17:51 14/07/2016

Mỹ âm thầm tìm cách giảm căng thẳng biển Đông

An Huy

Phán quyết vụ kiện biển Đông có thể là một chủ đề tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN tháng 7 này

Một tàu hải cảnh Trung Quốc nhìn từ tàu cảnh sát biển Việt Nam ngày 14/5/2014 - Ảnh: Reuters.<br>
Một tàu hải cảnh Trung Quốc nhìn từ tàu cảnh sát biển Việt Nam ngày 14/5/2014 - Ảnh: Reuters.<br>
Mỹ đang sử dụng các biện pháp ngoại giao lặng lẽ để thuyết phục các nước liên quan không có những phản ứng mạnh, sau khi tòa án trọng tài quốc tế bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông - hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết ngày 13/7.

“Điều mà chúng tôi muốn là làm dịu vấn đề, để vấn đề có thể được giải quyết bằng lý trí thay vì bằng cảm xúc”, một vị quan chức đề nghị giấu tên nói khi miêu tả về các thông điệp ngoại giao riêng tư của Mỹ.

Một số thông điệp trong số này được gửi qua các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài và phái bộ ngoại giao nước ngoài ở Washington, trong khi một số khác được trực tiếp chuyển tới quan chức cấp cao các nước bởi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ash Carter, ngoại trưởng John Kerry và các quan chức cấp cao khác của Mỹ.

“Đây là một lời kêu gọi bình tĩnh, không phải là một nỗ lực để tập hợp lực lượng trong khu vực chống lại Trung Quốc, bởi làm thế sẽ dẫn tới một kịch bản sai lầm mà trong đó Mỹ bị cho là đang dẫn đầu một liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc”, vị quan chức nói.

Giới chức Mỹ nói họ hy vọng sáng kiến ngoại giao trên của Mỹ sẽ thành công hơn với Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ nói tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn là một “nhân tố khó đoán”, bởi có lúc ông Duterte tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, nhưng đôi khi lại tỏ thái độ mềm mỏng.

Về phần mình, Trung Quốc tiếp tục kêu gọi đàm phán với Philippines. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói đã đến lúc đưa mọi việc trở lại “đúng hướng”, sau vụ kiện giữa Manila-Bắc Kinh.

Tờ Nhân dân Nhật báo số ra ngày 14/7 thì nói Trung Quốc đã chứng tỏ rằng có thể giải quyết các vấn đề lãnh thổ thông qua đàm phán, như thỏa thuận đạt được với Việt Nam về phân định ranh giới vịnh Bắc Bộ và các cuộc đàm phán đang diễn ra với Hàn Quốc.

“Trung Quốc là một người bảo vệ trung thành nguyên tắc các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều bình đẳng và Trung Quốc đã liên tục duy trì việc tham vấn đề giải quyết các vấn đề biên giới trên cơ sở bình đẳng về chủ quyền và tôn trọng lẫn nhau”, tờ báo trên viết.

Nhưng ngày 13/7, hai máy bay dân sự của Trung Quốc đã đáp xuống hai đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Trường Sa. Bộ Ngoại giao Mỹ nói đây là động thái sẽ đẩy căng thẳng gia tăng, thay vì làm lắng dịu căng thẳng.

Một quan chức quốc phòng của Mỹ cho biết nếu các nỗ lực ngoại giao của Washington nhằm giảm căng thẳng ở Biển Đông thất bại, và tranh chấp chuyển thành đối đầu, thì lực lượng không quân và hải quân Mỹ sẵn sàng hành động để duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Theo dự kiến, phán quyết vụ kiện biển Đông sẽ là một chủ đề chính tại hội nghị ngoại trưởng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Lào vào cuối tháng 7. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc, ông Vương Nghị sẽ tham dự hội nghị này.