15:47 26/05/2016

Mỹ vẫn dùng đĩa mềm để điều khiển lực lượng hạt nhân

Bình Minh

Hệ thống điều khiển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ “vẫn chạy trên một chiếc máy tính IBM Series-1 từ thập niên 1970"

Ngày nay, đĩa mềm được coi là một sản phẩm công nghệ "cổ lỗ sĩ".<br>
Ngày nay, đĩa mềm được coi là một sản phẩm công nghệ "cổ lỗ sĩ".<br>
Lực lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ vẫn đang sử dụng một hệ thống máy tính của thập niên 1970 và những chiếc đĩa mềm (floppy disk) - hãng tin BBC dẫn một báo cáo của Chính phủ Mỹ công bố ngày 25/5 cho biết.

Theo báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO), Lầu Năm Góc là một trong số một vài cơ quan của nước này nơi “các hệ thống cũ kỹ” đang rất cần được thay thế.

Bản báo cáo nói rằng mỗi năm Mỹ phải chi 64 tỷ USD tiền thuế của dân để duy trì những công nghệ lỗi thời này. Số tiền như vậy lớn gấp hơn 3 lần so với đầu tư vào các hệ thống công nghệ thông tin (IT) hiện đại.

Theo báo cáo, các hệ thống của Bộ Quốc phòng Mỹ dùng cho việc điều phối các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, máy bay ném bom và máy bay tiếp nhiên liệu “vẫn chạy trên một chiếc máy tính IBM Series-1 từ thập niên 1970 và sử dụng những chiếc đĩa mềm loại 8 inch”.

“Hệ thống này vẫn được sử dụng, vì đơn giản là nó vẫn hoạt động”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Valerie Henderson cho biết. “Tuy nhiên, để giải quyết mối lo về sự lỗi thời, những ổ đĩa mềm sẽ được thay thế bằng thiết bị kỹ thuật số đảm bảo vào cuối năm 2017”.

Bà Henderson cho biết thêm: “Việc hiện đại hóa toàn bộ hệ thống chỉ huy, kiểm soát và liên lạc hạt nhân vẫn đang diễn ra”.

Báo cáo của GAO nói rằng Lầu Năm Góc có kế hoạch thay thế toàn bộ hệ thống hiện nay vào năm 2020.

Theo báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ cũng là một cơ quan cần nâng cấp hệ thống. GAO cho biết, hệ thống của Bộ Tài chính Mỹ vẫn đang dùng “mã hợp ngữ (assembly language code), một loại ngôn ngữ lập trình được sử dụng từ thập niên 1950 và thường chỉ gắn với phần cứng mà trên đó mã này được phát triển”.