14:12 16/02/2009

Kinh tế Nhật tăng trưởng âm gần 13%

Kiều Oanh

GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã sụt giảm 12,7% trong quý 4/2008 so với cùng kỳ năm trước

Theo các nhà phân tích, Nhật Bản là một trong những nền kinh tế chịu tác động tiêu cực nhiều nhất từ vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ hôm 15/9/2008.
Theo các nhà phân tích, Nhật Bản là một trong những nền kinh tế chịu tác động tiêu cực nhiều nhất từ vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ hôm 15/9/2008.
GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã sụt giảm 12,7% trong quý 4/2008 so với cùng kỳ năm trước, mạnh nhất từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970 đến nay.

Những số liệu vừa được Chính phủ Nhật công bố ngày 16/2 phản ánh tốc độ sụt giảm vào hàng “vô tiền khoáng hậu” trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của nước này trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu.

Văn phòng Nội các Nhật Bản cho hay, GDP nước này trong quý 4/2008 đã sụt giảm quý thứ 3 liên tiếp, với tốc độ co lại mạnh hơn nhiều so với dự báo trước đó của giới quan sát. Nếu so với quý 3/2008, GDP quý 4 của đất nước Mặt trời mọc đã tăng trưởng âm 3,3%.

Mức sụt giảm này mạnh hơn nhiều so với tốc độ đi xuống của các nền kinh tế đầu tàu khác của thế giới, như mức âm 1% ở Mỹ và âm 2,1% của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Xuất khẩu, lĩnh vực đóng góp chính cho tăng trưởng GDP của Nhật, đang lao dốc mạnh mẽ. Trong quý 3/2008, kim ngạch xuất khẩu của nước này đã giảm ở mức kỷ lục là 13,9%, do nhu cầu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Nhật như xe hơi, hàng điện tử… trên thị trường thế giới đang co lại với tốc độ hiếm gặp.

“Nhật Bản sản xuất nhiều mặt hàng lâu bền cao cấp, những sản phẩm rất nhạy cảm với tình hình tín dụng ở các thị trường xuất khẩu. Người tiêu dùng đa phần vay mượn để mua những mặt hàng này. Do đó, Nhật Bản rất dễ bị ảnh hưởng”, kinh tế gia Hiroshi Shiraishi thuộc Ngân hàng BNP Paribas tại Tokyo nhận xét.

So với trước đây, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản hiện nay phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hiện chiếm 16% GDP của Nhật, so với mức 10% vào năm 1999.

Theo các nhà phân tích, Nhật Bản là một trong những nền kinh tế chịu tác động tiêu cực nhiều nhất từ vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ hôm 15/9/2008.

Vụ đổ vỡ gây chấn động này đã đẩy thị trường tín dụng toàn cầu vào trạng thái đóng băng, gây vô số trở ngại cho hoạt động thương mại. Ngoài ra, vụ phá sản này còn khiến giới đầu tư tiền tệ Nhật Bản hoảng sợ và ồ ạt rút vốn về nước, khiến đồng Yên lên giá tới 14% từ thời điểm giữa tháng 9/2008 tới nay, bào mòn lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật.

Xuất khẩu lao dốc và thua lỗ nghiêm trọng đang buộc các tập đoàn hàng đầu của Nhật đẩy mạnh sa thải nhân công. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 12/2008 đã nhảy lên mức 4,4% từ mức 3,9% trong tháng 11, mức nhảy cao nhất trong vòng 4 thế kỷ. Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, các tập đoàn Panasonic, Pioneer, Nissan, và NEC đã cắt giảm tổng số 65.000 việc làm.

Hãng xe hơi lớn nhất thế giới Toyota của Nhật vừa tuyên bố sẽ cắt giảm 54% sản lượng trong nước quý 1/2009. Do đó, trong quý này, sản lượng của Toyota tại Nhật, trừ hai bộ phận Daihatsu và Hino, sẽ chỉ còn 519.000 xe, so với mức 1,13 triệu xe vào quý 1/2008.

Trước đó, Toyota đã cảnh báo hãng sẽ lần đầu tiên đối mặt với thua lỗ trong hơn 7 thập kỷ trở lại đây, với mức lỗ có thể lên tới 450 tỷ Yên (4,9 tỷ USD) trong năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3 tới này.

Khác với ở Mỹ và Trung Quốc, nơi chính phủ đang hành động quyết liệt để chống suy thoái bằng những gói giải cứu khổng lồ, các nhà hoạch định chính sách Nhật cho tới lúc này chưa giúp được gì nhiều cho nền kinh tế. Những rào cản ở Quốc hội Nhật khiến việc thông qua gói kích thích trị giá 10.000 tỷ Yên (111 tỷ USD) của Thủ tướng Taro Aso vẫn chưa trở thành hiện thực.

Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) đã hạ lãi suất cơ bản đồng Yên xuống còn 0,1% vào tháng 12 năm ngoái và hiện đang nỗ lực khơi thông dòng chảy tín dụng bằng cách mua  vào cổ phiếu và thương phiếu doanh nghiệp từ các ngân hàng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những biện pháp này sẽ chẳng có mấy tác dụng, vì vấn đề mấu chốt đối với kinh tế Nhật lúc này là nhu cầu của thị trường thế giới đối với hàng xuất khẩu của nước này sụt giảm mạnh.

(Theo Bloomberg)