15:30 21/12/2016

Merkel sụt hy vọng tái đắc cử sau vụ tấn công Berlin

An Huy

Những vấn đề an ninh mà nước Đức đang đối mặt thực sự là một “vấn đề lớn” đối với bà Merkel

Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: Reuters/CNBC.<br>
Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: Reuters/CNBC.<br>
Vụ tấn công bằng xe tải nhằm vào một khu chợ Giáng sinh ở thủ đô Berlin của Đức khiến 12 người thiệt mạng và 48 người khác bị thương có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cuộc bầu cử ở nước này năm 2018.

Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã tuyên bố sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư, trong bối cảnh bà đối mặt với sự phản đối ngày càng lớn từ các nhóm và đảng chính trị theo trường phái dân túy chống người nhập cư, như Đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) và Pegida.

Thắng lợi trong các cuộc bầu cử vùng năm nay cho thấy AfD có khả năng đạt đủ số phiếu trong cuộc bầu cử năm tới để có ghế trong Quốc hội Đức, đánh dấu lần đầu tiên một đảng cực hữu có đại diện trong Quốc hội Đức kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Gần đây, tỷ lệ ủng hộ bà Merkel đã hồi phục phần nào, nhưng trước đó đã giảm sâu vì quyết định của bà vào năm 2015 đón khoảng 1 triệu người di cư từ các vùng chiến sự ở Trung Đông.

Nhiều vụ việc không hay xảy ra ở Đức có liên quan đến người tị nạn, bao gồm những vụ tấn công tình dục hàng loạt trong đêm đón giao thừa 201 6 ở thành phố Cologne, một vụ đánh bom tự sát tại lễ hội bia, và một vụ tấn công bằng dao trên tàu… Những vụ việc này khiến cử tri Đức bất bình với lập trường tự do của bà Merkel.

Phát biểu vào buổi sáng ngày 20/12, vài giờ sau khi xảy ra vụ đâm xe tải ở Berlin, bà Merkel thừa nhận rằng hành động bạo lực này cần phải được xem là một vụ khủng bố. “Tôi biết sẽ là điều đặc biệt khó chấp nhận đối với chúng ta nếu kẻ gây ra vụ này là một người xin tị nạn”, bà thừa nhận.

Phản ứng sau vụ tấn công, Marcus Pretzell, một thành viên AfD, viết trên mạng xã hội Twitter: “Khi nào thì thượng tôn pháp luật của nước Đức mới được lập lại? Khi nào thì thói đạo đức giả đáng nguyền rủa này mới chấm dứt? Đó là khi Merkel chết!”

Cảnh sát Đức đã thả nghi phạm đầu tiên bắt được sau vụ tấn công Berlin, một người đàn ông 22 tuổi xin tị nạn đến từ Pakistan, và nói rằng thủ phạm thực sự vẫn đang lẩn trốn.

Trong khi đó, tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nói rằng thủ phạm là một “chiến binh” của nhóm này. Bộ phận thông tin AMAQ của IS tuyên bố kẻ tấn công đã “tiến hành chiến dịch để đáp lại lời kêu gọi nhằm vào công dân của các nước liên minh chống IS.

Trên thực tế, bà Merkel đã phải “nghĩ lại” về chính sách nhập cư của mình. Điều này được thể hiện trong lời thừa nhận mà bà đưa ra hồi tháng 9 rằng bà hối tiếc về chính sách này, và tuyên bố mới đây của bà rằng chính sách này sẽ không được lặp lại nếu đi ngược lại mong muốn của người dân Đức.

Gần đây, bà Merkel cũng trở nên cứng rắn hơn trong vấn đề trục xuất những người không đủ tiêu chuẩn tị nạn, đồng thời ủng hộ việc cấm khăn che mặt hoàn toàn của người Hồi giáo.

Ông Otso Iho, nhà phân tích cấp cao từ trung tâm nghiên cứu về khủng bố và nổi dậy thuộc IHS Jane’s, nói rằng những vấn đề an ninh mà nước Đức đang đối mặt thực sự là một “vấn đề lớn” đối với bà Merkel.

“Những vụ tấn công [ở Đức vừa qua] đều được IS nhận trách nhiệm. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Merkel, nhất là khi có nhiều người và nhóm xem nguy cơ khủng bố ở Đức có quan hệ với cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu”, ông Iho nói.

Từ cuối tháng 11, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố vào dịp cuối năm ở châu Âu.

Vụ tấn công ở Berlin xảy ra cũng ngày với một loạt vụ khác, bao gồm vụ một tay súng Thổ Nhĩ Kỳ ám sát đại sứ Nga tại nước này, và vụ xả súng tại một nhà thờ Hồi giáo ở Zurich khiến 3 người bị thương. Những vụ tấn công này xảy ra vào thời điểm gần kết thúc năm 2016, năm với hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu.

Một số ý kiến nói những vụ tấn công này sẽ làm gia tăng nỗi lo sợ rằng châu Âu đã mất kiểm soát đối với chính sách nhập cư, theo đó thúc đẩy sự nổi lên của các đảng cực hữu. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng những vụ tấn công này cho thấy một cuộc chiến chung mà nhiều nước châu Âu cùng phải đối mặt, theo đó sẽ củng cố vị thế của bà Merkel với tư cách trụ cột sức mạnh then chốt của nước Đức vào một thời điểm đầy thách thức như hiện nay.