10:00 18/09/2014

Nước Anh thiệt hại thế nào nếu Scotland “ly khai”?

Tâm Anh

Nếu Scotland ly khai khỏi Anh, các thị trường tài chính London và Phố Wall chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ

Nếu đa số bỏ phiếu thuận, Scotland sẽ ly khai khỏi Vương quốc Anh sau khi đã có 307 năm sáp nhập - Ảnh: Reuters.<br>
Nếu đa số bỏ phiếu thuận, Scotland sẽ ly khai khỏi Vương quốc Anh sau khi đã có 307 năm sáp nhập - Ảnh: Reuters.<br>
Hôm nay (18/9), Scotland sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên độc lập, tách khỏi Vương quốc Anh hay không. Đây là cuộc trưng cầu dân ý quan trọng nhất trong lịch sử Scotland hiện đại.

Dự kiến, hơn 4 triệu người dân Scotland (đã đăng ký) sẽ phải tự mình đưa ra quyết định ra đi hay ở lại. Nếu đa số bỏ phiếu thuận, Scotland sẽ ly khai khỏi Vương quốc Anh sau khi đã có 307 năm sáp nhập. Theo giới phân tích, đây sẽ là tiền lệ nguy hiểm không chỉ với các vùng khác của Anh mà còn với nhiều nước trên thế giới.

Nếu người dân Scotland đồng ý tách ra, Anh và Scotland sẽ phải cùng nhau trải qua một tiến trình kéo dài 18 tháng, để đàm phán về mọi thứ, từ dầu ở biển Bắc cho tới đồng tiền riêng, từ tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU), cho đến việc di chuyển căn cứ tàu ngầm hạt nhân chính của Anh.

Hiện tại, Scotland không có tiền tệ riêng mà dùng đồng bảng Anh. Khi tách ra, Scotland không thể dùng đồng bảng và Scotland có thể gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu để sử dụng đồng Euro.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tuyên bố, Scotland khó trở thành thành viên Liên minh châu Âu nếu tách ra khỏi Anh, bởi Scotland phải nhận nguồn viện trợ từ Anh 27 tỷ bảng (20% GDP/năm).

Tuy nhiên, Thủ hiến Scotland Alex Salmond nói, Scotland chiếm 1% dân số châu Âu, nhưng có 20% trữ lượng cá, 25% năng lượng tái tạo và 60% sản lượng dầu. Do đó bất kỳ ai nói Scotland sẽ không được hoan nghênh ở EU, đều không hiểu khối này "chấp nhận kết quả dân chủ" và Scotland "có nhiều thứ để đóng góp".

Cho tới giờ phút này, các cuộc khảo sát dư luận trước giờ bỏ phiếu vẫn đưa ra các con số khác nhau, khiến cho việc dự đoán cán cân nghiêng về bên đi hay bên ở vẫn khó khăn.

Khảo sát của các hãng ICM, Opinium và Survation cho thấy phe ủng hộ độc lập có 48% số phiếu, lực lượng phản đối vượt trội với 52% phiếu. Tuy nhiên, vẫn còn 8-14% cử tri Scotland vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Hãng Nghiên cứu thị trường Survation cho rằng, phe ủng hộ độc lập đang ngày càng thu hẹp khoảng cách và do đó kết quả cuộc trưng cầu sẽ phụ thuộc vào khoảng 350.000 cử tri vẫn còn đang lưỡng lự.

Chính quyền Scotland cho biết có tới 97% cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu. Tổng cộng 2.608 điểm bỏ phiếu trên toàn Scotland sẽ hoạt động cho tới tận 10 giờ đêm ngày 18/9.

Tuy nhiên, có vẻ như đa số các quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, cũng ủng hộ Scotland ở lại. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown khẳng định rằng, các chính sách của đảng Dân tộc Scotland (SNP) chủ trương muốn Scotland độc lập sẽ đưa xứ này sa vào chiếc bẫy kinh tế mà từ đó "có thể họ sẽ không bao giờ thoát ra được".

"Chúng ta là một khối độc nhất vô nhị trên thế giới khi có 4 quốc gia trong một Vương quốc Anh cùng chia sẻ tài nguyên. Các nước như Australia, New Zealand hay thậm chí là Đức, Pháp và cả Mỹ cũng không làm được điều này", ông Brown nói.

"Chúng tôi đã bảo rằng, cho dù là công dân của Scotland, xứ Wales, Anh hoặc Bắc Ireland thì các bạn cũng có quyền dân sự, quyền chính trị, quyền kinh tế giống như nhau", cựu Thủ tướng Anh cho biết thêm.

Trong khi đó, Thủ hiến Scotland Alex Salmond, lãnh đạo đảng SNP, kêu gọi cử tri Scotland nắm lấy vận mệnh chính mình và không bị lung lạc bởi những câu chuyện gây hoang mang từ Chính phủ Anh đưa ra mỗi ngày.

"Chúng ta hãy tự quyết định tương lai đất nước. Đừng để cơ hội này vuột khỏi tầm tay. Đừng để người ngoài nói rằng chúng ta không thể", ông Salmond nói.

Tuy nhiên, theo bình luận của hãng tin Reuters, cho dù kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ra sao thì châu Âu cũng sẽ thay đổi và tiền lệ tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết sẽ lan ra khắp châu lục này.

Nếu người Scotland bỏ phiếu ủng hộ độc lập thì việc này sẽ gây ra một "cơn địa chấn chính trị" và kích động mong muốn tự trị ở nhiều nơi, từ Catalonia (Tây Ban Nha) tới Flanders (Bỉ).

Ngược lại, nếu người Scotland không muốn tách, thì việc chính quyền Anh cam kết sẽ chuyển giao thêm quyền lực cho Edinburgh sẽ khiến xứ Wales và Bắc Ireland đòi hỏi sự nhượng bộ tương tự.

Trên thực tế, nghị viện vùng Catalonia của Tây Ban Nha cũng sắp bỏ phiếu về một bản nghị quyết để mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha. Tuần trước, hàng trăm nghìn người Catalonia tụ tập làm dấu "V" (vote - bỏ phiếu) dọc hai đại lộ chính của Barcelona để đòi quyền bỏ phiếu.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy sáng 17/9 cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland như "một quả ngư lôi nhắm vào Liên minh châu Âu, tổ chức được lập ra để liên kết chứ không phải để chia tách các nước".

Chưa hết, việc Scotland độc lập sẽ khiến sức mạnh quốc phòng của Anh suy giảm nghiêm trọng. SNP tuyên bố muốn một Scotland độc lập không có vũ khí hạt nhân, nên Anh chắc chắn sẽ phải triển khai hạm đội tàu ngầm tên lửa hạt nhân Trident ở nơi khác.

Ngoài ra, các thị trường tài chính London, Phố Wall sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ từ "cơn địa chấn chính trị này", trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn khá bấp bênh.

Thêm vào đó, theo cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta, một kết quả "có" với nền độc lập tại Scotland sẽ cổ vũ cho những người muốn nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân dự định năm 2017.

Và còn bởi Anh là một trong những trụ cột của thị trường chung châu Âu và có vai trò rất quan trọng trong châu lục, nên điều này có thể sẽ là sự khởi đầu cho tình trạng "xuống dốc" thực sự của khối này.