11:23 15/09/2016

Obama hứa dỡ lệnh trừng phạt Myanmar

Bình Minh

Việc Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt đối với Myanmar là điều mà các doanh nghiệp Mỹ đã chờ đợi từ rất lâu

Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 14/9 - Ảnh: AP.<br>
Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 14/9 - Ảnh: AP.<br>
Tổng thống Mỹ Barack Obama hứa sẽ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt còn lại của nước này đối với Myanmar. Đây là tuyên bố được ông Obama đưa ra ngày 14/9 trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi tại Nhà Trắng.

Theo tờ Financial Times, phát biểu bên bà Suu Kyi, ông Obama nói quyết định rút lệnh trừng phạt đối với Myanmar và đưa ra các điều khoản thương mại tốt hơn đối với nước này nhằm mục đích giúp Myanmar thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện.

Việc Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt đối với Myanmar là điều mà các doanh nghiệp Mỹ đã chờ đợi từ rất lâu. Tuyên bố trên của ông Obama đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ Mỹ-Myanmar, mối quan hệ gần như không tồn tại cách đây 5 năm.

Theo tờ Financial Times, đối với ông Obama, việc thúc đẩy quan hệ với Myanmar và tăng cường mối quan hệ cá nhân với bà Suu Kyi là một trong những thành tựu mang tính di sản trong chiến lược “xoay trục” về phía châu Á của ông.

Trong cuộc gặp với ông Obama, bà Suu Kyi nói “đã đến lúc” Mỹ nên dỡ trừng phạt đối với Myanmar vì nước này đang mở cửa. “Tôi luôn nói rằng chúng tôi không thể đạt lợi ích gì nếu như các doanh nghiệp thể tìm kiếm được lợi nhuận. Bởi vậy, tôi hy vọng doanh nghiệp của đất nước các bạn sẽ đến nước tôi tìm kiếm lợi nhuận, để chúng tôi cũng có lợi nhuận cho mình”, bà nói.

Ông Obama chưa đưa ra lịch cụ thể cho việc dỡ trừng phạt đối với Myanmar, mà chỉ nói rằng việc đó sẽ sớm diễn ra. Trong 3 năm trở lại đây, Mỹ đã dần nới một loạt hạn chế trước đó không cho phép các công ty Mỹ giao dịch hoặc đầu tư ở Myanmar.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nói Myanmar sẽ được đưa trở lại Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) - một danh sách các quốc gia được hưởng ưu đãi về thuế quan đối với khoảng 5.000 sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ.

Cuộc bầu cử tháng 11/2015 ở Myanmar đã đưa Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi lên cầm quyền, khép lại chuỗi hàng thập kỷ bà bị quản thúc tại gia. Do những trở ngại trong Hiến pháp do Quân đội soạn thảo, bà Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống Myanmar. Thay vào đó, bà giữ cương vị Cố vấn Nhà nước kiêm Ngoại trưởng, nhưng được xem là nhà lãnh đạo thực chất của nước này.

Phát triển kinh tế và hòa giải dân tộc là hai mục tiêu chính hiện nay của Chính phủ Myanmar.

Một thách thức lớn mà bà Suu Kyi đang phải đối mặt là cân bằng quan hệ giữa Myanmar với Mỹ và với láng giềng hùng mạnh Trung Quốc. Trước chuyến thăm Mỹ này, bà Suu Kyi đã thăm Trung Quốc và có những động thái thể hiện mong muốn xích lại gần hơn với Bắc Kinh.