17:01 07/06/2011

Phần Lan và nỗi đau mang tên Nokia

An Huy

Vấn đề của Phần Lan nằm ở chỗ, Nokia đã thâm nhập vào gần như tất cả mọi ngóc ngách của nền kinh tế ở đây

Trụ sở của Nokia tại Espoo, Phần Lan.
Trụ sở của Nokia tại Espoo, Phần Lan.
Vào đầu thập niên 1990, việc Nokia nổi lên thành hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới đã góp phần đưa quê hương Phần Lan của tập đoàn này trở thành một trung tâm công nghệ ở châu Âu.

Ngoài ra, sức mạnh của Nokia cũng giúp tăng gấp ba quy mô của nền kinh tế Phần Lan trong thời gian từ năm 1993 đến năm 2008.

Nhưng giờ đây, theo tờ Wall Street Journal, Phần Lan đang gánh nỗi đau của Nokia. Tuần trước, hãng này đã lên tiếng cảnh báo, trong quý 2 năm nay, họ có thể không đạt lợi nhuận ở mảng hoạt động then chốt là sản xuất điện thoại di động. Đây là công bố mới nhất trong một loạt những thông tin u ám làm xói mòn sức mạnh thêm của Nokia trên phân khúc thị trường điện thoại di động thông minh thời gian qua.

Năm 2007, Nokia có vẻ đã bị “đánh úp” khi chiếc đối thủ Apple tung ra iPhone, sản phẩm đã định nghĩa lại điện thoại di động như một thiết bị giống máy tính cá nhân với màn hình cảm ứng và hàng loạt ứng dụng phần mềm hấp dẫn.

Kể từ đó, Nokia - cho dù vẫn là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới xét về thị phần, đã chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường của mình bốc hơi 75% do quá chật vật trong cuộc chạy đua với Apple.

Tới giờ, thậm chí cả phần mềm hệ điều hành mã nguồn mở Android của Google cũng đang trở thành một đối thủ đáng gờm hơn của Nokia.

Vấn đề của Phần Lan nằm ở chỗ, Nokia đã thâm nhập vào gần như tất cả mọi ngóc ngách của nền kinh tế ở đây. Cho tới giờ, Nokia vẫn là doanh nghiệp quan trọng nhất của Phần Lan, đóng góp 14% kim ngạch xuất khẩu và 1,6% GDP nước này. Thậm chí, theo số liệu của Viện Nghiên cứu kinh tế Phần Lan, vào năm 2000, Nokia còn đóng góp tới 4% GDP của quốc gia này.

Ở Phần Lan, “Nokia là một doanh nghiệp siêu lớn, như một con vịt lớn trong một hồ bơi nhỏ. Và đó luôn giống như một con dao hai lưỡi”, Wall Street Journal dẫn lời ông Risto Siilasmaa, người sáng lập kiêm chủ tịch của F-Secure Corp., một công ty an ninh mạng ở Helsinki, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị Nokia.

Vận rủi của Nokia không giống như thảm họa kinh tế mà sự sụp đổ của hệ thống nhà băng đem đến cho quốc đảo Iceland, và nền kinh tế Phần Lan thậm chí còn nhỏ bé hơn quốc gia đang đương đầu với bão nợ công Hy Lạp, nhưng những khó khăn hiện nay của Nokia lại có ảnh hưởng thật sâu sắc tới nền kinh tế Phần Lan.

Trong năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của nước này giảm 7%. Năm 2009, số tiền thuế mà Nokia nộp cho Chính phủ Phần Lan sụt giảm chóng mặt, còn khoảng 100 triệu Euro, bằng chưa đầy 1/10 so với số tiền đóng thuế 1,3 tỷ Euro (1,86 tỷ USD) của hãng trong năm 2007.

Kết quả là, những thành phố ở Phần Lan cũng phải thay đổi theo. Ở Salo, nơi cách trụ sở của Nokai 60 dặm về phía Bắc, các quan chức địa phương cho biết họ phải cắt giảm một số dịch vụ y tế và chương trình giải trí cho người dân, để phù hợp với mức ngân sách đã trở nên eo hẹp.

Nokia còn là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất trong khu vực kinh tế tư nhân của Phần Lan, ước tính vào khoảng 20.000 người vào năm 2010. Bởi vậy, trước sự đuối sức của tập đoàn này, Chính phủ Phần Lan đang ra sức thúc đẩy những công ty công nghệ mới, trong đó có một số lấy hệ điều hành Android của Google làm trọng tâm. Tuy nhiên, do thiếu vốn và văn hóa “ngại rủi ro” của Phần Lan đã ít nhiều cản trở những nỗ lực này.

“Khó khăn nằm ở chỗ làm thế nào để thuyết phục những doanh nhân tiềm năng khi “ông lớn” Nokia không hậu thuẫn họ”, ông Will Cardwell - người đứng đầu trung tâm doanh nghiệp Aalto thuộc Đại học Aalto của Phần Lan - nhận định.

Được thành lập vào năm 1865, Nokia ban đầu nguyên là một công ty sản xuất bột giấy. Trải qua nhiều thập kỷ, công ty này từng chuyển sang kinh doanh cao su, cáp điện… Đến đầu thập niên 1990, khi sự sụp đổ của Liên xô cũ đẩy Phần Lan vào suy thoái kinh tế sâu, chủ tịch hiện nay và giám đốc điều hành (CEO) khi đó của Nokia là Jorma Ollila đã quyết định chuyển hướng trọng tâm sang lĩnh vực viễn thông. Bước đi chiến lược này đã đem đến cho Nokia ngôi vị thống lĩnh toàn cầu trong lĩnh vực điện thoại di động, đồng thời góp phần tạo ra sự thịnh vượng cho Phần Lan.

Nhưng, nhiều người Phần Lan cho rằng, đất nước của họ đã dựa dẫm quá lâu vào một “đại gia” công nghệ duy nhất mà không biết sử dụng thời kỳ bong bóng mà Nokia tạo ra như một bàn đạp nhằm xây dựng một nền kinh tế công nghệ rộng lớn và đa dạng hơn. Mặc dù Nokia chi hàng tỷ Euro mỗi năm vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển ở Phần Lan, các công ty công nghệ ở nước này vẫn chủ yếu cung cấp dịch vụ cho Nokia thay vì đột phá vào các thị trường mới.

“Người ta đã nhấn mạnh quá nhiều vào hệ thống của Nokia. Cần phải có thị trường cho một thứ gì đó khác đi”, anh Teemu Polo, 36 tuổi, từng là một chiến lược gia phần mềm cho Nokia, phát biểu. Sau khi rời Nokia năm 2009, Polo đã mở một công ty nhỏ chuyên về các ứng dụng và dịch vụ dành cho điện thoại chạy Android. Tuy nhiên, anh cho biết, việc chuyển sang làm việc ở những công ty là đối thủ của Nokia như anh là rất hiếm ở Phần Lan.

Nhiều người Phần Lan lo ngại rằng, thậm chí khi phục hồi, Nokia cũng sẽ chuyển trọng tâm sang thị trường Bắc Mỹ. Trên thực tế, sau khi nhậm chức hồi tháng 9 năm ngoái, CEO Stephen Elop của Nokia, người từng làm cho Microsoft, đồng thời là CEO đầu tiên của Nokia không phải là người Phần Lan, đã quyết định nói lời từ biệt với hệ điều hành Symbian của hãng, thay vào đó chuyển sang dùng hệ điều hành của Microsoft. Động thái này đã khiến 7.000 nhân viên của Nokia mất việc trên toàn cầu. Ngoài ra, việc Nokia cung cấp vốn cho hàng trăm nhà thầu phụ công nghệ ở Phần Lan cũng bị ông Elop cho là tốn kém.

“Mối quan hệ giữa Nokia và người dân và đất nước Phần Lan là rất đặc biệt, và có lẽ là độc nhất vô nhị trên thế giới này. Chúng tôi tin rằng, điều tốt đẹp nhất cho Phần Lan là một Nokia mạnh”, ông Elop nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 2 vừa qua.

Chính phủ Phần Lan hiện chi mỗi năm khoảng 600 triệu Euro cho quỹ phát triển công nghệ Tekes nhằm khuyến khích các công ty công nghệ mới thành lập, nhưng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vẫn rất khan hiếm. Mặc dù vậy, đã có một số câu chuyện thành công, như Rivio Mobile - nhà sản xuất trò chơi Angry Birds dành cho điện thoại di động. Kể từ khi được đưa vào chiếc điện thoại iPhone năm 2009, trò chơi này đã được tải 200 triệu lượt.

“Mục tiêu đặt ra là cần phải thay đổi văn hóa doanh nghiệp ở Phần Lan”, anh Mikko Kuusi, một sinh viên của Đại học Aalto, đồng thời là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ của trường này, nhận định.