16:25 23/08/2016

Nhật Bản tính dùng rác điện tử để sản xuất huy chương Olympic

Diệp Vũ

Tại Olympic London 2012, ban tổ chức đã sử dụng 9,6 kg vàng, 1.210 kg bạc và 700 kg đồng để sản xuất huy chương

Nhật Bản là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng nguồn rác 
thải điện tử tiêu dùng của nước này chứa lượng vàng và bạc tương đương 
16% tổng trữ lượng vàng và 22% trữ lượng bạc của thế giới.
Nhật Bản là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng nguồn rác thải điện tử tiêu dùng của nước này chứa lượng vàng và bạc tương đương 16% tổng trữ lượng vàng và 22% trữ lượng bạc của thế giới.
Các nhà tổ chức Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 hy vọng sẽ gom đủ lượng vàng, bạc và đồng cần thiết để sản xuất những chiếc huy chương cho đại hội thể thao này bằng cách tận dụng nguồn rác thải điện tử.

Theo tờ Nikkei Asian Review, ban tổ chức Olympic của đất nước mặt trời mọc dự kiến sẽ tiếp cận với các “mỏ kim loại đô thị” gồm hàng triệu chiếc điện thoại thông minh (smartphone) và các thiết bị điện tử nhỏ khác bị bỏ đi để có nguồn nguyên liệu làm huy chương trao tặng cho các vận động viên. Sáng kiến này đã được các nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo và giới chức Chính phủ Nhật bàn thảo từ tháng 6.

Tại Olympic London 2012, ban tổ chức đã sử dụng 9,6 kg vàng, 1.210 kg bạc và 700 kg đồng để sản xuất huy chương. Trong khi đó, khối lượng kim loại quý tái chế từ các thiết bị điện tử tiêu dùng nhỏ bị bỏ đi ở Nhật Bản trong năm 2014 bao gồm 143 kg vàng, 1.566 kg bạc, và 1.112 tấn đồng.

Nhật Bản là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng nguồn rác thải điện tử tiêu dùng của nước này chứa lượng vàng và bạc tương đương 16% tổng trữ lượng vàng và 22% trữ lượng bạc của thế giới, lớn hơn trữ lượng vàng, bạc của bất kỳ một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nào.

Từ trước đến nay, các thành phố đăng cai Olympic thường đề nghị các công ty khai mỏ tài trợ kim loại quý cho việc sản xuất huy chương.

Một thách thức đặt ra với các nhà tổ chức Olympic Nhật Bản là nước này chưa thực thi đầy đủ một hệ thống thu thập thiết bị điện tử bị bỏ đi. Khoảng hơn 650.000 tấn thiết bị điện tử và thiết bị điện gia dụng kích thước nhỏ bị bỏ đi ở Nhật mỗi năm, nhưng ước tính chỉ có chưa đầy 100.000 tấn trong số này được thu thập dựa trên luật tái chế thiết bị gia dụng nhỏ mà Nhật áp dụng từ năm 2013.

Bộ Môi trường Nhật Bản đã kêu gọi các địa phương đạt mục tiêu thu gom 1 kg rác thiết bị điện tử tiêu dùng nhỏ trên đầu người mỗi năm, nhưng nhiều địa phương thậm chí không đạt được mức thu gom 100 gram/người/năm.

Ngoài ra, phần lớn số kim loại được tái chế từ rác thải điện tử được sử dụng cho việc sản xuất thiết bị điện tử mới. Đặc biệt, nguồn cung bạc còn đang bị thiếu, đặt ra câu hỏi không rõ các nhà tổ chức Thế vận hội Nhật Bản có gom đủ bạc để sản xuất huy chương hay không.

Tuy nhiên, bằng cách tăng cường nhận thức người dân, khối lượng rác thải điện tử được thu gom và tái chế có thể tăng lên. Hoạt động tái chế đã phát triển rộng rãi ở Nhật Bản đối với nhiều sản phẩm bao gồm hộp đựng sữa, nắp chai nhựa… nhờ nỗ lực và sự hợp tác của những người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường.