11:53 07/08/2008

Những nét mới trong chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ

Quốc Trung

Tổng thống Mỹ George W.Bush đang thực hiện chuyến thăm 8 ngày tới Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Bush và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak.
Tổng thống Mỹ Bush và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak.
Tổng thống Mỹ George W.Bush đang thực hiện chuyến thăm 8 ngày tới Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc. Có thể đây là lần cuối ông Bush tới thăm châu Á trên cương vị Tổng thống, đánh dấu những chuyển biến trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Đây là lần thứ 9 ông Bush thăm châu Á, kể từ khi lên cầm quyền năm 2001. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh châu Á được nhìn nhận là ngày càng có tầm quan trọng đối với Mỹ cả về mặt địa chiến lược cũng như kinh tế và thương mại.

Hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiên

Tại Hàn Quốc, ngày 6/8, Tổng thống Bush đã hội đàm và ăn trưa với Tổng thống nước chủ nhà Lee Myung Bak để bàn về tương lai hợp tác giữa Mỹ và  Hàn Quốc. Hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy Quốc hội 2 nước sớm thông qua Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khẳng định, hiệp định này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả đôi bên.

Đồng thời, hai nước đồng ý sẽ tiếp tục thực hiện các thỏa thuận liên quan đến việc Washington chuyển giao quyền tác chiến thời chiến cho Seoul và tái bố trí các căn cứ Mỹ tại Hàn Quốc.

Hai bên nhất trí sẽ hợp tác trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử một cách hòa bình và khoa học hàng không vũ trụ. Mỹ sẽ xây dựng chương trình thực tập tại Mỹ dành cho sinh viên Hàn Quốc và đưa Seoul vào chương trình miễn thị thực của Washington vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hai bên không đề cập đến vấn đề Hàn Quốc gửi quân tới Afghanistan.

Trong buổi họp báo về kết quả hội đàm song phương ngày 6/8, hai nhà lãnh đạo đã tái xác nhận quyết tâm hối thúc Bình Nhưỡng cải thiện quyền con người tại nước này, đồng thời nhất trí hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

Ông Bush  tỏ ý lấy làm tiếc về vụ nữ du khách Hàn Quốc bị lính gác Triều Tiên bắn chết tại khu nghỉ mát núi Geumgang và hối thúc Hàn Quốc- Triều Tiên sớm đối thoại để xây dựng biện pháp tránh tái diễn các trường hợp tương tự.

Hai bên cũng nhất trí sớm xây dựng hệ thống kiểm chứng báo cáo hạt nhân của Triều Tiên để thúc đẩy quá trình vô hiệu hóa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trước chuyến thăm, Tổng thống Lee Myung Bak đã nhấn mạnh, quan hệ với Mỹ là “xương sống của ngoại giao Hàn Quốc”.  Ông Bush đã thăm Bộ Tư lệnh Mỹ tại Hàn Quốc và  dự lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ Mỹ-Hàn Quốc.

Mang các thông điệp hữu nghị đến châu Á?

Ngay sau chuyến thăm Hàn Quốc, Tổng thống Bush tới thủ đô Bangkok để hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej về hàng loạt vấn đề song phương, khu vực và quốc tế, tham dự lễ kỷ niệm 175 năm thiết lập quan hệ Mỹ-Thái Lan. Trong chuyến thăm Thái Lan lần thứ hai này, dự kiến Tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu quan trọng về chính sách của Mỹ đối với châu Á, về tình hình Myanmar và quan hệ của Mỹ với Thái Lan.

Tại điểm dừng chân cuối cùng, Tổng thống Bush sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008 vào ngày 8/8 và ở thăm Trung Quốc 4 ngày. Ông sẽ trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic.

Trong thời gian ở thăm Bắc Kinh, ông Bush sẽ có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc gồm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Phó Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong bối cảnh tình hình Tây Tạng diễn biến phức tạp ngay trước thềm Olympic Bắc Kinh 2008, nhiều hãng tin Mỹ trích lời bà Flice Gaer, Chủ tịch Uỷ ban của Mỹ về tự do, tôn giáo toàn cầu, cho rằng cuộc gặp của ông Bush với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là cơ hội tốt nhất để ông Bush có thể trình bày thẳng thắn về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định, chuyến đi châu Á của ông Bush lần này chủ yếu mang theo những thông điệp hữu nghị, hợp tác. Điều đó cho thấy sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ ở thời điểm cuối nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Bush.