07:24 16/07/2012

Nhà đầu tư châu Á cần lưu ý những gì trong tuần này?

Cao Hiền

Trung Quốc có khả năng tăng cường kích thích kinh tế; nhiều tập đoàn sẽ công bố doanh lợi quý 2 và triển vọng cả năm

Sự tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư hàng hóa quốc tế tuần qua.
Sự tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư hàng hóa quốc tế tuần qua.
Trung Quốc có khả năng buộc phải thực hiện các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng mới trong bối cảnh nền kinh tế nước này ngày càng có nhiều biểu hiện sa sút. Đây sẽ là lực hỗ trợ tốt cho các thị trường hàng hóa trong tuần này.

Kinh tế Trung Quốc

Sự tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư hàng hóa quốc tế tuần qua, và những diễn biến xung quanh việc cải thiện tình trạng này dự kiến sẽ là vấn đề trọng điểm của kinh tế thế giới tuần này. Phần lớn các đánh giá nhận định về xu hướng thị trường trong tuần này đều căn cứ vào dự báo về khả năng Trung Quốc có quật cờ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại hay không.

Đầu tuần trước, giới đầu cơ quốc tế đã choáng váng khi Cơ quan Thống kê Trung Quốc công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của nước này chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 1/2010. Chỉ số giá sản xuất (PPI) cùng tháng giảm 2,1% so với cùng kỳ 2011, đây là tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Như vậy, so với tháng 5, chỉ số CPI giảm 0,6%, mức giảm mạnh nhất trong hai năm và PPI giảm 0,7%.

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, Trung Quốc có khả năng sẽ rơi vào tình trạng giảm phát. Và nếu điều đó trở thành hiện thực, giá cả liên tục hạ sẽ ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp và kìm hãm tiêu dùng, từ đó khiến nỗ lực đảo ngược suy giảm kinh tế của Trung Quốc càng trở nên vô vọng hơn. Tuy nhiên, đây sẽ là không chỉ là thảm họa của riêng kinh tế Trung Quốc mà còn với những nền kinh tế khác có quan hệ với Trung Quốc.

Chưa hết, phiên giao dịch cuối tuần, giới đầu tư quốc tế sốc nặng hơn khi Trung Quốc thông báo GDP quý 2 của nước này chỉ tăng trương 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng chậm nhất kể từ quý 1/2009, đồng thời đánh dấu quý thứ 6 giảm tốc liên tiếp. Điều đáng buồn hơn là mức tăng 7,6% còn thấp hơn cả kịch bản tồi tệ nhất mà giới phân tích quốc tế trước đó từng đưa ra trong cuộc thăm dò dư luận của hãng tin Reuters.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á, khả năng hạ cánh cứng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là khó có thể xảy ra, nhưng mức tăng trưởng GDP cả năm 2012 có thể chỉ đạt 8,2%, thấp hơn so với lần dự báo tháng 4. Đứng trước tình hình kinh tế Trung Quốc xuất hiện thêm nhiều yếu tố suy giảm, rất nhiều nhà phân tích cho rằng, quốc gia châu Á này sẽ buộc phải đưa ra những biện pháp kích thích tăng trưởng mới.

Trên thực tế, cuối tuần trước trong thông báo đưa ra sau khi công bố các số liệu phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh nền kinh tế này đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp cả trong và ngoài lãnh thổ, việc hoạch định chính sách chịu nhiều sức ép. Do đó, cơ quan này tái khẳng định tiếp tục duy trì chính sách tài chính linh hoạt và chính sách tiền tệ thận trọng trong năm.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ lệ lãi suất và lập hệ thống lãi suất cơ bản thả nổi theo thị trường. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ cải thiện cơ chế xác lập tỷ giá hối đoái cho đồng Nhân dân tệ, duy trì sự ổn định của đồng nội tệ, mở rộng diện thanh toán bằng Nhân dân tệ trong thương mại và đầu tư ở nước ngoài, thúc đẩy ngành dịch vụ để tăng thêm nhu cầu và sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ.

Dẫu rằng, đây chưa phải là những gì mà giới đầu tư quốc tế đang mong đợi, bởi cái mà họ cần là sự kích thích nhiều hơn nữa để đưa nền kinh tế Trung Quốc trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh chóng như trước đây, song những thừa nhận về sự sa sút về kinh tế của giới hoạch định chính sách ở Trung Quốc cũng phần nào cho thấy, khả năng những bước tiếp theo mà giới phân tích nhận định có nhiều cơ hội trở thành hiện thực.

Kỳ vọng của giới phân tích về khả năng quật cờ bật dậy trở lại của kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy giá hàng hóa quốc tế tăng mạnh trong tuần này. Thực tế, đây cũng đã là yếu tố chính giúp chứng khoán Mỹ tăng hơn 1% trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô thế giới tăng được hơn 1% và vàng kỳ hạn quốc tế đã có được phiên phục hồi giá thứ hai liên tiếp với mức tăng tới 17,2 USD/ounce.

Lợi nhuận doanh nghiệp

Tuần này là thời điểm nhiều công ty, tập đoàn lớn công bố kết quả kinh doanh quý 2/2012. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu u ám như hiện nay, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị tác động ít nhiều và theo đó, sự lên xuống của các thị trường giao dịch hàng hóa căn cứ vào diễn biến tốt xấu về doanh lợi cùng đánh giá triển vọng cả năm của những doanh nghiệp hàng đầu chắc chắn là điều không thể tránh khỏi.

Phiên giao dịch cuối tuần trước, tất cả 10 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500 đều tăng điểm, trong đó cổ phiếu tài chính tăng mạnh nhất +2,8%. Chỉ số KBW ngân hàng tăng 3,3%, mạnh nhất từ tháng 3. Đây được xem là kết quả tích cực từ sự đi lên 6% của cổ phiếu JPMorgan, sau khi Jamie Dimon, CEO của ngân hàng này tuyên bố JPMorgan vẫn có được lợi nhuận kỷ lục trong năm nay bất chấp khoản lỗ 4,4 tỷ USD của quý 2.

Xung đột dầu lửa

Những căng thẳng xung quanh vấn đề phát triển hạt nhân của Iran giữa nước Cộng hòa Hồi giáo với Mỹ và phương Tây, sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của giới đầu tư năng lượng trong tuần này. Cuối tuần trước, Iran tuyên bố nước này có thể đóng cửa eo biển Hormuz nếu an ninh tiếp tục bị đe dọa. Theo lời một chỉ huy hải quân Iran, Cộng hòa Hồi giáo sẽ ngăn chặn “thậm chí là một giọt dầu” qua eo biển trên nếu tình hình căng thẳng.

Ali Fadavi, Tư lệnh hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) cho biết Tehran sẽ tăng cường sự hiện diện của quân đội ở các vùng biển quốc tế. Trong khi, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran Rostam Qasemi, cho biết văn phòng của ông đã soạn thảo kế hoạch để ngăn chặn ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt mới chống Iran. Các lệnh trừng phạt đối với Iran đã bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Trong quá khứ Iran từng nhiều lần đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz nhưng không thực hiện. Theo giới phân tích, với tình huống hiện tại, khả năng điều này có thể sẽ xảy ra. Hormuz là nút thắt quan trọng trên tuyến đường biển chiến lược trung chuyển 40% lượng dầu lưu thông bằng đường biển của thế giới. Nếu bị chốt chặn, thế giới sẽ thiếu hụt dầu lửa, giá cả năng lượng sẽ vọt cao và tác động đa chiều vào mọi mặt của kinh tế toàn cầu.

Các sự kiện theo ngày

- 16/7, Mỹ công bố chỉ số sản xuất bang New York và doanh số bán lẻ tháng 6.

- 17/7, Đức công bố chỉ số niềm tin kinh tế đầu tháng 7. Cùng ngày, Mỹ và Anh công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 6.

- 19/7, Mỹ công bố chỉ số sản xuất khu vực Philadelphia. Anh công bố doanh số bán lẻ.

- 20/7, Hội nghị các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng Euro nhóm họp.