16:22 22/10/2015

Phe cực hữu lên ngôi nhờ khủng hoảng di cư châu Âu

An Huy

Sự thay đổi thái độ của châu Âu đối với người di cư được thể hiện rõ nét hơn cả ở Thụy Điển

Một đoàn người di cư di chuyển ở Babska, Croatia, gần biên giới với Serbia ngày 19/1 - Ảnh: Reuters.
Một đoàn người di cư di chuyển ở Babska, Croatia, gần biên giới với Serbia ngày 19/1 - Ảnh: Reuters.
Thời gian qua, người di cư tới Thụy Điển đã nhận được sự chào đón nồng hậu của người dân nước này. Nhưng giờ đây, một phản ứng hoàn toàn khoác với người di cư đang âm ỉ hình thành ở Thụy Điển, theo tờ Washington Post.

Tại đất nước vùng Scandinavia từ lâu nổi tiếng với nền chính trị tiến bộ và thái độ lịch sự, nhã nhặn của người dân, Đảng Dân chủ cực hữu - một đảng với gốc gác phát xít mới - đã nổi lên thành đảng được ủng hộ mạnh nhất trong những cuộc thăm dò tổ chức vào mùa hè năm nay.

Sự nổi lên của đảng này được coi là một thông điệp mạnh gửi tới người di cư: những ai đang trên đường tìm đến Thụy Điển hãy dừng chân ngoài biên giới nước này, còn những ai đã tới nên sớm về nhà.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư phá vỡ mọi kỷ lục của thời hiện đại và chưa có dấu hiệu lắng xuống, cũng giống như ở Thụy Điển, nhiều nước châu Âu khác cũng chứng kiến sự nổi lên của những đảng chính trị cực hữu với quan điểm chỉ trích mạnh chính quyền quá thụ động, khi mở cửa cho người di cư.

Sự giận dữ của một bộ phận người châu Âu đối với dân di cư đã dẫn tới tình trạng bạo lực gia tăng. Cuối tuần vừa rồi, hai ngôi trường của Thụy Điển được dùng làm chỗ ở tạm cho người di cư bị phóng hỏa cháy rụi. Ở thành phố Cologne của Đức, một ứng cử viên thị trưởng và là đồng minh của Thủ tướng Angela Merkel, bị tấn công bằng dao bởi một người đàn ông mà cảnh sát cho là “có động cơ chống người nước ngoài”.

Tư tưởng phản đối nhập cư đã có ảnh hưởng rõ rệt tới kết quả các cuộc bỏ phiếu ở châu Âu gần đây.

Tại Áo, Đảng Tự do cực hữu đã đạt tỷ lệ phiếu bầu cao chưa từng có tại cuộc bầu cử cấp địa phương hồi tháng này. Tại Thụy Sỹ hôm Chủ Nhật, Đảng Nhân dân theo trường phái siêu bảo thủ giành chiến thắng áp đảo sau khi vận động chống lại “sự hỗn loạn nhập cư”.

Ở Ba Lan, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc với quan điểm chống dân di cư được dự báo sẽ thắng trước đảng trung lập trong cuộc bỏ phiếu vào cuối tuần này.

Tại Đức, tỷ lệ ủng hộ dành cho Thủ tướng Merkel đã giảm xuống khi nước này tiếp nhận số lượng người nhập cư lịch sử. Trái lại, Thủ tướng Hungary Viktor Orban càng củng cố quyền lực của chính phủ do ông nắm quyền sau khi ra lệnh dựng hàng rào dây thép gai ở biên giới để ngăn dòng người di cư.

“Về phương diện sự ủng hộ, người thắng thực sự trong cuộc khủng hoảng di cư này chính là phe hữu”, hãng tư vấn Eurasia nhận định trong một báo cáo gần đây.

Sự thay đổi thái độ của châu Âu đối với người di cư được thể hiện rõ nét hơn cả ở Thụy Điển. Trong những năm gần đây, nước này đón nhận tỷ lệ người tị nạn tính trên đầu dân lớn hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác và các đảng chính trị ở Thụy Điển cùng ủng hộ việc này.

Nhưng giờ đây, Đảng Dân chủ Thụy Điển đã quay lưng lại với người di cư, và giành được ưu thế chính trị. “Chúng tôi cần gửi đi tín hiệu rằng những người muốn tới đây không được chào đón”, ông Markus Wiechel, 27 tuổi, thành viên phụ trách vấn đề nhập cư của Đảng Dân chủ Thụy Điển, phát biểu.

Ông Wiechel thừa nhận, nếu nói như thế vào thời điểm vài năm trước, đảng của ông sẽ cầm chắc khả năng bị “tẩy chay”. Nhưng giờ đây, đảng này đang được xem như những “vị cứu tinh” vì những cảnh báo u ám rằng người di cư sẽ phá hủy nền tài chính đất nước, làm hỏng văn hóa Thụy Điển bằng đói nghèo, tội ác và tôn giáo xa lạ.

“Tất cả đã thay đổi. Chúng tôi được ủng hộ hơn bao giờ hết”, ông Wiechel nói.

Ông Morgan Johansson, Bộ trưởng Bộ Nhập cư trong Chính phủ trung tả của Thụy Điển cũng thừa nhận nước này đã gần hết khả năng tiếp nhận người di cư.

Theo ông Johansson, có thể Thụy Điển sẽ phải thắt chặt chính sách nhập cư trong bối cảnh có hơn 150.000 người di cư được dự báo sẽ xin tị nạn ở nước này trong năm nay, tăng cấp đôi so với năm ngoái, và vượt xa kỷ lục cũ là 84.000 người xin tị nạn ở Thụy Điển hồi năm 1992 trong thời gian diễn ra chiến tranh Balkan. Trong khi đó, dân số Thụy Điển chưa đầy 10 triệu người.

Ông Mikael Ribbenvik, Giám đốc điều hảnh Ủy ban Nhập cư thuộc Chính phủ Thụy Điển, cho biết cá nhân ông cảm nhận được sự phản đối người nhập cư trong dư luận nước này. Ông đã nhận được nhiều lời dọa giết viết bằng cách ghép chữ cắt từ báo, giống như những lá thư tống tiền kinh điển.

“Xã hội đang thay đổi, một cách sâu sắc”, ông Ribbenvik phát biểu.