07:51 06/08/2012

Nhà đầu tư châu Á cần lưu ý những gì trong tuần này?

Cao Hiền

Những tác động có lợi từ báo cáo việc làm tháng 7 của kinh tế Mỹ có khả năng sẽ kéo dài trong vài phiên đầu tuần này

Phần lớn giá các loại hàng hóa quốc tế đang được dự báo sẽ tăng giá mạnh hơn trong tuần này.
Phần lớn giá các loại hàng hóa quốc tế đang được dự báo sẽ tăng giá mạnh hơn trong tuần này.
Những tác động có lợi từ báo cáo việc làm tháng 7 của kinh tế Mỹ có khả năng sẽ kéo dài trong vài phiên đầu tuần này, song song với đó là những hy vọng về khả năng châu Âu sẽ sớm đạt được đồng thuận về điều kiện do Chủ tịch ECB đưa ra nhằm kéo khu vực ra khỏi khủng hoảng nợ.

Kỳ vọng Âu, Mỹ

Phần lớn những dự báo lạc quan về các thị trường hàng hóa quốc tế trong tuần này đều căn cứ vào bản báo cáo việc làm tháng 7 được Mỹ công bố cuối tuần trước. Theo hãng tin AP, thông tin số việc làm mới trong tháng 7 đã khiến giới đầu tư cũng như các chuyên gia phân tích ngạc nhiên và đi tới nhận định rằng nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn đang trên đường hồi phục.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 8,3%, song con số 163.000 việc làm mới, vượt xa mức 100.000 việc làm do giới phân tích dự báo trước đó, đã mang lại sự hưng phấn cho hầu hết các thị trường. Chứng khoán Mỹ giành lại tất cả số điểm đã mất trong loạt phiên giảm điểm trước đó, giá vàng, dầu thô, xăng, dầu sưởi cũng đồng loạt tăng mạnh trong phiên cuối tuần.

Theo giới phân tích, những tác động có lợi từ báo cáo trên lên các thị trường hàng hóa thế giới có thể sẽ còn kéo dài trong vài phiên đầu tiên của tuần giao dịch này. Tuy nhiên, báo cáo việc làm lạc quan như vậy vẫn chưa đủ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không tung ra biện pháp mới để kích thích tăng trưởng, chẳng hạn như chương trình nới lỏng định lượng thứ ba (QE3).

Cuộc họp diễn ra trong tuần trước của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ kết thúc với tuyên bố chung chung như mọi lần về việc sẽ hành động khi cần thiết, đã dội gáo nước lạnh lên lòng mong mỏi của giới đầu tư tại Mỹ cũng như thế giới về khả năng Mỹ sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy nền kinh tế đầu tàu thế giới trở lại đúng quỹ đạo hồi phục sau khủng hoảng.

Dẫu vậy, giới đầu tư vẫn có thể mong chờ một sự xoay chuyển, bởi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 dù chỉ tăng có 0,1% song mức chốt đã là cao nhất 5 tháng qua. Thêm vào đó, dù số việc làm mới tạo ra có tăng, song vẫn còn quá nhiều người dân Mỹ không có việc làm. Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố vẫn còn nhiều việc cần làm để thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó, phát biểu vận động tranh cử tại Bắc Las Vegas, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney công kích chính sách kinh tế của chính quyền Obama, cho rằng số liệu trên là một đòn giáng xuống các gia đình trung lưu Mỹ và đương kim Tổng thống của đảng Dân chủ đã không đưa ra được những chính sách để giúp người dân Mỹ quay trở lại làm việc.

Lịch sử nước Mỹ cho thấy, không có tổng thống nào được bầu lại khi tỷ lệ thất nghiệp trên 7,4% kể từ cuộc đại suy thoái năm 1930. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, ông Obama hiện chỉ còn dẫn trước ông Romney trung bình 2,7% trên toàn quốc so với cách biệt 2 con số hồi đầu năm. Do đó, thị trường vẫn còn có thể hy vọng về biện pháp mạnh tay của ông Barack Obama.

Cùng với vấn đề tại Mỹ, thị trường cũng đang trông chờ vào sự quyết đoán của giới chức châu Âu trong việc đưa các quỹ giải cứu của họ vào việc xử lý khủng hoảng nợ, điều kiện tiên quyết để Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định tung tiền mua trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha trên thị trường mở, theo như lời tuyên bố của chủ tịch cơ quan này Mario Draghi.

Kinh tế Trung Quốc

Bên cạnh hai cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu, tuần qua, giới đầu tư quốc tế cũng đặc biệt quan tâm với chỉ số quản lý sản xuất (PMI) tháng 7 của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Theo công bố ngày 1/8 của nước này, khu vực sản xuất đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong tám tháng qua, xuống còn có 50,1%.

Với mức này, khu vực sản xuất của kinh tế Trung Quốc vẫn được coi là có phát triển cho dù tốc độ chậm. Tuy nhiên, chỉ số PMI tháng 7 được công bố chính thức thấp hơn dự kiến của thị trường. Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến chỉ số PMI tháng 7 của nền kinh tế này bị suy giảm là do mưa lớn diện rộng trong tháng 6 làm chậm tiến độ nhiều dự án ở Trung Quốc.

Mức giảm này cho thấy kinh tế Trung Quốc đang xây dựng nền tảng cho tăng trưởng ổn định, song sức ép về suy giảm vẫn tồn tại. Theo nhà phân tích Trương Lập Quần thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc, mức giảm PMI tiếp tục được thu hẹp trong tháng 7 củng cố những dấu hiệu rằng tăng trưởng kinh tế nước này đang đi vào ổn định.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,6% trong quý hai năm nay, lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 8% kể từ quý cuối cùng của năm 2009 tới nay. Để kích thích nền kinh tế hồi phục trở lại, Trung Quốc đã thông qua một loạt các biện pháp thúc đẩy như giảm bớt tỷ lệ lãi suất và lượng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, đồng thời đẩy mạnh việc thông qua các dự án xây dựng lớn.

Tuy nhiên, cũng có không ít chuyên gia phân tích cho rằng, trong bối cảnh sức khỏe của nền kinh tế đang gặp vấn đề và cuộc khủng hoảng tại Mỹ, châu Âu đang tác động đa chiều lên kinh tế thế giới như hiện nay, Bắc Kinh sẽ sớm đưa ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới. Khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5% trong tháng này.

Tuần trước, ngay sau khi chỉ số PMI được công bố, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thông báo hút 86 tỷ Nhân dân tệ ra khỏi hệ thống ngân hàng toàn quốc thông qua thị trường mở, cảnh báo nguy cơ lạm phát cao có thể quay trở lại trong các tháng cuối năm. Giá lương thực thế giới tăng chóng mặt trong hơn ba tháng qua và nước này đang nhập hàng triệu tấn đậu tương.

Lần gần đây nhất, khi Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các thị trường hàng hóa thế giới đã bung nở mạnh. Vì thế, sự kỳ vọng của thị trường vào biện pháp mới của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sẽ trở thành một động lực quan trọng giúp giá cả các mặt hàng hóa giao dịch quốc tế tăng thêm, bên cạnh những trợ lực của châu Âu, Mỹ như đã nói ở phần trên.

Hàng hóa lên giá

Cuối tuần trước, trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones tăng tới 217,29 điểm, tương ứng 1,69%, lên 13.096,17 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 25,99 điểm, tương ứng 1,9%, lên 1.390,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 58,13 điểm, tương ứng 2%, lên 2.967,90 điểm. Tính cả tuần, Dow Jones tăng 0,2%, S&P 500 tăng 0,4% và Nasdaq Composite cộng 0,3%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 9 tăng tới 4,27 USD, tương ứng 4,9%, lên 91,40 USD/thùng. Giá xăng tháng 9 tăng 6 cent, tương ứng 2,1%, lên 2,93 USD trên mỗi gallon. Dầu sưởi giao cùng kỳ tăng 8 cent, tương ứng 3%, lên 2,93 USD/gallon. Tính cả tuần, cả xăng và dầu thô đều tăng giá hơn 1%, riêng mặt hàng dầu thô thế giới tăng được gần 1,5%.

Trên thị trường kim loại, giá vàng giao tháng 12 tăng 18,6 USD lên 1,609.30 USD/ounce. Giá đồng giao tháng 9 tăng 8 cent lên 3,37 USD/lb. Giá bạch kim giao tháng 10 tăng 26,6 USD lên mức 1.414,4 USD/ounce. Giá palladium giao tháng 9 cộng 10,35 USD, lên mức 578,20 USD/ounce. Tính cả tuần, bạch kim tăng 0,4%, palladium tăng 1,1%, vàng giảm 0,5%, đồng hạ 2%.

Theo các chuyên gia phân tích, nếu các yếu tố kỳ vọng trên được tiếp tục duy trì trong tuần này, giá các loại hàng hóa trên sẽ còn có cơ hội đi lên mức cao hơn. Khả năng chỉ số S&P 500 sẽ vượt qua ngưỡng cản kỹ thuật 1.400 điểm trong tuần này. Trong khi giá dầu thô thế giới được dự báo sẽ trở lại vùng 100 USD/thùng, song các yếu tố rủi ro như triển vọng tiêu thụ vẫn tồn tại.

Riêng về thị trường vàng, theo khảo sát thị trường của Kitco, có 12/21 chuyên gia cho rằng giá vàng có xu hướng tăng trong tuần, 4 người dự báo giá giảm và 5 người dự báo giá đi ngang. Daniel Pavilonis, nhà môi giới hàng hóa cấp cao tại RJO Futures nhận định, giá vàng có thể chạm ngưỡng 1.630 USD/ounce, thậm chí có thể thách thức cận trên của biên độ ở 1.640 USD/ounce.

Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ cho rằng, giá vàng có khả năng sẽ đạt mức 1.700 USD/ounce trong 1 tháng tới, thay cho mức dự báo 1.550 USD/ounce đưa ra trước đó. Còn ngân hàng HSBC thì đưa ra dự báo rằng, giá vàng sẽ đạt mức 1.900 USD/ounce vào cuối năm nay, do những bất ổn kinh tế và tình hình biến động chính trị tại nền kinh tế đầu tàu thế giới trong năm bầu cử.