09:39 08/03/2011

Kinh tế Nhật trước cơn sóng gió chính trường

Hồng Ngọc

Một trong những yếu tố ít nhiều làm chứng khoán Nhật đi xuống là việc chính trường nước này đang đứng trước một cơn sóng cả

Ông Seiji Maehara, người được cho có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Naoto Kan.
Ông Seiji Maehara, người được cho có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Naoto Kan.
Phiên giao dịch ngày 7/3, thị trường chứng khoán Nhật Bản trượt mạnh xuống dưới ngưỡng hỗ trợ quan trọng và xóa sạch thành quả tăng điểm trong tuần trước. Chỉ số Nikkei 225 mất tới 188,64 điểm (-1,76%) xuống 10.505 điểm. Một trong những yếu tố ít nhiều dẫn tới sự tuột dốc này là việc chính trường Nhật Bản đang đứng trước một cơn sóng cả.

Trong một cuộc họp báo khẩn cấp tổ chức vào tối 6/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara đã loan báo việc ông từ chức, đồng thời ngỏ lời xin lỗi dân chúng về quyết định của mình. Vị bộ trưởng trẻ tuổi này phải ra đi, sau khi bị tố cáo là đã nhận tài trợ bất hợp pháp.

Theo lời tố cáo, ông Maehara đã nhận một khoản tiền tài trợ khoảng 50.000 Yên (tương đương với 610 USD), từ một phụ nữ gốc Triều Tiên 72 tuổi vào năm ngoái trong các chiến dịch gây quỹ cho đảng Dân chủ. Người phụ nữ này hiện là chủ một nhà hàng tại thành phố Kyoto. Bà chào đời và sinh sống tại Nhật Bản, nhưng chưa được công nhận là công dân nước này.

Hôm 4/3, tại cuộc họp của Ủy ban Ngân sách nhà ở của Thượng viện, ông Maehara thừa nhận đã nhận số tiền tài trợ trên. Theo Luật Giám sát Tài chính của Nhật Bản, các chính khách nước này không được phép nhận bất cứ tiền ủng hộ, quyên góp nào từ các cá nhân và tổ chức nước ngoài.

Ông Seiji Maehara, người được cho có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Naoto Kan, đã lên tiếng xin lỗi và giải thích rằng người phụ nữ gốc Triều Tiên đó là bạn của ông từ thời thơ ấu. Ông nói rằng không hề hay biết gì về khoản tài trợ này cho đến cách đây vài ngày. Tuy nhiên, phe đối lập cáo buộc, ông đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật và yêu cầu ông phải từ chức.

"Tôi xin lỗi người dân Nhật Bản vì từ chức sau vỏn vẹn 6 tháng và gây nên sự bất tín nhiệm do một vấn đề liên quan tới hoạt động gây quỹ cho đảng, dù tôi luôn chủ trương theo đuổi phong cách chính trị trong sạch. Thật đáng tiếc là vấn đề phát sinh bởi chính sai lầm của tôi", ông Seiji Maehara nhấn mạnh.

Với sự ra đi này, ông Seiji Maehara là vị bộ trưởng đầu tiên trong nội các của ông Naoto Kan từ chức kể từ sau cuộc cải tổ chính phủ hồi tháng 1. Việc từ chức của ông Seiji Maehara một lần nữa khiến giới phân tích đặt ra những lo ngại đối với chính quyền ông Naoto Kan, vốn đang bị sụt giảm mạnh về uy tín.

Chỉ sau 9 tháng cầm quyền, tỷ lệ tín nhiệm đối với Thủ tướng Naoto Kan đã xuống dưới mức 20% và ông đang phải đối diện với mối đe dọa từ phe đối lập, muốn ngăn chặn tất cả các dự luật cải cách của chính phủ. Chính ông Naoto Kan trong phiên họp của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) hôm 5/3 cũng thừa nhận, đảng này đang lâm vào tình thế khó khăn nhất kể từ khi thành lập.

Thủ tướng Naoto Kan đang vất vả thuyết phục Quốc hội thông qua ngân sách cho năm tài khóa mới, vốn sẽ bắt đầu vào tháng 4 tới. Ông muốn cải cách thuế khóa để trang trải cho các phúc lợi trong một xã hội mà dân số già tăng nhanh, cũng như để cố gắng kiểm soát khoản nợ công khổng lồ. Tuy nhiên, các nỗ lực của ông đến nay không đạt được mấy hiệu quả.

Nếu dự luật này không được thông qua, Chính phủ Nhật Bản sẽ không thể phát hành trái phiếu để bù đắp các chi phí chiếm tới 44% trong tổng số 92.400 tỷ Yên trong ngân sách tài khóa 2011. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân Nhật Bản, các hoạt động tại Quốc hội cũng sẽ trở nên hỗn loạn. Báo chí địa phương có nhắc đến kịch bản Thượng viện có thể sẽ thông qua bản kiến nghị khiển trách đối với ông Naoto Kan và vị thủ tướng này sẽ được yêu cầu từ chức.

Nguồn tin báo chí Nhật Bản cho hay, ông Kan còn đối mặt với sức ép ngày càng tăng ngay trong chính nội bộ DPJ về việc đòi ông từ chức, để có thể có được sự hợp tác từ các đảng đối lập nhằm thông qua dự luật trên. Một thành viên DPJ nói rằng, các nghị sĩ đảng này sẽ công khai yêu cầu ông Kan từ chức vào giữa tháng 3 hoặc muộn hơn. Vì thế, rất dễ hiểu tại sao việc ông Maehara từ chức vào lúc này lại bị coi là "đổ thêm dầu vào lửa".

“Chính phủ đang đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi ông Naoto Kan lên nhậm chức hồi tháng 6/2010”, tờ Mainichi nhấn mạnh. Tờ Nihon Keizai viết rằng: "Chính quyền Thủ tướng Naoto Kan đang đứng trên bờ nguy hiểm sau khi ông Maehara từ chức". Báo Yomiuri Shimbun thì cho hay "Thủ tướng Naoto Kan đang rơi vào thế khó", còn theo tờ Asahi, "vị thế chính trị của Thủ tướng Naoto Kan chắc chắn sẽ suy giảm".

“Nội các của ông Naoto Kan mất niềm tin trước nhân dân. Sự lựa chọn duy nhất của ông ấy lúc này là nên từ chức đồng loạt hoặc giải tán Hạ viện,” hãng thông tấn Kyodo dẫn lời ông Natsuo Yamaguchi, lãnh đạo đảng New Komeito cho biết. Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do đối lập Jiro Kawasaki và ông Yoshimi Watanabe, lãnh đạo Đảng của bạn cũng dành những lời nói đanh thép nhất cho Thủ tướng Naoto Kan.

Trong khi đó, theo Đài truyền hình Nhật Bản (NHK), giới chức Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng, việc ông Maehara từ chức có thể ảnh hưởng tới các cuộc thương lượng di chuyển căn cứ Futenma của quân đội Mỹ ở tỉnh Okinawa. Ông Maehara được biết đến là một trong những chính khách thân Mỹ nhất trong Đảng cầm quyền của Nhật.

Ông này đóng vai trò quan trọng trong đàm phán giữa Tokyo và Washington về căn cứ Okinawa. Maehara cũng là người góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy Nhật tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Naoto Kan khẳng định chính sách đối ngoại của Nhật Bản sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định từ chức của ông Maehara.

Trước đó, Ủy ban Đối ngoại Đuma Quốc gia Nga cũng khẳng định, sự kiện trên không ảnh hưởng tới quan hệ Nga - Nhật trong thời gian tới. Hiện Chánh văn phòng Nội các Yukio Edano kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Hôm qua, phát biểu tại cuộc họp của Thượng viện vào sáng 7/3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã xác nhận thông tin này.