoái kinh tế - Ảnh: Bloomberg.
Kinh tế Nhật suy giảm 0,8% trong quý 3 vừa qua, sau khi giảm 0,7% trong quý 2, đáp ứng định nghĩa suy thoái kinh tế - Ảnh: Bloomberg.
Kinh tế Nhật một lần nữa rơi vào suy thoái trong quý 3 vừa qua mà không có bất kỳ sự kiện kinh tế nước ngoài hay thiên tai trong nước nào để đổ lỗi.

Theo hãng tin Bloomberg, trong 20 năm qua, nền kinh tế Nhật đã suy thoái 7 lần, trong đó có 2 cuộc suy thoái kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Cũng trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng quý của Nhật chỉ đạt 0,8%.

Trong cùng khoảng thời gian, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không ngừng với tốc độ cao, đưa nước này soán ngôi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới của Nhật.

“Với dân số trong độ tuổi lao động giảm nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Nhật rất gần mức 0”, chuyên gia kinh tế Takuji Okubo thuộc công ty tư vấn Japan Macro Advisors nhận định hôm 16/11 sau khi Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3.

“Việc tăng trưởng kinh tế 0% hoặc dưới ngưỡng này một chút không còn là chuyện lạ đối với Nhật Bản nữa”, Okubo phát biểu.

Kinh tế Nhật suy giảm 0,8% trong quý 3 vừa qua, sau khi giảm 0,7% trong quý 2, đáp ứng định nghĩa suy thoái kinh tế.

Năm ngoái, kinh tế Nhật đã rơi vào suy thoái sau khi thuế tiêu thụ được nâng lên. Trước đó, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã liên tiếp suy thoái trong các năm 2012 và 2011.

Lần này, kinh tế Nhật thụt lùi do các công ty cắt giảm đầu tư và cắt giảm hàng tồn kho thay vì sản xuất nhiều hàng hóa hơn.

Chuyên gia kinh tế Hiroshi Shiraishi thuộc ngân hàng BNP Paribas SA ở Tokyo nói rằng, việc kinh tế Nhật suy thoái đã trở thành “chuyện thường ngày”, đến nỗi cần phải nhìn vào vấn đề sâu hơn để xác định xem chuyện gì đang xảy ra.

Theo ông Shiraishi, sẽ là một sai lầm nếu đánh đồng cuộc suy thoái mới nhất của Nhật Bản với ý tưởng cho rằng nước Nhật sẽ lại rơi vào giảm phát. Chuyên gia này nhấn mạnh, cần phải nhìn vào thị trường lao động đang rất thiếu nhân lực của Nhật, và không chỉ là GDP, khi đánh giá các xu hướng giá cả.

Trong một báo cáo công bố vào tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) ước tính mức tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế nước này “vào khoảng 0,5% hoặc thấp hơn”. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế Mỹ theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là khoảng 2%.