18:55 16/03/2017

Nike bị truyền thông Trung Quốc tố quảng cáo sai sự thật

Thăng Điệp

Những cáo buộc mà truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra có thể có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp nước ngoài

Sản phẩm giày chạy của Nike trưng bày tại trụ sở của hãng - Ảnh: CNBC.<br>
Sản phẩm giày chạy của Nike trưng bày tại trụ sở của hãng - Ảnh: CNBC.<br>
Hãng thời trang thể thao Nike đã trở thành một mục tiêu “bêu tên” của đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV, với cáo buộc quảng cáo sai sự thật.

Theo tin từ CNBC, cáo buộc trên được CCTV đưa ra trong một chương trình thường niên phát sóng nhân Ngày Thế giới về Quyền của người tiêu dùng. CCTV cho rằng giày thể thao mà Nike bán tại thị trường Trung Quốc không có đệm khí “Zoom Air” như những gì mà hãng này quảng cáo.

Chương trình năm nay của CCTV cũng cáo buộc nhà bán lẻ Nhật Bản Muji bán các loại thực phẩm có nguồn gốc từ những khu vực có mức độ phóng xạ cao ở Tokyo.

Những năm trước, chương trình thường niên này của CCTV đã nhằm vào nhiều thương hiệu lớn của nước ngoài, bao gồm Apple, McDonald’s, Nikon, Volkswagen… Sau khi bị CCTV “bêu tên”, các công ty thường phải lên tiếng xin lỗi và có hành động sửa sai để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Chương trình của CCTV cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc với tư cách thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới với 1,4 tỷ dân.

Những cáo buộc mà truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra có thể có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại nước này. Vào năm 2014, hãng sản xuất máy ảnh Nhật Bản Nikon bị tố bán máy ảnh hỏng và không chịu giải quyết khiếu nại của khách hàng. Sau đó, Nikon đã phải xin lỗi, nhận lại máy ảnh để sửa và bảo dưỡng cho dù đã hết thời hạn bảo hành.

Năm 2013, Volkswagen phải triệu hồi gần 400.000 xe tại Trung Quốc sau chương trình bào vệ quyền người tiêu dùng của CCTV.

Chương trình này cũng đã từng nhằm vào hãng dược phẩm khổng lồ của Anh GlaxoSmithKline (GSK) với cáo buộc áp đặt giá thuốc, đưa hối lộ và chất lượng sản phẩm tồi. Sau đó, doanh thu của GSK tại Trung Quốc đã sụt giảm mạnh và hãng này thậm chí bị cơ quan chức năng Trung Quốc điều tra.

Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với cả Nike và Muji. Năm 2016, doanh thu của Nike tại Trung Quốc tăng 27%.

Giá cổ phiếu của Ryohin Keikaku, công ty Nhật Bản sở hữu thương hiệu bán lẻ Muji, đã giảm giá khoảng 3% trong phiên giao dịch sáng ngày 16/3 tại thị trường Tokyo. Giá cổ phiếu Nike có lúc giảm 0,9% trong phiên giao dịch điện tử tại New York, sau khi đóng cửa phiên ngày 15/3 với mức tăng 0,7%.