20:17 06/11/2015

Lãnh đạo Trung Quốc, Đài Loan “cưa đôi” hóa đơn bữa tối ở Singapore

An Huy

Cuộc gặp đầu tiên của lãnh đạo Đài Loan và Trung Quốc kể từ năm 1949

Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: WantChina Times.<br>
Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: WantChina Times.<br>
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu dự kiến sẽ “cưa đôi” hóa đơn bữa tối sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử diễn ra tại Singapore vào ngày thứ Bảy tuần này - Bloomberg đưa tin.

Hãng tin này bình luận, việc hai nhà lãnh đạo chia hóa đơn bữa tối cho thấy thế cân bằng mong manh mà họ cố gắng duy trì để giữ yên mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan 66 năm kể từ sau khi kết thúc cuộc nội chiến Trung Quốc.

Trong thế cân bằng này, ông Tập tránh nâng vị thế của ông Mã lên ngang bằng với ông, trong khi ông Mã tránh tỏ ra “khúm núm” trước ông Tập

Tất cả mọi phát ngôn và động thái trước và trong cuộc gặp lịch sử này đều được dư luận thế giới chú ý. Để giữ sự trung lập và tránh sự đề cập nhạy cảm, hai nhà lãnh đạo sẽ gọi nhau là “mister” (“ông”) trong cuộc gặp này, thay vì sử dụng chức danh.

Ông Tập và ông Mã sẽ bắt tay nhau trước ống kính, nhưng sẽ không có cuộc họp báo chung nào như các nhà lãnh đạo thường tổ chức sau các cuộc gặp. Và cuối cùng, hai nhà lãnh đạo sẽ cùng dùng một bữa tối giản dị và chia nhau hóa đơn sau đó - một nguồn tin thân cận tiết lộ.

“Mọi người sẽ chú ý việc ai đưa tay ra trước khi bắt tay. Họ có ôm nhau không? Ai ôm trước? Ngôn ngữ cơ thể họ thế nào? Ông Tập có tỏ ra nghiêm nghị không? Ông Mã có nhìn xuống không? Họ có nhìn thẳng vào mặt nhau không? Tất cả những cử chỉ này đều sẽ được phân tích đến nơi đến chốn”, ông William Stanton, Giám đốc Trung tâm Chính sách châu Á thuộc Đại học Quốc gia Tsing Hua ở Đài Loan, nhận xét.

Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của lãnh đạo Đài Loan và Trung Quốc kể từ năm 1949 và mất hai năm để sắp xếp thông qua đàm phán. Đối với ông Tập và ông Mã, cuộc gặp là một cơ hội để giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai bờ eo biển.

Việc chọn Singapore làm nơi diễn ra cuộc gặp cũng được cân nhắc kỹ lưỡng. Quốc gia có phần đông dân số nói tiếng Hoa này từng là nơi diễn ra cuộc gặp mang tính đột phá của đặc phái viên Đài Loan và Trung Quốc vào năm 1993. Ngoài ra, cuộc gặp thượng đỉnh Đài Loan-Trung Quốc diễn ra khi ông Tập Cận Bình tới thăm chính thức đảo quốc Sư Tử.

Theo phía Đài Loan, các chủ đề được bàn tới trong cuộc gặp này sẽ đa dạng, từ an ninh giữa hai bờ eo biển cho tới các vấn đề của Đài Loan. Trong cuộc họp báo ngày 5/11, ông Mã Anh Cửu cho biết bữa tối của hai nhà lãnh đạo sẽ là một bữa tối “giản dị”.

Bữa tối này sẽ diễn ra trong phòng kín và ngay sau đó, ông Mã sẽ ra sân bay để lên đường về Đài Loan - theo một nguồn tin.

Các nhà báo sẽ được tham dự 10 phút đầu tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến kéo dài một giờ đồng hồ, bắt đầu vào lúc 3h chiều ngày 7/11 theo giờ Singapore. Sau đó, hai nhà lãnh đạo sẽ hội đàm kín.

Sau cuộc gặp, hai bên sẽ tổ chức họp báo riêng. Trong đó, theo Tân Hoa Xã, chủ trì cuộc họp báo của phía Trung Quốc là ông Zhang Zhijun, người đứng đầu Văn phòng Các vấn đề Đài Loan.

Ông Mã Anh Cửu nói rằng cuộc gặp giữa ông với ông Tập sẽ không đi đến “một thỏa thuận hay lời hứa bí mật” nào và hai bên sẽ tập trung vào việc thiết lập một cơ chế tiếp xúc thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo hai bên bờ eo biển.

“Chúng tôi sẽ nói với ông Tập về tình hình Đài Loan hiện nay để ông ấy có thể hiểu rõ hơn và cân nhắc kỹ càng khi lên chính sách về quan hệ giữa hai bờ eo biển”, ông Mã nói trong cuộc họp báo ngày 5/11.

Cuộc gặp lịch sử này cũng sẽ là cơ hội để ông Tập và ông Mã có những cảm nhận trực tiếp về nhau, cho dù ông Mã sắp rời cương vị lãnh đạo Đài Loan. Đài Loan sẽ bầu một nhà lãnh đạo mới vào tháng 1 tới và ông Mã không thể tranh cử lần nữa.

“Tôi chưa từng gặp ông ấy, nên tôi chưa có ấn tượng đầu tiên về ông ấy. Khi có, tôi sẽ kể cho các bạn”, ông Mã nói.

Với chính sách “Một Trung Quốc”, Trung Quốc vẫn xem chính quyền tại Đài Loan là bất hợp pháp, và coi vùng lãnh thổ này là thuộc về Trung Quốc, trong khi Đài Loan thì tự cho mình là một quốc gia độc lập. Hầu hết các nước trên thế giới không công nhận và không có quan hệ ngoại giao chính thức với chính quyền tại Đài Loan.