14:41 06/05/2011

Kinh tế Trung Quốc: “Voi cưỡi xe đạp”?

Hồng Ngọc

Một số chuyên gia như James Kynge từng hình dung kinh tế Trung Quốc giống như một chú voi đang cưỡi trên một chiếc xe đạp

Kinh tế Trung Quốc giống như một chú voi đang cưỡi xe đạp.
Kinh tế Trung Quốc giống như một chú voi đang cưỡi xe đạp.
Một số chuyên gia như James Kynge từng hình dung kinh tế Trung Quốc giống như một chú voi đang cưỡi trên một chiếc xe đạp. Chỉ cần vẫn tiến về phía trước thì không sao, nhưng một khi giảm tốc thì hậu quả sẽ khôn lường.

Hiện tại, tình trạng dân số già hóa tăng nhanh trong khi tiền lương nhân công không ngừng tăng lên, đang khiến lạm phát của Trung Quốc leo thang và kéo lùi tăng trưởng, đúng như lời một chuyên gia kinh tế cho biết hôm 5/5, kinh tế Trung Quốc đang chuẩn bị tới khúc quanh lớn.

Hãng tin Reuters dẫn nhận xét của tác giả Ba Shusong trên tờ Tin kinh tế hàng ngày cho hay, "số liệu thống kê hiện nay cho thấy Trung Quốc đã hướng tới bước ngoặt Lewis, đồng thời cánh cửa lợi ích nhân khẩu học sẽ sớm đóng lại".

Theo nhà kinh tế được giải Nobel, Arthur Lewis, khu vực tư bản phát triển nhờ lấy lao động từ khu vực nông nghiệp còn lạc hậu nên quá thừa nhân công. Do đó, lương trong khu vực công nghiệp bắt đầu tăng nhanh khi không còn được khu vực nông nghiệp cung cấp thêm lao động.

Chẳng những thế, thế hệ lao động mới đòi hỏi nhiều hơn và có tham vọng lớn hơn thế hệ cha mẹ họ, vì họ có năng suất cao hơn nhờ được đào tạo tốt hơn. Họ muốn được trả lương cao và cảm thấy bất mãn khi phải làm những công việc quá đơn điệu. Lắm khi công nhân đình công phản đối chủ yếu cuộc sống quá căng hơn là đòi tăng lương.

"Từ năm 2004 tới nay, vấn đề thiếu hụt công nhân từ khu vực nông thôn chuyển sang đã không còn là chuyện nhất thời, nhưng đây chính là một dấu hiệu cho thấy bước ngoặt Lewis của kinh tế Trung Quốc đã tới gần. Và đây là một sự thay đổi mang tính xu thế", tác giả Ba Shusong nhận xét.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đối với cả Trung Quốc lẫn phần còn lại của thế giới là, việc tăng lương công nhân đẩy lạm phát lõi leo thang, tỷ lệ lạm phát thấp trong điều kiện đủ cung lao động sẽ khó có thể duy trì. "Thêm vào đó, sau khi vượt qua bước ngoặt, kinh tế Trung Quốc có khả năng xuất hiện tình trạng sụt giảm mang tính hệ thống".

Về ngắn hạn mà nói, nhiều nhà kinh tế học Trung Quốc cho rằng, lạm phát sẽ chạm đỉnh trong 1 tháng tới (lạm phát tháng trước đã lên tới 5,4%), sau đó giá cả sẽ trở lại mức dễ chịu. Chính phủ Trung Quốc hiện đang áp dụng các biện pháp để đảm bảo điều này trở thành sự thực.

Bắc Kinh đã ra tay ngăn chặn tình trạng giá hàng hóa leo thang đẩy gánh nặng lên vai người tiêu dùng. Thậm chí, Chính phủ Trung Quốc còn tuyên bố có thể tăng giá đồng Nhân dân tệ. Nhưng việc ngăn chặn vĩnh viễn tình trạng tăng giá là điều rất khó thực hiện, cho dù Trung Quốc đang nắm trong tay một lượng tiền mặt rất lớn.

Nếu như vài năm trở lại đây là thời kỳ "lạm phát thấp" do giá thuê nhân công rẻ tạo nên, thì tỷ lệ lạm phát "bình thường" sẽ như thế nào? Những vụ việc gần đây đã khiến người ta phải lo ngại. Ví dụ như vào giữa những năm 1990, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc thường vượt quá 10%. Nhưng trên thực tế, lạm phát của quốc gia này tới cuối năm 1994 đã lên tới mức đỉnh, gần 30%.

Đúng như những gì mà tác giả George Magnus đã viết trên tờ Thời báo Tài chính của Anh hôm 4/5, Trung Quốc có khả năng sẽ phải đối mặt với "thời điểm Minsky" trong một thời gian không lâu nữa. Minsky được hiểu là thời điểm khi vòng xoắn ốc của nợ vay kết thúc và giá tài sản tuột dốc thẳng đứng.

Theo thuyết này, nếu do may mắn mà chúng ta được hưởng lợi từ một giai đoạn tăng trưởng và ổn định tài chính kéo dài, thì những hạt mầm của sự bất ổn sẽ được gieo tới tất cả mọi người, từ nhà đầu tư ngân hàng, đến các cơ quan quản lý

Nếu như để ngăn chặn lạm phát và hoạt động tín dụng của Trung Quốc bằng việc áp dụng các biện pháp quyết liệt, lâu dài, bao gồm cả việc nâng mạnh lãi suất, điều đó sẽ có thể tác động tới tăng trưởng mang tính chu kỳ. Nhưng các biện pháp này sẽ giúp tăng trưởng duy trì lâu hơn, bởi chúng sẽ kìm hãm đầu tư, để các biện pháp khác có đủ thời gian phát huy tác dụng, để phục hồi thu nhập và tiêu dùng của các hộ gia đình".

Một tình huống khác cũng rất có khả năng xảy ra. Đó là thời điểm Trung Quốc tiến hành chuyển giao thế hệ lãnh đạo vào năm 2012, để tránh tác động tới tăng trưởng cũng như làm người dân dao động, chính phủ có thể tuyên bố đã ngăn lạm phát thành công.

Điều này có thể khiến giá tài sản và tăng trưởng nâng lên trong ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng dẫn tới khả năng, ban lãnh đạo mới buộc phải đối mặt với "thời điểm Minsky" do tín dụng gây ra.

Nếu Trung Quốc phải đối mặt với thời điểm đó, tăng trưởng toàn cầu và các thị trường hàng hóa sẽ bị tác động mạnh, thậm chí ngay nhận thức chung về việc tăng giá ổn định của Nhân dân tệ cũng bị ảnh hưởng. Điều đó còn tác động tới các mục tiêu tái cân bằng kinh tế nội địa, nâng cao tỷ trọng tiêu dùng trong kinh tế của Trung Quốc, đồng thời gây thêm rủi ro về bất ổn định chính trị xã hội.

Nhiều năm nay, các nước phát triển (và các nền kinh tế mới nổi) đã thu được lợi ích từ hàng hóa Trung Quốc giá rẻ. Những mặt hàng giá rẻ này cũng giúp cho tỷ lệ lạm phát của thế giới ở mức thấp trong một thập niên qua. Liệu có nước nào có thể bù lấp khoảng trống này nếu Trung Quốc bỏ lại hay không?

Trung Quốc, nước đang phải đối mặt với khúc quanh lớn về cơ cấu dân số, rất có thể sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát năm 2011. Tuy nhiên, cuộc chiến này sẽ vẫn tiếp tục kéo dài và một khi có bất cứ sự thay đổi nào, mức độ khó khăn bị lại bị nâng lên thêm một bậc.