08:18 11/03/2009

Những "con hổ" châu Á kiệt sức

Kiều Oanh

Hiện nay, những “con hổ” châu Á đang bị chính chiếc "phao cứu sinh" ngày nào làm cho khốn đốn

Một dây chuyền lắp ráp xe hơi của hãng Hyundai ở Asan, Hàn Quốc. Suy thoái kinh tế toàn cầu đẩy nhu cầu hàng hóa của thế giới sụt giảm, đặt các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu ở châu Á vào thế điêu đứng.
Một dây chuyền lắp ráp xe hơi của hãng Hyundai ở Asan, Hàn Quốc. Suy thoái kinh tế toàn cầu đẩy nhu cầu hàng hóa của thế giới sụt giảm, đặt các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu ở châu Á vào thế điêu đứng.
Trong 18 năm cầm quyền từ năm 1961 tại xứ sở kim chi, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee đã tạo ra những chuyển biến kinh tế kỳ diệu trên quốc gia châu Á này.

Với mong muốn đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo và sự phụ thuộc vào viện trợ từ Mỹ, Tổng thống này đã áp dụng chiến lược tận dụng sức lao động rẻ trong nước để sản xuất hàng tiêu dùng bán cho các nước phát triển. Chiến lược này có lẽ đã mang lại hiệu quả ngoài sự mong đợi, vì nhờ đó, Hàn Quốc đã thu hút được nguồn vốn đầu tư dồi dào từ bên ngoài, tạo ra khối lượng việc làm khổng lồ, hình thành cơ sở hạ tầng hiện đại, và sản sinh ra sự thịnh vượng mà bản thân quốc gia này không thể tự mình tạo ra được.

Nhiều nước châu Á khác khao khát vươn lên cũng ngay lập tức áp dụng công thức thành công nhanh như Hàn Quốc. Sau đó, thế giới đã gọi những nền kinh tế thành công nhờ hướng ra xuất khẩu ở châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore là những “con hổ” của châu lục. Mô hình tăng trưởng của các nước và vùng lãnh thổ này được coi là thần kỳ và được chính Tổng thống Park Chung Hee gọi là “phao cứu sinh kinh tế”.

Khốn đốn vì “phao cứu sinh”

Nhưng, hiện nay, những “con hổ” châu Á đang bị chính chiếc "phao cứu sinh" ngày nào làm cho khốn đốn. Suy thoái kinh tế toàn cầu đẩy nhu cầu hàng hóa của thế giới sụt giảm, đặt các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu ở châu Á vào thế điêu đứng. Trong tháng 1 vừa qua, xuất khẩu của Đài Loan sụt 44% so với cùng kỳ năm trước, của Singapore giảm 35%, của Hàn Quốc tụt 33%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng lao dốc theo sự sụt giảm xuất khẩu. Trong tháng 4/2008, GDP của Đài Loan tăng trưởng âm 8,4%, tệ nhất trong lịch sử, trong khi Hàn Quốc chứng kiến mức sụt GDP 3,4%. Singapore và Hồng Kông lần lượt chứng kiến GDP co lại 3,7% và 2,5%. Một số nhà phân tích cho rằng, kinh tế Singapore sẽ tăng trưởng âm 10% trong năm nay. Tại Hàn Quốc và Hồng Kông, mức sụt giảm sẽ là 7% và 5%. Riêng với Đài Loan, mức tăng trưởng âm sẽ là hai con số.

Vấn đề đối với các nước châu Á chính là sự tồn tại quá dẻo dai của tinh thần Park Chung Hee trong suốt 4 thập niên qua. Cho dù hàng hóa của các nước châu Á sản xuất ra đã có sự thay đổi, từ chỗ chỉ là giày dép và thú nhồi bông tới chỗ có thêm bộ vi xử lý và TV màn hình phẳng, nhưng tăng trưởng kinh tế của các “con hổ” châu Á vẫn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu.

Các nền kinh tế này hiện đang hứng chịu nỗi đau từ sự đóng cửa của hàng loạt nhà máy và tình trạng thất nghiệp của hàng triệu người lao động. Tình trạng vô gia cư đang gia tăng mạnh ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Nơi đây, mỗi đêm, nhà ga tàu điện ngầm lớn nhất thành phố là trở thành nơi trú ngụ của vô số người không nhà, không việc làm.

Các biện pháp “chữa cháy”

Các nhà hàng từng một thời làm ăn thịnh vượng ở các nền kinh tế “con hổ” cũng đang ra sức giảm giá để giữ chân khách. Ở Hồng Kông, 1.000 nhà hàng đã cùng nhau tung ra những thực đơn giá “bèo” như bánh há cảo và bồ câu rán giá 1 Đô la Hồng Kông (tương đương 0,13 USD). Tại Đài Loan, chuỗi nhà hàng gà rán KFC tuyên bố giảm giá 50% cho thực khách đặt bữa thứ hai. Nhà hàng đồ ăn nhanh McDonald ở đây cũng có chương trình bữa ăn trưa đặc biệt giá 2 USD.

Nhưng dù giá có hấp dẫn đến đâu thì thực khách vẫn hết sức thưa thớt, do tác động của tình trạng sa thải đáng báo động. Tại khu công nghiệp hàng đầu của Đài Loan Hsinchu, cứ 4 công nhân thì có tới hơn 3 người hiện đang nghỉ không lương ít nhất 1 ngày mỗi tuần. Ông Ryan Wu, CEO của trang web tìm việc làm 1111 Job Bank của Đài Loan cho hay, tình hình tại Hsinchu chưa bao giờ tệ tới vậy trong suốt 29 năm lịch sử của khu công nghiệp này.

Lo ngại tình hình có thể xấu đi thêm, các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách đã phản ứng bằng cách mạnh tay hạ lãi suất và tăng đầu tư chính phủ để kích thích tăng trưởng. Tháng 1 vừa qua, chính quyền Đài Loan đã phân phát một lượng phiếu mua hàng trị giá 2,6 tỷ USD (khoảng 100 USD/người dân) để khuyến khích người dân chi tiêu.

Nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu của Đài Loan cũng đang thúc đẩy một kế hoạch chi 14,7 tỷ USD để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng. Singapore mới đây công bố một gói kích thích kinh tế 13,4 tỷ USD, khiến thâm hụt ngân sách nước này vọt lên mức kỷ lục.

Nhưng các nhà cầm quyền chỉ có thể làm được đến đó. Xuất khẩu đóng một vai trò quá quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của các “con hổ”. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu chiếm 74% GDP của Đài Loan và 46% GDP của Hàn Quốc.

Sự thay đổi khó thích nghi

Trước đây, kinh tế châu Á cũng đã trải qua không ít lần suy thoái, nhưng đều phục hồi mạnh mẽ sau đó. Nhưng lần này, mọi chuyện có lẽ sẽ khác. Không giống như những lần suy thoái 1997-1998 và 2001-2002, người tiêu dùng Mỹ - khách hàng lớn nhất của các nhà xuất khẩu châu Á - có vẻ như đang thay đổi cơ bản thói quen mua sắm của họ. Người Mỹ không còn “vung tay quá trán” như trước, mà đang “thắt lưng buộc bụng”.

Xét trong dài hạn, điều này có thể đem đến một kết quả có lợi cho kinh tế thế giới. Khoảng 25% hàng thành phẩm xuất khẩu của châu Á có đích đến là Mỹ và các nhà kinh tế học đã nhiềm năm cảnh báo rằng, việc người Mỹ cứ vay mượn và tiêu xài, trong khi người châu Á tiết kiệm và bán hàng cho Mỹ, sẽ tạo ra những mất cân đối thương mại nghiêm trọng rốt cục có thể hủy hoại nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, châu Á tỏ ra bất lực trong việc thích nghi nhanh với sự thay đổi này. Kim ngạch xuất khẩu của các nước “con hổ” sụt giảm không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn ở thị trường châu Âu, và ngay chính ở thị trường châu Á. Chẳng hạn, Đài Loan vẫn xuất khẩu một lượng linh kiện điện tử lớn sang Trung Quốc, nhưng hiện nay, kim ngạch này đang teo tóp nhanh chóng.

Tóm lại, mô hình tăng trưởng của các nền kinh tế hướng ra xuất khẩu của châu Á được đặt trên nền tảng là sự kỳ vọng người tiêu dùng Mỹ lúc nào cũng sẽ chi tiêu không biết mệt, và sự tiêu dùng này sẽ là nguồn động lực tăng trưởng cho châu Á. Nhưng niềm hy vọng này tới nay đã tan thành mây khói.

Ngập trong nợ nần, chứng kiến giá nhà lao dốc và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, người Mỹ đang hạn chế chi tiêu ở mức nhiều nhất có thể. Trong quý 3-4/2008, tiêu dùng cá nhân ở Mỹ đã giảm 3% so với cùng kỳ, đánh dấu hai quý sụt giảm liên tục mạnh chưa từng được ghi nhận.

Các nhà phân tích dự báo, nhiều năm tới, thậm chí là nhiều thế hệ tới, có lẽ người Mỹ sẽ không trở lại với thói quen chi tiêu thoải mái như trước đây. Năm 2007, tiêu dùng cá nhân chiếm 72% GDP của Mỹ và con số này được dự báo là đã sụt giảm mạnh trong năm 2008 và sẽ sụt giảm mạnh hơn trong năm 2009.

Cần thay đổi thế nào?

Nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo châu Á đã nhận thức được sự cần thiết phải giảm phụ thuộc vào xuất khẩu sang các nước phát triển. Tuy nhiên, một khi đầu tàu tăng trưởng này vẫn hoạt động tốt, họ không chịu có những nỗ lực thực sự lớn để cải tạo nó.

Tới lần khủng hoảng này, việc phải thay đổi mô hình tăng trưởng của các “con hổ” trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để làm được điều này, các nền kinh tế châu Á hướng ra xuất khẩu cần áp dụng một chiến lược nhiều lớp.

Ở lớp thứ nhất, họ cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thay vì chỉ phụ thuộc vào thị trường Mỹ và châu Âu. Đài Loan đang muốn thực hiện mục tiêu này bằng cách tăng cường quan hệ thương mại với các thị trường đang nổi lên như Nga, Brazil, Ấn Độ và Trung Đông. Ngoài ra, quan hệ thương mại giữa chính các nước châu Á với nhau cũng cần được đẩy mạnh.

Ở lớp thứ hai, các “con hổ” cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước và mở rộng lĩnh vực dịch vụ. Mô hình phát triển của Park Chung Hee chủ trương không khuyến khích đầu tư vào những ngành đặt trọng tâm vào thị trường trong nước và chi tiêu cá nhân - hai lĩnh vực được xem là “tấm đệm” cho kinh tế châu Á khi kinh tế toàn cầu đi xuống.

Hiện nay, Hàn Quốc đã phát triển nhiều loại hình dịch vụ xã hội như trung tâm nuôi giữ trẻ cho cha mẹ đi làm, dịch vụ chăm sóc người già… nhằm giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình trung lưu, khuyến khích họ chi tiêu thay vì tiết kiệm tiền. Sau khi nhậm chức vào năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak cũng đã áp dụng chính sách khuyến khích ngành dịch vụ bằng cách tăng hỗ trợ tài chính cho một số doanh nghiệp và giảm trừ tình trạng quan liêu.

(Theo Time)