17:09 16/09/2010

Làn sóng bỏ xứ của thanh niên Hy Lạp

An Huy

Hy Lạp đang đứng trước sự nổi lên của một làn sóng di cư mới, mà dẫn đầu là những thanh niên có bằng cấp

Alexandra Mallosi là một trong những thanh niên Hy Lạp lựa chọn giải pháp ra nước ngoài kiếm việc. Cô gái 29 tuổi này sẽ tới Abu Dhabi để làm quản lý kinh doanh khách sạn - Ảnh: NYT.
Alexandra Mallosi là một trong những thanh niên Hy Lạp lựa chọn giải pháp ra nước ngoài kiếm việc. Cô gái 29 tuổi này sẽ tới Abu Dhabi để làm quản lý kinh doanh khách sạn - Ảnh: NYT.
Với tình hình kinh tế khó khăn và thị trường việc làm bị thu hẹp trong nước, ngày càng có nhiều người trẻ Hy Lạp ra nước ngoài tìm cơ hội việc làm.

Chỉ còn ít ngày nữa, cô Alexandra Mallosi, 29 tuổi, sẽ đóng gói hành lý và tạm biệt vùng ngoại ô Holargos yên tĩnh của Athens để đi tới Abu Dhabi. Tại đất nước Trung Đông này, cô sẽ bắt đầu làm công việc quản lý kinh doanh khách sạn, một công việc không dễ kiếm chỗ ở Hy Lạp những ngày này. “Ở những quốc gia khác, người trẻ tuổi được khuyến khích. Còn ở Hy Lạp, họ bị kìm hãm”, cô Mallosi nói với phóng viên tờ New York Times.

Cũng giống như Mallosi, ngày càng có nhiều thanh niên Hy Lạp với bằng tốt nghiệp đại học trong tay rời khỏi quê hương. Họ ra đi trong bối cảnh suy thoái kinh tế đẩy thị trường lao động vốn đã bị kìm hãm bởi văn hóa “quan hệ” của Hy Lạp đi xuống. Triển vọng khởi sắc của nền kinh tế châu Âu này giờ vẫn còn mờ mịt.

New York Times cho biết, nợ quốc gia của Hy Lạp ước tính ở mức 400 tỷ USD, cao hơn GDP của nước này, có thể sẽ buộc Athens tiếp tục thắt chặt chi tiêu trong nhiều năm nữa. Ngoài ra, hàng loạt vụ bê bối tham nhũng đã khiến giới trẻ Hy Lạp mất niềm tin vào tương lai.

Theo kết quả một cuộc điều tra công bố hồi tháng trước, 70% số người trẻ có bằng đại học của Hy Lạp muốn làm việc ở nước ngoài; 40% đang tìm việc ở nước ngoài hoặc theo học lên bậc cao hơn để đảm bảo có được chỗ đứng tốt ở nước ngoài. Cuộc điều tra này được một tờ báo của Hy Lạp thực hiện với sự tham gia của 5.442 người trong độ tuổi 22-35.

Nhiều thanh niên Hy Lạp rời đất nước vì cho rằng cánh cửa việc làm đang đóng lại trước họ. Đối với nhiều sinh viên mới ra trường và bắt đầu tìm việc, cánh cửa đó thậm chí còn chưa từng mở ra.

Số liệu thống kê chính thức mới nhất của Hy Lạp cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15-24 ở Hy Lạp là 29,8% trong tháng 6, so với mức 20% trong toàn Liên minh châu Âu (EU) và mức 22,9% của cùng kỳ năm trước. Thậm chí, vào tháng 5/2010, con số này lên tới 32,5%.

Đối với những người Hy Lạp trong độ tuổi 25-34, tỷ lệ thất nghiệp tháng 6 là 16,2%, từ mức 11,8% cùng kỳ năm 2009. Tỷ lệ thất nghiệp nói chung là 11,6%, so với mức 8,6% cùng kỳ năm trước.

Vào những thập niên 1950-1960, hàng ngàn người Hy Lạp đã ra đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn ở các nước như Mỹ, Australia hoặc các quốc gia châu Âu khác. Trong thập niên 1980 và 1990, khi kinh tế Hy Lạp phát triển mạnh sau khi nước này gia nhập EU, nhiều người Hy Lạp ở nước ngoài đã về nước. Niềm tự hào về Thế vận hội Athens 2004 cũng là một lý do thúc đẩy hàng ngàn người Hy Lạp trở về.

Nhưng vào năm 2008, những dấu hiệu suy thoái kinh tế đầu tiên xuất hiện. Còn năm nay, cuộc khủng hoảng nợ công buộc Hy Lạp phải cầu viện khoản vay 110 tỷ Euro từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và EU đi kèm điều kiện cắt giảm chi tiêu công gắt gao.

Giờ đây, Hy Lạp đang đứng trước sự nổi lên của một làn sóng di cư mới, mà dẫn đầu là những thanh niên có bằng cấp. “Người Hy Lạp ngày nay ra nước ngoài không phải để làm những công việc tay chân. Nhiều người trong số họ là những sinh viên tốt nghiệp tại New York ở lại đó làm việc”, Giáo sư George Pagoulatos thuộc Đại học Kinh tế Athens cho biết.

Theo Giáo sư Pagoulatos, tình trạng chảy máu chất xám có thể xảy ra nếu những người trẻ có tài không nhìn thấy triển vọng ở Hy Lạp. Nhưng ông cũng nghi ngờ khả năng họ tìm được cơ hội tốt ở các quốc gia phương Tây khác, nơi mà thất nghiệp cũng là một thách thức nan giải.

Một lý do khác dẫn tới làn sóng di cư ở Hy Lạp, theo ông Pagoulatos, là sự bất mãn gia tăng của người dân sau một loạt vụ bê bối tham nhũng hồi năm 2008 khiến Chính phủ bảo thủ tiền nhiệm chao đảo. “Nhìn chung, người dân có cảm giác về khủng hoảng, một xã hội bế tắc, một hệ thống chính trị tê liệt, và số người mất niềm tin về tương lai của đất nước ngày càng tăng”, ông nhận xét.

Anh Alexander Kentikenlenis, 26 tuổi, là một trong những người bất mãn. Có bằng quan hệ quốc tế của Đại học Athens và bằng thạc sỹ về phát triển quốc tế Đại học Cambridge, anh Kentikelenis dự định sẽ sớm trở lại Cambridge để theo học lấy bằng tiến sỹ xã hội học. Tham vọng trước đây của Anh là làm chính trị ở Hy Lạp đã tan thành mây khói.

“Tôi nhận ra rằng, hệ thống chính trị ở đất nước này ưu tiên những người có quan hệ tốt hơn là người có tài”, anh Kentikelenis nói.

Chính phủ Hy Lạp đã nỗ lực thuyết phục giới chủ tuyển dụng người lao động trẻ bằng cách hạ mức lương tối thiểu xuống 590 Euro từ mức 700 Euro. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng trợ cấp cho các doanh nghiệp bằng cách đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân mới được thuê. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những biện pháp này sẽ không thể phát huy tác dụng trừ phi Athens kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích đầu tư vào các dự án lớn như nâng cấp sân bay hay xây dựng các trang trại gió và công viên năng lượng mặt trời.

Số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Hy Lạp hiện nay cũng được cho là quá nhiều so với khả năng tạo việc làm mới trong nền kinh tế ảm đạm của nước này. Thống kê cho thấy, trong vòng 15 năm qua, có 600.000 sinh viên ra trường ở Hy Lạp, nhưng chỉ có 250.000 việc làm mới được tạo ra, chủ yếu trong khu vực nhà nước. Hiện nay, thậm chí Chính phủ Hy Lạp cũng ngừng thuê thêm nhân viên mới, còn các doanh nghiệp thì thu hẹp hoạt động hoặc chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài.

Một vấn đề nữa mà các nhà kinh tế học chỉ ra là, phần lớn việc làm trong khu vực tư nhân ở Hy Lạp là dành cho lao động có kỹ năng tầm trung, thay vì những người có bằng đại học. “2/3 số sinh viên đại học ra trường chấp nhận công việc mà đáng ra thuộc về những người có bằng phổ thông”, một nhà kinh tế học của Hy Lạp cho biết. Như vậy, những công nhân trình độ thấp ở Hy Lạp đang phải đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ từ những người có bằng cấp mà cả từ những công nhân nhập cư đòi hỏi mức lương thấp.

Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm cho rằng, làn sóng di cư của thanh niên Hy Lạp ra nước ngoài sẽ không lắng xuống cho tới khi những thiếu sót trong cấu trúc của nền kinh tế nước này được giải quyết và tăng trưởng trở lại. Nhưng vấn đề là bao giờ thì điều đó sẽ tới.

“Các cải cách sẽ chỉ có thể phát huy tác dụng từ năm 2012. Với tình hình bấp bênh như bây giờ, liệu bao nhiêu thanh niên Hy Lạp có thể đợi tới khi đó”, Giáo sư Pagoulatos nói.