14:17 06/09/2016

Phía sau cái bắt tay Trung - Nhật tại thượng đỉnh G20

An Huy

Ông Tập nói với ông Abe rằng tranh chấp cần được giải quyết thông qua đối thoại

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc ngày 4/9 - Ảnh: Getty/Bloomberg.<br>
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc ngày 4/9 - Ảnh: Getty/Bloomberg.<br>
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có một cuộc gặp song phương vào ngày 5/9 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, giữa lúc căng thẳng Trung-Nhật gia tăng vì tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông.

Hãng tin Bloomberg cho biết, trong cuộc gặp, ông Tập nói với ông Abe rằng tranh chấp cần được giải quyết thông qua đối thoại, đồng thời cảnh báo mối quan hệ song phương đã bước vào một giai đoạn mà “không có bước tiến nghĩa là thụt lùi”.

“Cả hai bên cần tăng cường tinh thần trách nhiệm và nhận thức khủng hoảng, và nỗ lực để xây dựng những yếu tố tích cực của quan hệ song phương đồng thời hạn chế những yếu tố tiêu cực”, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc dẫn lời ông Tập.

Về phần mình, ông Abe nhất trí rằng hai nước nên hợp tác chặt chẽ hơn và nói ông đã bày tỏ với nhà lãnh đạo Trung Quốc “những suy nghĩ trung thực nhất”. Trước cuộc trao đổi kéo dài khoảng nửa giờ đồng hồ vào ngày 5/9, Thủ tướng Nhật và Chủ tịch Trung Quốc vào ngày 4/9 đã bắt tay nhau tại thượng đỉnh G20.

“Mặc dù thời gian cho cuộc gặp thượng đỉnh này là có hạn, chúng tôi có thể có những cuộc thảo luận kỹ hơn”, ông Abe nói với các nhà báo sau cuộc gặp với ông Tập. “Trung Quốc từ lâu đã là một người bạn quan trọng của Nhật Bản. Trung Quốc có trách nhiệm lớn đối với hòa bình và ổn định trong khu vực và đối với nền kinh tế toàn cầu”.

Theo ông Koichi Hagiuda, Phó chánh Văn phòng nội các Nhật, ông Tập muốn kéo dài thời gian cuộc gặp với ông Abe, nhưng nếu làm vậy, ông có thể bị muộn trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo G20 khác. Ông Hagiuda miêu tả cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Nhật là tốt đẹp và thẳng thắn.

Một trong những kết quả của cuộc gặp là hai bên nhất trí thúc đẩy việc thiết lập một cơ chế liên lạc trên không và trên biển nhằm tránh va chạm trên biển Hoa Đông. Cơ chế này vẫn chưa trở thành hiện thực dù đã được lên kế hoạch và đàm phán từ nhiều năm qua.

Cuộc gặp gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất châu Á diễn ra vào tháng 4/2015 tại hội nghị thượng đỉnh Á-Phi diễn ra ở Indonesia. Kể từ đó, quan hệ Trung-Nhật xấu đi nhiều do Trung Quốc cho rằng Nhật Bản can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và do sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc quanh quần đảo tranh chấp do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông.

Trong cuộc gặp với ông Abe, ông Tập có vẻ như đã “cảnh báo” ngầm về vấn đề biển Đông khi nói rằng Nhật Bản “nên thận trọng trong lời nói và hành động” về vấn đề này - Tân Hoa Xã đưa tin. Trong khi đó, ông Abe nói với báo giới sau cuộc họp rằng điều quan trọng là phải giải quyết tranh chấp trên biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế.

Giữa lúc nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức như hiện nay, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ chịu áp lực lớn nếu mối quan hệ song phương tiếp tục xấu đi, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật. Trong khi đó, nguy cơ xảy ra va chạm trên biển Hoa Đông vẫn đang treo lơ lửng.
 
Giữa lúc diễn ra cuộc gặp giữa ông Abe và ông Tập, lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản cho biết 4 tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt tại nơi ngay gần khu vực mà Nhật cho là lãnh hải của nước này xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tháng trước, một số lượng lớn tàu Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo này, khiến Nhật lên tiếng phản đối.

“Có vẻ như cuộc gặp giữa lãnh đạo Trung-Nhật đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện. Cả hai bên nhận ra rằng tranh chấp đã làm phương hại nghiêm trọng đến quan hệ kinh tế giữa họ, và họ đều muốn cải thiện quan hệ”, giáo sư Zhou Yongsheng thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc nói.

“Vấn đề duy nhất là hai nhà lãnh đạo thiếu niềm tin chính trị và điều này cần phải có một thời gian dài mới khắc phục được. Mối quan hệ này vẫn còn mong manh và thường xuyên nứt vỡ”, ông Zhou nói.