18:25 20/03/2014

Những cách Putin có thể dùng để răn đe Ukraine

An Huy

Các tham vọng thân phương Tây của Ukraine đang được xem là thách thức lớn nhất đối với Putin

Một người dân tại Donestk, Ukraine đang lắng nghe qua điện thoại bài diễn văn về việc tiếp nhận Crimea của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 18/3 - Ảnh: AP.<br>
Một người dân tại Donestk, Ukraine đang lắng nghe qua điện thoại bài diễn văn về việc tiếp nhận Crimea của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 18/3 - Ảnh: AP.<br>
Sau khi Crimea đã về Nga, Tổng thống Vladimir Putin có lẽ không cần phải chiếm thêm một vùng đất nào nữa của Ukraine mà vẫn có thể đưa Kiev trở lại quỹ đạo ảnh hưởng của Moscow. Theo nhận định của hãng tin tài chính Bloomberg, các biện pháp chính trị và tài chính thừa sức giúp ông Putin đạt mục tiêu này.

Trong bài phát biểu hôm 18/3 vừa rồi trước lưỡng viện Quốc hội Nga, ông Putin nói Nga sẽ không triển khai quân tại bất cứ đâu trên đất Ukraine nữa. Tuy nhiên, người đứng đầu điện Kremlin đang có sẵn trong tay nhiều công cụ để làm suy yếu chính phủ thân phương Tây ở Kiev.

Hơn hai thập niên trôi qua sau sự sụp đổ của Liên Xô, các tham vọng thân phương Tây của Ukraine đang được xem là thách thức lớn nhất đối với Putin, cản trở những nỗ lực của ông nhằm tăng cường ảnh hưởng của Nga ở các nước “sân sau”. Phát biểu hôm 18/3, ông Putin đã cáo buộc phương Tây không ngừng xâm lấn các lợi ích của Nga kể từ sau chiến tranh lạnh, khi mà Liên minh Châu Âu (EU) và khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông. Ông tuyên bố, Ukraine là giới hạn cuối cùng đối với phương Tây trong vấn đề này.

“Tất cả mọi thứ đều có giới hạn của nó. Trong trường hợp Ukraine, các đối tác phương Tây của chúng ta đã vượt qua giới hạn”, ông Putin nói.

Mỹ và EU đã coi cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 của Crimea - cuộc trưng cầu mở đường cho vùng này gia nhập Nga - là bất hợp pháp, áp lệnh trừng phạt với Nga và cảnh báo sẽ có thêm biện pháp trừng phạt mới. Cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa phương Tây và Nga kể từ thời chiến tranh lạnh đang có nguy cơ leo thang, cho dù Nga chưa hề can thiệp quân sự trực tiếp nào khu vực nào khác của Ukraine.

Nhằm chống lại ảnh hưởng của phương Tây ở Ukraine, ông Putin đã đòi nước láng giềng này trở thành một nước liên bang, bảo đảm trung lập chính trị và quân sự, trao quyền lực cho các vùng, và đưa tiếng Nga trở thành ngôn ngữ chính thức thứ hai. Hiện chưa có dấu hiệu nào từ Chính phủ Ukraine và phương Tây cho thấy họ sẽ chấp nhận những đòi hỏi như vậy.

Đối với Putin, trong vấn đề Ukraine, việc đưa quân lần nữa vào lãnh thổ nước này là một lựa chọn có tính rủi ro cao, bởi hành động đó có thể thúc đẩy các lực lượng không chính quy ở Ukraine chống lại lính Nga, đồng thời phương Tây có thể tung ra những đòn trừng phạt mạnh hơn. Theo công ty Eurasia Group chuyên phân tích rủi ro địa chính trị có trụ sở ở New York Mỹ, khả năng Nga triển khai quân vào Ukraine lần nữa là dưới 50%.

Ông Sergei Mironov, thủ lĩnh đảng Just Russia thân điện Kremlin của Nga, hôm qua nói với báo giới rằng, Nga sẽ không triển khai quân ở miền Đông Ukraine trừ phi có bạo loạn xảy ra.

Công cụ kinh tế

Có khả năng, Nga sẽ sử dụng các đòn bẩy kinh tế trước, bao gồm cắt tạm thời nguồn cung cấp khí đốt và tăng giá khí đốt bán cho Ukraine - Eurasia nhận định. Ukraine hiện đang cần 15 tỷ USD để trả nợ nước ngoài, mà chủ nợ chủ yếu lại là các nước châu Âu và đồng minh của Mỹ.

Bởi thế, việc gia tăng gánh nặng tài chính cho Ukraine sẽ không chỉ khiến Kiev mà cả phương Tây đau đầu. Tuần này, Nga đã lên tiếng cảnh báo có thể đòi Ukraine số nợ 20 tỷ USD từ thời Liên Xô.

Cho dù Moscow chưa gây sức ép, thì sức khỏe nền kinh tế Ukraine hiện đã trong tình trạng xấu. Theo công ty nghiên cứu Capital Economics có trụ sở ở London, sau khi tăng trưởng 3,7% trong quý 4 năm ngoái so với cùng kỳ năm trước, kinh tế Ukraine đã quay trở lại với suy thoái sâu.

Nhà phân tích cao cấp Lilit Gevorgyan thuộc công ty nghiên cứu IHS Global Insight có trụ sở ở London, một khi Ukraine được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) tung tiền cứu trợ, thì sự giải cứu đó chắc chắn đi kèm với những yêu cầu thắt lưng buộc bụng chi tiêu công, gây thiệt hại thu nhập cho các hộ gia đình ở nước này. Từ đó, người dân có thể sẽ bất mãn với Kiev.

“Nếu mục tiêu của Nga là làm cho Chính phủ hiện nay ở Ukraine mất lòng dân, thì Moscow sẽ không phải cố gắng nhiều trong thời gian tới”, chuyên gia Gevorgyan nói.

Nỗi đau kinh tế của Ukraine còn có thể gia tăng nếu Nga trả đũa kế hoạch của Ukraine về hạn chế visa đối với công dân Nga mà người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, ông Andriy Parubiy, đưa ra hôm qua. Theo kết quả thống kê dân số năm 2010, có 2 triệu người Ukraine sống ở Nga, trong khi theo Đại sứ quán Nga ở Kiev, con số này có thể lên tới 10 triệu người.

“Cách đó chẳng khác gì tự vẫn” - ông Alexei Mukhi, Giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị ở Moscow, nhận định. Ông Mukhi nhấn mạnh, người nhập cư Ukraine phụ thuộc vào việc làm ở Nga. Theo chuyên gia này, nếu Ukraine cấm visa đối với người Nga, thì điều đó “sẽ dẫn tới những hậu quả rất nghiêm trọng ở Ukraine”.

Lực lượng đặc biệt

Ông Putin còn có những lựa chọn quân sự “cấp thấp” không được coi là những mô hình thông lệ trong các cuộc chiến.

Theo ông Andrei Illarionov, một cựu cố vấn kinh tế của ông Putin, nhà lãnh đạo Nga có thể sử dụng những lực lượng đặc biệt cũng như các nhà hoạt động tại các tỉnh miền Đông của Ukraine như Donetsk, Kharkiv và Luhansk để kích động các cuộc nổi loạn. Tuần trước, đã có người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa phe thân Nga và bài Nga ở Donetsk và Kharkiv.

Ông Ihor Baluta, Thống đốc Kharkiv, nói rằng Nga đang tăng cường quân ở khu vực biên giới. Phát biểu hôm 18/3, ông Baluta nói rằng, quân Nga tập trung dọc các các tuyến được bộ để sẵn sàng tràn vào Kharkiv. Theo ông Baluta, Nga đang cố gắng thúc đẩy chủ nghĩa ly khai và tái lập trường hợp Crimea ở một khu vực khác thuộc miền Đông của Ukraine.

Ông Sergei Markov, một cố vấn của điện Kremlin, xác nhận rằng, những quan ngại như vậy là không phải là vô căn cứ. Phát biểu hôm 18/3, ông Markov nói rằng, người nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine đã chiếm các tòa nhà công quyền. Nếu những người này bị Chính phủ ở Kiev đàn áp, thì “quân đội Nga sẽ phải đến giúp họ”.

Chiến tranh mạng

Ông Timothy Snyder, giáo sư về lịch sử Trung và Đông Âu tại Đại học Yale, các hành động gây hấn có tổ chức đã được Nga áp dụng với Ukraine suốt 3 tuần qua. Trong đó, phía Ukraine đã lên tiếng nói về một cuộc chiến tranh mạng với Nga.

“Nếu có một cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, thì đó sẽ là sự tiếp diễn của các chiến thuật chiến tranh ‘bẩn’. Và tình huống leo thang có thể sẽ là một cuộc can thiệp chính thức”, ông Snyder nói.

Giới hacker Nga và Ukraine đã tổ chức hàng loạt các cuộc tấn công vào website các cơ quan nhà nước và báo chí của nhau. Một cơ quan thuộc Chính phủ Nga đã ra lệnh đóng cửa các trang mạng xã hội của các nhóm dân tộc chủ nghĩa Ukraine. Một công ty viễn thông Ukraine nói, mạng điện thoại của công ty này tại một số khu vực trên bán đảo Crimea bị phá hủy bởi những người không rõ danh tính chiếm các trung tâm viễn thông.

Gây ảnh hưởng bầu cử

Theo hãng nghiên cứu SGH Macro Advisors có trụ sở ở New York, chiến lược của ông Putin là nhằm gây ảnh hưởng với cuộc bầu cử tổng thống Ukraine dự kiến diễn ra vào ngày 25/5, và kết quả của cuộc bầu cử này có thể thay đổi những tính toán của ông.

Trong một báo cáo ngày 17/3, SGH nhận định, Nga sẽ thoải mái nhất với bà Yulia Tymoshenko, cựu Thủ tướng Ukraine, người mới được phóng thích khỏi nhà tù vào tháng trước sau vụ lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych. Thậm chí, nếu cựu võ sỹ quyền anh Vitali Klitschko, một người ủng hộ phương Tây, trúng cử, thì kết quả đó cũng có thể giúp quan hệ Kiev-Moscow tan băng.

Ông Putin từng miêu tả sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20. Mục tiêu của ông là “tái sinh” sự vĩ đại đó “theo cách này hay cách khác” - theo Tổng thống Traian Basescu của Romania.

“Khi ông ấy có thể làm điều đó bằng lời nói, việc đó hoàn toàn ổn. Còn khi không thể, ông ấy sẽ có cách”, ông Basescu phát biểu trong một cuộc phỏng vấn truyền hình hôm 17/3.