11:19 05/08/2011

“Mốt” tự trồng rau tại Trung Quốc

Kiều Oanh

Hàng chục nông trang đang mọc lên khắp Trung Quốc để phục vụ cho công tác trồng trọt của tầng lớp trung lưu ở nước này

Nhóm thanh niên Trung Quốc này chỉ nằm trong số ít những người may mắn có thời gian và tiền bạc để tự mình đi trồng rau - Ảnh: BBC.
Nhóm thanh niên Trung Quốc này chỉ nằm trong số ít những người may mắn có thời gian và tiền bạc để tự mình đi trồng rau - Ảnh: BBC.
Dưới ánh nắng mặt trời chói chang ở nông trại hợp tác xã mang tên "Con lừa nhỏ" thuộc ngoại ô Bắc Kinh, một nhóm thanh niên trẻ người Trung Quốc đang bận rộn với việc thu hoạch rau.

Theo BBC, trong những ngày làm việc công sở suốt tuần, những thanh niên này là giáo viên, chuyên viên tư vấn PR, lập trình viên máy tính… Nhưng cứ đến cuối tuần là họ lại kéo nhau đến trang trại này, cất những chiếc điện thoại iPhone sáng loáng đi và cầm lấy cuốc, thuổng. Hợp tác xã Con lừa nhỏ hiện đã có khoảng 700 thành viên phải trả phí để được làm nông dân không chuyên như vậy.

Giải thích về việc đi trồng rau, cô He Liying, một trong những thành viên giải thích: “Chúng tôi lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm”.

Con lừa nhỏ chỉ là một trong hàng chục nông trang đang mọc lên khắp Trung Quốc để phục vụ cho công tác trồng tỉa của tầng lớp trung lưu ở nước này, những người ngày càng lo ăn phải thực phẩm không đủ dộ an toàn.

Theo báo chí Trung Quốc, khiếu nại của người tiêu dùng nước này về chuyện an toàn thực phẩm đang có chiều hướng tăng. Trong mấy tháng gần đây, hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến thịt phát sáng trong bóng tối, bánh mì có phẩm nhuộm để tạo hình thức bắt mắt, lợn bị tiêm steroid để cho ra thịt nạc… đã bị lôi ra ánh sáng. Tuy nhiên, gây xôn xao hơn cả là vụ dưa hấu nổ hàng loạt cách đây ít lâu.

Cũng theo tin từ BBC, trong một chiến dịch tăng cường quản lý an toàn thực phẩm phát động hồi tháng 4 tới nay, cơ quan chức năng Trung Quốc đã bắt giữ 2.000 người và đóng cửa khoảng 5.000 cơ sở kinh doanh vì liên quan tới các chất phụ gia không an toàn.

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc không tin tưởng vào những gì bày ra trên bàn ăn của họ. Điều này khiến các cơ quan chức năng của Trung Quốc lo ngại, nhất là sau vụ sữa bột cho trẻ em nhiễm melamin cách đây hơn 3 năm làm 6 em bé thiệt mạng và 300.000 bé khác mắc bệnh.

Chính phủ Trung Quốc đã thực thi những chính sách chặt chẽ hơn để đảm bảo độ an toàn của thực phẩm. Tòa án tối cao của nước này đã ra chỉ thị tuyên bố áp dụng án tử hình cho thủ phạm những vụ gây chết người vì thực phẩm không an toàn.

Tuy nhiên, hoạt động “lách” luật và che mắt các cơ quan chức năng vẫn diễn ra. Mặt khác, giá thực phẩm leo thang mạnh thúc đẩy các nhà sản xuất tìm những biện pháp để tăng lợi nhuận mà quên đi vấn đề an toàn. Đó chính là lý do cho việc những gia đình có điều kiện của Trung Quốc đổ ra ngoại ô trồng rau sạch.

Sau một ngày làm việc vất vả, nhóm thanh niên trẻ ở trang trại Con lừa nhỏ tập trung tại một căn hộ chung cư cao cấp trong thành phố. Họ nấu ăn bằng những thứ rau tươi do chính mình trồng hái ở nông trại. “Rau tự mình trồng đúng là ngon hơn thật”, một người trong số này phát biểu.

Tuy nhiên, BBC cho rằng, nhóm thanh niên này chỉ nằm trong số ít những người may mắn có thời gian và tiền bạc để tự mình đi trồng rau. Còn rất nhiều người Trung Quốc khác không có nhiều lựa chọn đối với những gì họ ăn hàng ngày.