17:37 13/11/2015

Những hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Aung San Suu Kyi

Ngọc Thanh

Từ những gì bà chia sẻ về chính quyền mới trong một bài phỏng vấn, có thể cảm nhận điều gì đó không ổn

Để có ngày hôm nay, Aung San Suu Kyi đã trải qua một hành trình gian khổ và nhiều hy sinh - Ảnh: Forbes.<br>
Để có ngày hôm nay, Aung San Suu Kyi đã trải qua một hành trình gian khổ và nhiều hy sinh - Ảnh: Forbes.<br>
Cuối cùng thời khắc mà Aung San Suu Kyi chờ đợi suốt bao nhiêu năm trong cuộc đời đã đến, sau khi Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà chính thức giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra mới đây.

Để có ngày hôm nay, Aung San Suu Kyi đã trải qua một hành trình gian khổ và nhiều hy sinh, từ năm 1988 khi bắt đầu lãnh đạo phong trào đấu tranh vì dân chủ, cho đến khi bà bị quản thúc tại nhà năm 1989, và chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1990.

Năm 1999, bà đã không thể có mặt bên chồng khi ông mất. Năm 2010, bà được thả tự do. Từ thời điểm đó, nhiều người yêu dân chủ trên thế giới đặt nhiều hy vọng vào bà.

Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, khi hàng triệu người dân Myanmar đang ăn mừng, thì cũng có nhiều người hoài nghi. Nội dung cuộc phỏng vấn mới đây mà bà Aung San Suu Kyi thực hiện với kênh Channel News Asia khiến không ít người băn khoăn.

Nói với phóng viên bằng một giọng khá cao ngạo, Aung San Suu Kyi khẳng định rằng bà sẽ là người chỉ định Tổng thống Myanmar và người này sẽ không được phép có bất kỳ quyền lực gì, chỉ được phép thực thi theo các mệnh lệnh của đảng NLD.

Bà coi mình ở một vị trí cao hơn cả Tổng thống khi nói: “Tôi sẽ đưa ra mọi quyết định bởi tôi là lãnh đạo của đảng. Chúng tôi sẽ chọn ra một tổng thống, nhưng đó chỉ là để đáp ứng yêu cầu của hiến pháp thôi. Chính phủ sẽ được thành lập với đầy đủ các cơ quan chức năng; Tổng thống sẽ làm theo các mệnh lệnh của chúng tôi”.

Suu Kyi là lãnh đạo của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), và lý do duy nhất khiến bà không thể trở thành Tổng thống chính là vì người con có hộ chiếu nước ngoài, và hiến pháp Myanmar không chấp thuận điều này đối với người giữ cương vị Tổng thống.

Tuy nhiên, từ những gì bà chia sẻ về chính quyền mới trong bài phỏng vấn nói trên, có thể cảm nhận điều gì đó không ổn, thậm chí mang hơi hướng độc tài, theo quan điểm của nhà bình luận Chris Wright trong bài báo mới đây trên tạp chí Forbes.

Dù vậy, khi một nhà báo hồ nghi liệu chính quyền mới của Myanmar có cai trị bằng “bàn tay sắt”, bà Suu Kyi đã trả lời: “Chúng tôi sẽ không thể là chính phủ độc tài. Chúng tôi tồn tại được đến bây giờ bởi chúng tôi nhận được sự ủng hộ của người dân, và chính phủ do người dân lập nên sẽ không bao giờ trở thành độc tài.”

Thời gian sẽ trả lời tất cả. Thế nhưng ít nhất ở hiện tại, bà Suu Kyi đã viết thư gửi cựu Tổng thống Thien Sein và nhiều nhân vật cấp cao khác trong chính phủ cũ, đề nghị hợp tác và liên minh. Nếu bà muốn trở thành một lãnh đạo theo đúng kỳ vọng của những người đã bầu bà lên, chắc chắn sự hợp tác với chính quyền cũ cũng như nhiều nhóm sắc tộc khác nhau tại Myanmar là điều cần thiết.

Ở nơi nào người ta cũng nói đến một nữ anh hùng Aung San Suu Kyi yêu nước và anh hùng. Thế nhưng, cũng có nhiều quan điểm cả từ trong và ngoài Myanmar cho rằng, sau hai thập kỷ liên tục vào tù ra tù, bị quản thúc tại gia, sống khá tách rời với quần chúng, Suu Kyi có thể không thực sự còn hiểu sâu sắc về thời cuộc. Sẽ cần thời gian mới biết được những thay đổi sẽ đến như thế nào.

Thậm chí một số người từng là cánh tay phải của bà cũng đã hoài nghi về quan điểm của nhà lãnh đạo này. Ông Zarni, người sáng lập Liên minh Tự do Myanmar, khẳng định rằng chính sách hạn chế du lịch mà bà Aung San Suu Kyi ủng hộ là sai lầm chiến lược.