14:51 25/04/2017

Ngành bán lẻ truyền thống Mỹ phá sản nhiều chưa từng thấy

Thăng Điệp

Các hãng bán lẻ truyền thống ở Mỹ đang nộp đơn xin phá sản với tốc độ kỷ lục, trong bối cảnh mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến

Một cửa hiệu của công ty bán lẻ Mỹ Sear Holdings - Ảnh: Fortune.<br>
Một cửa hiệu của công ty bán lẻ Mỹ Sear Holdings - Ảnh: Fortune.<br>
Các hãng bán lẻ truyền thống ở Mỹ đang nộp đơn xin phá sản với tốc độ kỷ lục, trong bối cảnh mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến.

Trong vòng hơn 3 tháng qua, đã có 14 chuỗi bán lẻ ở Mỹ tuyên bố sẽ xin bảo hộ phá sản - hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ S&P Global Market Intelligence cho biết. Con số này vượt qua số doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ phá sản trong cả năm 2016.

Một số ít những mảng bán lẻ trước đây “miễn nhiễm” trước sự nở rộ của bán lẻ trực tuyến như bán lẻ giày dép giá rẻ, cửa hiệu ngoài trời, bán lẻ hàng điện tử… giờ phải tìm cách tái cơ cấu hoạt động.

Cùng với đó, các nhà bán lẻ ở Mỹ đang cắt giảm số cửa hiệu nhiều hơn bao giờ hết nhằm thu hẹp diện tích thừa và chuyển sang đẩy mạnh bán hàng trên mạng. S&P cho rằng khó khăn về tài chính khiến các hãng bán lẻ truyền thống không thể thích nghi với áp lực ngày càng lớn từ thương mại điện tử.

Trong một cuộc họp thoại với các nhà phân tích vào tháng trước, Giám đốc điều hành (CEO) hãng bán lẻ quần áo Urban Outfitters, ông Richard Hayne, đã thừa nhận những thách thức mà ngành bán lẻ truyền thống ở Mỹ đang đối mặt. Ông Hayne nói đang có quá nhiều cửa hàng bán lẻ, nhất là những cửa hàng bán quần áo.

“Điều này dẫn tới tình trạng bong bóng, và cũng giống như trên thị trường nhà đất, bong bóng này giờ đã nổ”, ông Hayne nói. “Chúng ta đang chứng kiến hậu quả: những cửa hiệu bị đóng cửa và giá thuê mặt bằng giảm xuống. Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong tương lai gần và thậm chí còn tăng tốc”.

Ông Jim Elder, phụ trách dịch vụ phân tích rủi ro của S&P Global Market Intelligence, nhận định rằng kết quả kinh doanh quý 1 của ngành bán lẻ Mỹ cho thấy ngành này sẽ không sớm phục hồi.

S&P cho rằng Sears Holdings, Bon-Ton Stores, và Perfumania được dự báo sẽ là những hãng bán lẻ niêm yết trên sàn chứng khoán dễ “sập tiệm” nhất trong năm tới. Trong một tài liệu vào tháng 3 vừa qua, chính Sears đã bày tỏ “sự hoài nghi lớn” về tương lai của chính mình.

Trong một báo cáo vào cuối năm ngoái, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo về tương lai của Nine West, Claire’s Store và Gymboree.

S&P cho rằng các bách hóa tổng hợp (department store), bán lẻ hàng điện tử, và bán lẻ quần áo là những lĩnh vực bán lẻ đang đối mặt rủi ro cao nhất. Trong khi đó, bán lẻ thực phẩm và đồ trang trí nhà cửa được cho là những mảng an toàn nhất.

Đến nay, các cửa hiệu bán lẻ quần áo ở Mỹ chịu tác động đặc biệt mạnh từ sự phát triển của thương mại điện tử. Từ đầu năm đến nay, một loạt tên tuổi như The Limited,Wet Seal, BCBG Max Azria, và Vanity Shop of Grand Forks đã lần lượt nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Nạn nhân mới nhất là Payless, chuỗi cửa hiệu xin phá sản hôm 4/4 và tuyên bố sẽ đóng cửa 400 cửa hàng.

Một chuỗi bán lẻ khác là Rue21 có thể sẽ sớm chung số phận. Nguồn tin thân cận nói rằng chuỗi cửa hiệu thời trang dành cho lứa tuổi teen này có thể phá sản trong tháng 4. Bloomberg cũng nói Gymboree, hãng bán lẻ quần áo trẻ em, đang chuẩn bị nộp đơn xin phá sản vào tháng 6.