15:32 14/08/2012

Những nền kinh tế mạnh nhất thế giới

An Huy

Danh sách có những nền kinh tế phát triển như Mỹ và Luxembourg, bên cạnh những nền kinh tế còn đang phát triển như Mông Cổ, Madagascar và Libya

ZhravZv1I0oAZk0KzTwqZLoIXRpxl/Image/2012/08/3_30cc6.jpg
ZhravZv1I0oAZk0KzTwqZLoIXRpxl/Image/2012/08/3_30cc6.jpg
Sau xếp hạng những nền kinh tế tồi tệ nhất thế giới, trang CNNMoney lại vừa đưa ra danh sách những nền kinh tế tốt nhất thế giới. Đây là những nền kinh tế dẫn đầu ở một phương diện nào đó, như thu nhập GDP bình quân đầu người, quy mô nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng…

Danh sách có sự góp mặt của những nền kinh tế phát triển như Mỹ và Luxembourg, bên cạnh những nền kinh tế còn đang phát triển như Mông Cổ, Madagascar và Libya. Xếp hạng được thực hiện dựa trên số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

GDP bình quân đầu người cao nhất: Luxembourg

Những nền kinh tế mạnh nhất thế giới - Ảnh 1

GDP đầu người năm 2012 dự kiến: 106.958 USD

Quốc gia châu Âu Luxembourg tuy có diện tích nhỏ bé nhưng lại hùng mạnh nhất thế giới trên phương diện GDP bình quân đầu người. GDP của nước này chỉ ở mức 55,9 tỷ USD, nhưng dân số của nước này cũng rất nhỏ, dẫn tới mức GDP bình quân đầu người cao ngất ngưởng. Trên thế giới, chỉ có đất nước vùng Vịnh Qatar là “đối thủ” của Luxembourg trên phương diện này.

Bởi thế, thật là điều dễ hiểu khi nợ quốc gia của Luxembourg được đánh giá tín nhiệm ở mức AAA. Bên cạnh đó, nước này cũng có tỷ lệ thất nghiệp cực thấp, lạm phát thấp, người dân hưởng mức sống vào hàng cao nhất trên thế giới. Tài chính và công nghiệp là hai ngành kinh tế chính của Luxembourg.

Tuy nhiên, Luxembourg cũng đối mặt với một số vấn đề. Gần 60% lực lượng lao động ở nước này là người nước ngoài. Chưa kể, luật thuế lỏng lẻo của Luxembourg cũng bị cộng đồng quốc tế “soi” kỹ.

Tỷ lệ nợ chính phủ thấp nhất: Madagascar

Những nền kinh tế mạnh nhất thế giới - Ảnh 2

Tỷ lệ nợ chính phủ/GDP năm 2012 dự kiến: 5%

Đảo quốc Madagascar nằm ở bờ biển phía Đông của châu Phi chính là nước có tỷ lệ nợ chính phủ/GDP thấp nhất thế giới. Tỷ lệ này của Madagascar được IMF dự báo sẽ chỉ ở mức 5% vào cuối năm nay, so với mức 107% của Mỹ, 68% của Ấn Độ, và 236% của Nhật Bản.

Tuy nhiên, ở các phương diện khác, nền kinh tế Madagascar lại đang cho thấy nhiều thách thức. GDP/đầu người của nước này chỉ ở mức 470 USD, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo sẽ chỉ đạt 3% trong năm nay.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ

Những nền kinh tế mạnh nhất thế giới - Ảnh 3

GDP năm 2012 dự kiến: 15.600 tỷ USD

Vị trí nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới hiện đang thuộc về Trung Quốc, trong khi Nhật Bản đứng ở vị trí thứ ba. GDP của Trung Quốc được IMF dự báo sẽ đạt mức 7,9 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay, chỉ bằng hơn một nửa GDP của Mỹ. Với tốc độ tăng trưởng 7-10% mỗi năm, kinh tế Trung Quốc vẫn phải mất hàng thập kỷ để tiến sát Mỹ về phương diện này.

Mặc dù có quy mô “khủng”, kinh tế Mỹ vẫn đang đối mặt nhiều thách thức lớn. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kinh tế Mỹ đến nay vẫn phục hồi chậm chạp, với thị trường việc làm còn yếu và thị trường nhà đất được cho là phải mất nhiều năm mới hồi phục hoàn toàn.

Tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất: Libya

Những nền kinh tế mạnh nhất thế giới - Ảnh 4

Tăng trưởng GDP năm 2012 dự kiến: 76,3%

Tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của quốc gia Bắc Phi Libya không phải là sản phẩm của chính sách kế hoạch hóa thông minh, sự bùng nổ của lĩnh vực tài nguyên, hay sự hiệu quả của công tác quan trị. Thay vào đó, tốc độ tăng trưởng GDP 76,3% được dự báo cho năm nay có lẽ là sản phẩm của chiến tranh.

Sau cuộc nổi dậy năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi, kinh tế Libya đang tăng trưởng nhanh nhờ sự khôi phục sản xuất của ngành công nghiệp dầu lửa. Năm ngoái, ngành dầu lửa của Libya gần như tê liệt vì bạo loạn.

Trước năm 2011, sản xuất dầu lửa chiếm hơn 70% GDP của Libya. Khi cuộc nổi dậy năm 2011 xảy ra, sản lượng dầu lửa của Libya giảm từ 1,77 triệu thùng/ngày về 22.000 thùng/ngày. Hoạt động khai thác dầu ở Libya đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, nhưng theo dự báo, kinh tế Libya sẽ phải mất nhiều năm mới hồi phục hoàn toàn.

Trên thực tế, hầu hết các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới theo IMF đều là những nước vừa trải qua hoặc đang có xung đột. Sierra Leone, nước đang ở trong một cuộc nội chiến, có mức dự báo tăng trưởng 35,8% trong năm nay. Đối với Iraq, tỷ lệ này là 11,1%, đối với Afghanistan là 7,2%.

Tỷ lệ đầu tư nhiều nhất thế giới: Mông Cổ

Những nền kinh tế mạnh nhất thế giới - Ảnh 5

Tỷ lệ đầu tư/GDP năm 2012 dự kiến: 64%

Nằm giữa Trung Quốc và Nga, Mông Cổ đang trải qua giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ dựa trên sự tăng trưởng bùng nổ của ngành khai mỏ. GDP của Mông cổ tăng 17,3% trong năm 2011 và được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2012.

Mông Cổ là quốc gia có tỷ lệ đầu tư cao nhất thế giới, với tổng mức đầu tư/GDP có thể đạt 63,6% trong năm nay. Một số quốc gia láng giềng của Mông Cổ cũng có tỷ lệ đầu tư rất cao, với 48,4% ở Trung Quốc và 46,6% ở Bhutan.

Mặc dù vậy, kinh tế Mông Cổ vẫn phụ thuộc nhiều vào các nước láng giềng. Trung Quốc chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của Mông Cổ, trong khi Nga cung cấp 95% dầu lửa cho nước này.