07:40 21/01/2014

Oxfam cảnh báo về chênh lệch giàu nghèo trên thế giới

Diệp Vũ

Riêng 85 người giàu nhất đã sở hữu khối tài sản bằng tài sản của 3,5 tỷ người nghèo nhất thế giới

Ấn Độ là quốc gia mà Oxfam lấy làm ví dụ điển hình về sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn - Ảnh: Getty.<br>
Ấn Độ là quốc gia mà Oxfam lấy làm ví dụ điển hình về sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn - Ảnh: Getty.<br>
Tổng giá trị tài sản ròng của 85 người giàu nhất thế giới hiện tương đương với tổng giá trị tài sản ròng của một nửa dân số thế giới tức 3,5 tỷ người nghèo nhất. Đây là dữ liệu được đưa ra trong một báo cáo vừa được công bố của tổ chức Oxfam.

Theo tin từ CNBC, bản báo cáo mang tựa đề “Working for the Few” (tạm dịch: “Làm việc cho thiểu số”) công bố ngày 20/1, Oxfam - tổ chức viện trợ và phát triển toàn cầu có trụ sở tại Anh quốc - đã cho thấy một bức tranh rõ nét về khoảng cách giàu nghèo trên toàn cầu hiện nay, đồng thời cảnh báo những rủi ro lớn mà sự chênh lệch này có thể đặt ra cho “tiến bộ nhân loại”.

Theo báo cáo, trong năm qua, có 210 người đã trở thành tỷ phú, nâng tổng số tỷ phú trên thế giới lên 1.426 người, sở hữu tổng giá trị tài sản ròng 5,4 nghìn tỷ USD.

Bản báo cáo cũng cho biết, giá trị tài sản ròng của 1% người giàu nhất thế giới hiện lên tới 110 nghìn tỷ USD, tương đương 65 lần tổng giá trị tài sản ròng của một nửa dân số nghèo nhất hành tinh. Trong đó, riêng 85 người giàu nhất đã sở hữu khối tài sản bằng tài sản của 3,5 tỷ người nghèo nhất thế giới.

“Sự tập trung mạnh mẽ của các nguồn lực kinh tế trong tay một số ít người đang tạo ra một mối đe dọa lớn đối các hệ thống chính trị và kinh tế dành cho tất cả mọi người”, báo cáo của Oxfam viết. “Thay vì tiến bộ cùng nhau, mọi người đang bị chia cách ngày càng lớn bởi quyền lực kinh tế và chính trị. Kết quả tất yếu từ tình trạng này là căng thẳng xã hội ngày càng lớn và nguy cơ chia rẽ xã hội ngày càng cao”.

Bản báo cáo của Oxfam được công bố ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự kiến khai mạc ở Davos, Thụy Sỹ trong tuần này. Oxfam kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp toàn cầu tham dự diễn đàn này có những bước đi để giảm bớt tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn trên thế giới.

Một trong số những biện pháp giảm chênh lệch giàu nghèo được Oxfam đề xuất gồm có tăng cường các biện pháp chống trốn thuế và tránh việc sử dụng tài sản kinh tế để tìm kiếm sự ưu ái về chính trị.

Oxfam nói rằng, các cuộc thăm dò mà tổ chức này tiến hành trên khắp thế giới cho thấy, nhiều quy định luật pháp được thiết kế nhằm đem lại lợi ích cho người giàu. “Một cuộc thăm dò tại 6 quốc gia gồm Tây Ban Nha, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Anh và Mỹ cho thấy, phần đông mọi người tin rằng, luật pháp thiên về làm lợi cho người giàu”, báo cáo viết.

Bản báo cáo lấy Ấn Độ làm ví dụ. Số tỷ phú ở nước này đã tăng lên từ dưới 6 người lên 61 người chỉ trong vòng 1 thập kỷ qua, tập trung gần 250 tỷ USD tài sản trong tay một số ít người ở một quốc gia có 1,2 tỷ dân.

“Điều gây bất ngờ là tỷ lệ tài sản ở quốc gia này nằm trong tay thiểu số các tỷ phú. Tỷ lệ này dã tăng vọt từ mức 1,8% vào năm 2003 lên 26% vào năm 2008”, báo cáo viết.

Theo Oxfam, các tỷ phú của Ấn Độ tích lũy tài sản chủ yếu từ những ngành công nghiệp nơi mà lợi nhuận phụ thuộc vào quyền tiếp cận với những nguồn tài nguyên khan hiếm. Quyền tiếp cận những nguồn tài nguyên này “được cấp riêng theo sự cho phép của Chính phủ, và bởi thế rất dễ dẫn tới tình trạng tham nhũng ở những nhân vật quyền lực”.