13:20 02/11/2008

Ngân hàng thứ 17 tại Mỹ bị đóng cửa trong năm

Mai Phương

Mỹ vừa đóng cửa thêm một ngân hàng nữa, nâng tổng số ngân hàng bị giải thể ở nước này từ đầu năm tới nay lên con số 17

Trụ sở Freedom Bank tại Bradenton.
Trụ sở Freedom Bank tại Bradenton.
Các cơ quan chức năng Mỹ vừa đóng cửa thêm một ngân hàng nữa ở bang Florida, nâng tổng số ngân hàng bán lẻ bị giải thể ở nước này từ đầu năm tới nay lên con số 17.

Theo sắp xếp của Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), Ngân hàng Fifth Third Bankcorp - một ngân hàng vừa nhận tiền cứu trợ từ Bộ Tài chính Mỹ theo kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD cho ngành tài chính của nước này - sẽ mua lại ngân hàng bị giải thể nói trên.

Theo FDIC, ngân hàng bị giải thể lần này có tên Freedom Bank, trụ sở tại Bradenton, bang Florida, có tổng tài sản 287 triệu USD và 254 triệu USD tiền gửi của khách hàng.

Giống như hầu hết các vụ giải thể ngân hàng khác ở Mỹ thời gian qua, lý do đổ vỡ của Freedom Bank cũng là cuộc khủng hoảng địa ốc và tài chính, khiến những ngân hàng dính líu tới hoạt động cho vay địa ốc thiệt hại nặng.

FDIC cho biết, ngoài việc tiếp quản toàn bộ lượng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng trong ngân hàng Freedom, Ngân hàng Fifth Third sẽ mua lại lượng tài sản trị giá 36 triệu USD của ngân hàng này. Số tài sản còn lại của Ngân hàng Freedom, chủ yếu là các khoản cho vay, sẽ do FDIC nắm giữ để bán lại sau. Tính tới ngày 30/6 vừa qua, Freedom có tổng số tiền đã cho khách hàng vay là 214 triệu USD.

Là ngân hàng có trụ sở tại Grand Rapids, bang Michigan, với 1.300 chi nhánh tại 12 bang ở Mỹ, Ngân hàng Fifth Third Bank vừa nhận được 3,5 tỷ USD tiền cứu trợ từ Chính phủ. Fifth Third là ngân hàng bán lẻ thứ hai ở Mỹ trong vòng một tuần trở lại đây công bố kế hoạch mua lại sau khi nhận được tiền cứu trợ từ Chính phủ.

Thứ Sáu tuần trước, Ngân hàng PNC của Mỹ công bố sẽ mua lại Ngân hàng National City có trụ sở ở bang Cleveland với giá khoảng 5,6 tỷ USD. Vụ mua lại này sẽ tạo ra ngân hàng bán lẻ lớn thứ 5 ở Mỹ, với tổng số tiền gửi tiết kiệm của khách hàng lên tới 180 tỷ USD.

Nằm trong danh sách các ngân hàng được Chính phủ bơm tiền, PNC sẽ nhận được 7,7 tỷ USD từ Bộ Tài chính. Về phần mình, National City là ngân hàng thương mại thứ 16 của Mỹ “biến mất” trong năm.

Việc các ngân hàng được nhận tiền cứu trợ sử dụng số tiền cứu trợ để thực hiện các vụ mua lại khiến Chính phủ Mỹ không hài lòng, vì Chính phủ Mỹ vẫn muốn các ngân hàng sử dụng tiền này vào việc cho vay đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng để vực dậy nền kinh tế suy yếu.

Tuân thủ yêu cầu của Chính phủ, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ xét về giá trị thị trường là JPMorgan Chase, vừa tuyên bố sẽ điều chỉnh lãi suất và cả tiền gốc của nhiều khoản vay địa ốc để ngăn chặn việc phải tịch biên nhà của người vay tiền. Cách đây 2 tuần, JPMorgan Chase được Bộ Tài chính Mỹ bơm số tiền lên tới 25 tỷ USD. Hiện JPMorgan Chase đang nắm giữ số khoản vay địa ốc “có vấn đề” lên tới 110 tỷ USD.

Để hỗ trợ người vay tiền mua nhà ở Mỹ, Chủ tịch FDIC Sheila Blair đang lên kế hoạch sử dụng khoảng 50 tỷ USD trong số tiền 700 tỷ USD của kế hoạch giải cứu để bảo lãnh cho các khoản vay địa ốc, giúp người vay tiền khỏi mất nhà.

FDIC cho biết, vụ đóng cửa ngân hàng Freedom Bank này sẽ khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC tốn từ 80 - 104 triệu USD. “Việc Fifth Third mua lại toàn bộ lượng tiền gửi của khách hàng trong Freedom là giải pháp ít tốn kém nhất đối với quỹ bảo hiểm tiền gửi”, FDIC cho biết.

Được biến, toàn bộ 4 chi nhánh của Freedom Bank sẽ mở cửa trở lại vào thứ Hai tuần tới, với tư cách là các chi nhánh của Fifth Third. Tất cả các tài khoản của khách hàng trong Freedom Bank sẽ được tự động chuyển sang ngân hàng mới và tiếp tục được FDIC bảo hiểm.

Giống như trong các vụ đóng cửa ngân hàng khác ở Mỹ có sự sắp xếp của FDIC, không một khách hàng gửi tiết kiệm nào trong Freedom Bank bị mất đồng nào trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm của họ. Các khách hàng của hai ngân hàng vẫn có thể tiến hành các giao dịch như bình thường như viết séc, sử dụng ATM, thẻ ghi nợ… trong thời gian cuối tuần.

(Theo CNN, Reuters, Bloomberg)