09:04 15/01/2014

Phe biểu tình Thái Lan đòi bắt nữ Thủ tướng

Diệp Vũ

Phe biểu tình đang rất quyết tâm đẩy tình hình căng thẳng lên cao để thay đổi nền chính trị ở Thái Lan

Giới quan sát quốc tế cảnh báo, các cuộc biểu tình tại Thái có thể leo thang nhanh chóng trong những ngày tới - Ảnh: Getty.<br>
Giới quan sát quốc tế cảnh báo, các cuộc biểu tình tại Thái có thể leo thang nhanh chóng trong những ngày tới - Ảnh: Getty.<br>
Lãnh đạo phe biểu tình ở Thái Lan đang nỗ lực tìm ra những cách mới để buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức. Thậm chí, họ đã ra lời đe dọa bắt giữ bà Yingluck trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tiếp tục leo thang tại nền kinh tế lớn thứ nhì của Đông Nam Á.

Tin từ báo Wall Street Journal cho hay, thủ lĩnh phe đối lập, ông Suthep Thaugsuban, rất khó có khả năng tới gần bà Yingluck bởi đội ngũ an ninh dày đặc luôn vây quanh nữ Thủ tướng. Hiện bà Yingluck đã rời khỏi tư dinh ở ngoại ô Bangkok và liên tục di chuyển giữa những địa điểm bí mật.

Tuy nhiên, lời đe dọa mà phe đối lập đưa ra hôm qua (14/1) về việc bắt giữ bà Yingluck và các quan chức chính phủ khác nếu họ không từ chức vào cuối tuần này cho thấy người biểu tình đang rất quyết tâm đẩy tình hình căng thẳng lên cao để thay đổi nền chính trị ở Thái Lan theo những cách thức khó đoán biết và có thể là nguy hiểm.

Từ đầu tuần này, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Suthep, người biểu tình tại Thái Lan đã mở chiến dịch “đóng cửa” Bangkok, coi đây là nỗ lực cuối cùng để đánh bật bà Yingluck khỏi ghế Thủ tướng. Hàng loạt nút giao thông then chốt xung quanh Bangkok đã bị người biểu tình phong tỏa. Cả thành phố này nhanh chóng bị biến thành một biển  hàng chục nghìn người biểu tình với đủ màu sắc và âm thanh hỗn loạn.

Hôm qua, cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn. Nhiều người tham gia cho biết, họ lo ngại về ảnh hưởng của tỷ phú Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck đồng thời đã từng giữ chức Thủ tướng Thái cho tới khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính không có đổ máu vào năm 2006. Nhiều người Thái tin rằng, ông Thaksin vẫn là người giật dây ở Thái, thông qua người em gái làm Thủ tướng, dù đang lưu vong ở nước ngoài. Đây là lý do khiến người biểu tình muốn thiết lập một chính phủ lâm thời không thông qua bầu cử để phá vỡ mạng lưới hiện tại mà họ cho là có sự chi phối quá lớn của nhà Thaksin.

Bà Yingluck phủ nhận việc ông Thaksin can thiệp công việc điều hành Chính phủ của bà. Nữ Thủ tướng nói rằng, chính sách chi tiêu công của Chính phủ Thái là nhằm khuyến khích tiêu dùng cá nhân trong nước, theo đó giảm sự phụ thuộc của đất nước vào lĩnh vực xuất khẩu. Bà cũng quyết tâm tiến tới tổ chức một cuộc bầu cử vào ngày 2/2. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, bà Yingluck hoàn toàn có khả năng thắng trong cuộc bầu cử này nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ mà cử tri ở các khu vực Bắc và Đông Bắc Thái Lan dành cho đảng Pheu Thai của bà.

“Tôi không tham quyền cố vị để giữ nguyên trạng chính trị hiện nay. Đó là bởi vì tôi đang cố gắng để đảm bảo sự dân chủ, điều thuộc về tất cả người Thái”, bà Yingluck phát biểu trước báo giới hôm 14/1.

Giới quan sát quốc tế cảnh báo, các cuộc biểu tình tại Thái có thể leo thang nhanh chóng trong những ngày tới và có nguy cơ dẫn tới các cuộc đụng độ giữa phe chống và phe ủng hộ Chính phủ. Trên thực tế, các nhóm thuộc Ủy ban Cải cách dân chủ của ông Suthep đã lên kế hoạch đẩy cao tình hình căng thẳng nhằm ngăn chặn bầu cử và buộc Chính phủ của bà Yingluck phải sụp đổ.

Ngoài việc đe dọa bắt giữ bà Yingluck, phe biểu tình còn đã ra lời đe dọa khiến thị trường chứng khoán Thái Lan phải tê liệt và vô hiệu hóa hệ thống kiểm soát không lưu tại các sân bay của Thái Lan.