09:23 01/08/2011

Nước Mỹ đã thoát nguy cơ vỡ nợ

Hồng Ngọc

Lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đạt được thỏa thuận nâng trần nợ, giảm thâm hụt ngân sách và xóa tan nguy cơ vỡ nợ

Bóng ma vỡ nợ công của Mỹ đã tiêu tan.
Bóng ma vỡ nợ công của Mỹ đã tiêu tan.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa đưa ra tuyên bố, lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công, giảm thâm hụt ngân sách và xóa tan nguy cơ vỡ nợ trước hạn chót 2/8.

Cụ thể, tối ngày 31/7 (giờ địa phương), lãnh đạo 2 đảng đã đồng ý với kế hoạch cắt giảm 1.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong vòng 10 năm tới. Đây được xem là điều kiện đi kèm kiên quyết để Quốc hội Mỹ có thể thông qua kế hoạch nâng giới hạn vay nợ quốc gia từ mức 14.300 tỷ USD hiện tại.

Trước đó, vào trưa cùng ngày (tức 0 giờ ngày 1/8 giờ Việt Nam), với tỷ lệ 50 phiếu thuận và 49 phiếu chống, kế hoạch của lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid đã không đạt đủ 60 phiếu ủng hộ cần thiết. Nói một cách khác, đề xuất trần nợ của đảng Dân chủ đã bị Thượng viện bác bỏ.

Theo tuyên bố mới nhất của ông Obama, trần nợ sẽ được nâng lên và áp dụng cho tới hết năm 2012. Ngoài việc giảm bớt 1.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong một thập niên tới, một ủy ban chung sẽ được thành lập để tìm cách cắt giảm thêm ít nhất là 1.500 tỷ USD nữa.

Trong các báo cáo ngắn gọn cách nhau chỉ vài phút, Tổng thống Obama, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết, thỏa thuận sẽ xóa tan khả năng vỡ nợ đang đe dọa thị trường tài chính toàn cầu.

Thỏa thuận này còn cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua, song đã giúp cho các thị trường thế giới "thở phào" phần nào sau một thời gian theo dõi sát sao cuộc tranh cãi giữa hai đảng chính trị lớn, đe dọa gây ra những thiệt hại kinh tế đối với sự phục hồi vốn đã vô cùng chật vật của quốc gia giàu nhất thế giới.
 
Tổng thống Obama cũng khẳng định "chúng ta chưa xong việc", đồng thời kêu gọi tất cả các thành viên Quốc hội ủng hộ thỏa thuận này dù thừa nhận nó chưa phải là điều ông mong muốn. Theo ông, khoản cắt giảm 1.000 tỷ USD ngân sách sẽ không gây biến động lớn hay kéo lùi nền kinh tế.

Giới phân tích trước đó cho rằng, cuộc khủng hoảng này thực chất là một ván bài cân não giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, hay nói một cách ví von thì đây là "cuộc so găng" giữa lừa - loài vật biểu tượng của đảng Dân chủ và voi - biểu trưng cho đảng Cộng hòa.

Những phát biểu liên tiếp gần đây của Tổng thống Barack Obama cũng như phát biểu của Chủ tịch Hạ viện John Boehner gián tiếp cho thấy rõ các cuộc thương lượng hiện nay không dính dáng gì đến trần nợ công hay thâm hụt ngân sách.

Các chính trị gia Mỹ không bận tâm mấy đến ngày 2/8 mà thực chất họ đang nỗ lực hết sức cho ngày 6/11/2012 - ngày bầu cử tổng thống và quốc hội Mỹ. Trước thềm tổng tuyển cử, bất kỳ vấn đề kinh tế nào cũng sẽ là trọng tâm của cuộc cạnh tranh chính trị tại Washington.

Vì thế, cuộc chiến về nâng trần nợ và giảm chi tiêu đã được dùng làm vũ khí để hạ gục đối thủ. Sự tê liệt của Washington nói một cách khác chẳng qua là tuồng diễn chính trị trước kỳ bầu cử Tổng thống năm 2012 và thỏa thuận cuối cùng cũng sẽ được đưa ra vào phút chót.