11:24 09/05/2017

Lấp khoảng trống quyền lực, Hàn Quốc bỏ phiếu bầu Tổng thống mới

An Huy

Theo dự báo, trừ phi có bất ngờ lớn, ứng cử viên theo trường phái tự do Moon Jae-in, sẽ đắc cử

Ông Moon Jae-in, người được dự báo nhiều khả năng trở thành tân Tổng thống Hàn Quốc, trong một cuộc vận động tranh cử hôm 4/5 - Ảnh: Reuters.<br>
Ông Moon Jae-in, người được dự báo nhiều khả năng trở thành tân Tổng thống Hàn Quốc, trong một cuộc vận động tranh cử hôm 4/5 - Ảnh: Reuters.<br>
Cử tri Hàn Quốc ngày 9/5 đi bỏ phiếu để bầu ra một nhà lãnh đạo mới, lấp đầy khoảng trống quyền lực kể từ khi vụ bê bối tham nhũng gây chấn động khiến cựu Tổng thống Park Geuen-hye bị phế truất.

Hãng tin Reuters cho biết, trừ phi có bất ngờ lớn, ứng cử viên theo trường phái tự do Moon Jae-in - người kêu gọi có một chiến lược ôn hòa với Triều Tiên, cải cách các tập đoàn gia đình khổng lồ (chaebol), và tăng chi tiêu công để tạo việc làm - sẽ đắc cử Tổng thống Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã nằm dưới sự lãnh đạo của một Chính phủ tạm quyền suốt mấy tháng qua. Hồi tháng 3, bà Park bị cáo buộc nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực và buộc phải từ bỏ cương vị Tổng thống, trở thành nhà lãnh đạo dân cử đầu tiên của nước này bị phế truất. Hiện bà Park đang bị giam giữ và xét xử, dù bà phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào.

Truyền thông Hàn Quốc cho hay bà Park từ chối đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này, dù bà vẫn có quyền bỏ phiếu.

Ông Moon, người từng thất bại trước bà Park với tỷ lệ phiếu sít sao trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012, chỉ trích hai chính phủ bảo thủ tiền nhiệm thất bại trong việc ngăn chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên. Ông ủng hộ một chính sách kép trong ứng phó với Bình Nhưỡng, bao gồm vừa đối thoại, vừa gây áp lực và duy trì trừng phạt để khiến Triều Tiên thay đổi.
 
Kết quả một cuộc khảo sát do viện Gallup Hàn Quốc công bố hôm thứ Tư tuần trước cho thấy ông Moon nhận được sự ủng hộ của 38% cử tri được thăm dò ý kiến, cao nhất trong số 13 ứng cử viên. Đối thủ gần nhất của ông Moon là ứng cử viên theo đường lối trung dung Aln Cheol-soo nhận được mức ủng hộ 20%.

Sau khi bỏ phiếu sáng 9/5, ông Moon nói với các nhà báo rằng ông đã dành cho chiến dịch tranh cử tất cả những gì mà ông có, đồng thời kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu. Ông Ahn, người đã bỏ phiếu trước đó tại một điểm bầu cử khác, nói ông sẽ đợi “quyết định khôn ngoan” của người dân.

Số liệu của Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc (NEC), tính đến 11h trưa theo giờ địa phương, đã có 19,4% cử tri đi bầu. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 26,4% cùng thời điểm trong cuộc bầu cử năm 2012. Tuy nhiên, NEC dự báo tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này sẽ đạt hơn 80%, cao nhất kể từ năm 1997.

Một chiến thắng thuộc về ông Moon được cho là sẽ mang lại sự ổn định cần thiết và cải thiện tâm lý thị trường vào thời điểm mà hoạt động xuất khẩu diễn ra mạnh mẽ đang hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của kinh tế Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Theo dự kiến, người đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc vào ngày thứ Tư tuần này, sau khi NEC công bố kết quả chính thức. Hầu hết các ứng cử viên đều có kế hoạch bỏ qua một lễ ăn mừng chiến thắng long trọng trong trường hợp đắc cử và ngay lập tức bắt tay vào việc.

Ngoài vấn đề kinh tế, những thách thức chờ đợi nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc còn bao gồm căng thẳng gia tăng trong quan hệ với Triều Tiên, và căng thẳng với Trung Quốc xung quanh việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (Thaad) ở Hàn Quốc.

Về phần mình, Triều Tiên có vẻ mong ông Moon đắc cử Tổng thống Hàn Quốc. Tờ báo Rodong Sinmun của Triều Tiên viết trong một bài bình luận đăng ngày 9/5 rằng sự lãnh đạo của phái bảo thủ ở Hàn Quốc nên bị “chôn vùi trong nấm mồ lịch sử”.

“Xóa sạch nhóm con rối bảo thủ, những kẻ đã phạm phải tội ác không thể tha thứ, là lối tắt đi đến một nền chính trị mới, cuộc đời mới, và thế giới mới”, bài báo viết.