09:53 01/03/2013

“Nóng” cuộc đua vào ghế Chủ tịch ADB

An Huy

Các cuộc bầu Chủ tịch ADB trước đây không thu hút được nhiều sự chú ý của giới quan sát quốc tế, nhưng lần này thì khác

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda.<br>
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda.<br>
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda vừa từ nhiệm vì được nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cử vào vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này (BoJ). Một cuộc đua tìm kiếm Chủ tịch mới cho ADB đồng thời được mở ra.

Hôm qua (28/2), ADB đã phát đi thông cáo báo chí cho biết, ông Kuroda đã nộp đơn xin từ nhiệm khỏi vai trò Chủ tịch ADB từ ngày 18/3. Nguyên nhân dẫn tới động thái này là ông sẽ trở thành người đứng đầu BoJ.

Định chế này cũng cho biết sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu để tìm ra người kế nhiệm ông Kuroda. Dự kiến, cuộc bỏ phiếu sẽ được Hội đồng Thống đốc của ADB thực hiện theo các quy định nêu trong Hiến chương của ngân hàng này.

Theo báo Financial Times, gần như đã trở thành “thông lệ” khi Ngân hàng Thế giới (WB) luôn có một Chủ tịch người Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) luôn có Giám đốc điều hành người châu Âu, và ngân hàng ADB luôn nằm dưới sự lãnh đạo của một vị Chủ tịch người Nhật.

Tuy nhiên, báo này cho biết, với sự rời đi của ông Kuroda, giới chức ngân hàng và các học giả Âu-Mỹ đang tính tới khả năng Bắc Kinh sẽ thực hiện các nỗ lực nhằm đưa một người Trung Quốc vào chiếc ghế mà ông Kuroda để lại.

“Người Trung Quốc từ lâu đã muốn kiểm soát ADB”, ông Eswar Prasad, Giáo sư Đại học Cornell, nhận định.

Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã tuyên bố rõ ràng rằng, Tokyo sẵn sàng chống lại bất kỳ nỗ lực nào của bất kỳ quốc gia nào muốn giành vị trí người đứng đầu ADB. “Chúng tôi sẽ phải thực hiện một chiến dịch bầu cử để đảm bảo giữ được vị trí người kế nhiệm Chủ tịch ADB Kuroda”, ông Aso phát biểu trước báo giới.

Ông Aso cũng nói rằng, nhà ngoại giao hàng đầu trong lĩnh vực tiền tệ hiện nay của Nhật là ông Takehiko Nakao nằm trong số những ứng cử viên sáng giá cho vai trò Chủ tịch ADB.

Trong trường hợp Trung Quốc có động thái nhằm tranh chức Chủ tịch ADB, thì việc này có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước vốn đã tồn tại mâu thuẫn xung quanh chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông.

Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc ngày càng nắm vai trò lớn hơn tại các tổ chức đa phương. Mới đây, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), một bộ phận của WB, đã chọn ông Cai Jinyong, một người Trung Quốc, vào vị trí Giám đốc điều hành.

Một nhân vật có thể trở thành ứng cử viên của Trung Quốc cho ghế Chủ tịch ADB là ông Jin Liqun, người hiện là Chủ tịch ủy ban giám sát quỹ lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Trước đây, ông Jin từng giữ cương vị Phó chủ tịch ADB. Ông Zhu Min, người hiện là Phó giám đốc điều hành IMF, cũng được xem là một ứng cử viên sáng giá, cho dù khả năng lớn hơn là ông sẽ tiếp tục giữ vị trí hiện tại ở IMF.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào và các ngân hàng chính sách của nước này để hỗ trợ một số quốc gia láng giềng phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đã xuất hiện những ý kiến cho rằng, các chương trình hỗ trợ của Trung Quốc chủ yếu nhằm mục tiêu thâu tóm các nguồn tài nguyên thiên nhiên với giá rẻ để rồi bán hàng thành phẩm, thu lợi nhuận.

Ông Kuroda được đề cử vào cương vị Chủ tịch BoJ giữa lúc Chính phủ của Thủ tướng Abe muốn BoJ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế đang bị giảm phát kìm hãm. Thủ tướng Abe có nhiều bất đồng về chính sách với đương kim Thống đốc BoJ, ông Masaaki Shirakawa, người sẽ từ nhiệm vào ngày 19/3, 3 tuần trước khi chính thức kết thúc nhiệm kỳ.

Ông Kuroda được biết đến là một người ủng hộ việc nới lỏng chính sách tiền tệ để đưa Nhật vượt qua thời kỳ tăng trưởng ì ạch, phù hợp với chủ trương chính sách của Thủ tướng Abe. Ông Kuroda đã đảm đương cương vị Chủ tịch ADB từ năm 2005 tới nay.

Theo tờ Wall Street Journal, các cuộc bầu Chủ tịch ADB trước đây không thu hút được nhiều sự chú ý của giới quan sát quốc tế, nhưng lần này thì khác. Do Nhật đã để mất ngôi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vào tay Trung Quốc vào năm 2010, giới phân tích đang theo dõi chặt chẽ xem cán cân quyền lực ở châu Á sẽ thay đổi ra sao.

Tuy nhiên, các quy định về bầu Chủ tịch trong ADB có vẻ như nghiêng về phía Tokyo. Chẳng hạn, ứng cử viên cho ghế Chủ tịch ADB phải giành được hơn 50% số phiếu trong tổng “sức mạnh lá phiếu” của các quốc gia thành viên cộng lại. Trong khi đó, Nhật, Mỹ, các nước Eurozone, Australia và New Zealand chiếm tổng cộng 50,6% “sức nặng lá phiếu” trong ADB.

Thành lập năm 1966, ADB hiện có 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Định chế này có sứ mệnh giảm đói nghèo trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thân thiện với môi trường, và hợp tác khu vực. ADB có trụ sở đặt tại Manila, Philippines.