16:54 11/06/2014

Liên hiệp quốc muốn hòa giải Việt - Trung về biển Đông

Diệp Vũ

Liên hiệp quốc kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp bằng hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế

Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc gần khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.<br>
Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc gần khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.<br>
Tin từ BBC cho biết, Liên hiệp quốc vừa tuyên bố sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề trên biển Đông.

Hãng tin này dẫn lời phát ngôn viên Stephane Dujarric của Liên hiệp quốc kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp bằng hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Động thái này của Liên hiệp quốc được đưa ra sau khi Việt Nam và sau đó là Trung Quốc cùng gửi hồ sơ khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình trên biển Đông lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon.

Căng thẳng trên biển Đông hiện nay xoay quanh việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với gần hết biển Đông dựa trên những bằng chứng lịch sử hết sức mơ hồ. Đầu tuần này, Trung Quốc gửi lên Liên hiệp quốc một tuyên bố lập trường, giải thích về “chủ quyền lịch sử” của nước này đối với biển Đông và cáo buộc Việt Nam “cản trở bất hợp pháp” hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981.

Trước đó, Việt Nam cũng đã gửi hồ sơ lên Liên hiệp quốc, kêu gọi Bắc Kinh dừng ngay việc thăm dò dầu khí gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và thực hiện đàm phán.

Trả lời hãng thông tấn Mỹ AP ngày 10/6, Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc Lê Hoài Trung kêu gọi Trung Quốc di dời giàn khoan và hơn 100 tàu ra khỏi hiện trường để tạo môi trường đàm phán. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, Bắc Kinh liên tục từ chối đối thoại và một mực nói vùng biển đặt giàn khoan “không có tranh chấp gì” và “hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.

Ông Lê Hoài Trung khẳng định, Việt Nam có nền tảng pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với khu vực mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Đại sứ cũng nói, việc Trung Quốc không chịu đàm phán là khiêu khích và gây quan ngại sâu sắc.

“Chúng tôi không muốn gây hấn trong vấn đề này. Chúng tôi muốn đàm phán, đối thoại hay bất kỳ biện pháp nào giúp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Cho tới thời điểm này, chúng tôi vẫn kiềm chế, nhưng dĩ nhiên, chúng tôi luôn có quyền tự vệ như bất kỳ quốc gia nào khác”, ông Lê Hoài Trung phát biểu.