11:38 17/08/2010

Phía sau việc kinh tế Trung Quốc thăng hạng

Vinh Nguyễn

Sau ba thập niên tăng trưởng ngoạn mục, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

Trung Quốc đã vượt lên Nhật Bản về GDP danh nghĩa - Ảnh: Getty.
Trung Quốc đã vượt lên Nhật Bản về GDP danh nghĩa - Ảnh: Getty.
Sau ba thập niên tăng trưởng ngoạn mục, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ trong quý 2/2010, theo những số liệu được công bố hôm qua (16/8).

Theo tờ New York Times, Trung Quốc được công nhận là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới sau khi Tokyo thông báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản là 1.286 tỷ USD, thấp hơn so với con số 1.335 tỷ USD của Trung Quốc.

GDP thực tế của Nhật Bản trong quý 2 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2009 và tăng 0,1% so với quý 1 năm 2010. Đây là quý thứ ba liên tiếp, kinh tế Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng GDP thực tế dương. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP của quý 2 năm 2010 thấp hơn hẳn mức tăng 4,1% của quý 4 năm 2009 và 4,4% của quý 1 năm 2010.

Bên cạnh đó, GDP danh nghĩa của Nhật Bản giảm 0,9% so với quý trước, là lần đầu tiên GDP danh nghĩa của Nhật Bản giảm trong 3 quý vừa qua. Trong quý 2 năm 2010, tiêu dùng, vốn tạo ra 60% GDP của Nhật Bản, chỉ tăng 0,03% so với quý 1 năm 2010.

Tỷ lệ giảm phát tính theo GDP là 1,8%, thấp hơn mức 2,8% của quý trước, nhưng việc giá hàng hóa liên tục giảm khiến người tiêu dùng có xu hướng chờ giá giảm thêm và nhân tố này ảnh hưởng tiêu cực tới quyết định đầu tư của các doanh nghiệp và tăng chi phí vốn vay.

Trong quý 2 năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vẫn đạt mức tăng trưởng 5,9% nhờ nhu cầu tại thị trường châu Âu tăng mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lo ngại trong thời gian tới, Tokyo khó có thể chỉ dựa vào xuất khẩu. Nhu cầu từ Mỹ và châu Âu đang có xu hướng sụt giảm. Đáng lo ngại là, đồng Yen tiếp tục tăng giá so với USD.

Đồng Yen tăng giá càng ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của Nhật. Giới chuyên gia cho rằng, lẽ ra chính quyền Tokyo “cần cải tổ thị trường nội địa để kích thích tiêu dùng và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Nhật”, thay vì cứ cố mê mải chạy theo xuất khẩu.

Tờ New York Times nhận định, kinh tế Nhật Bản đã lâm vào tình trạng trì trệ trong gần một thập kỷ qua. Nhật Bản đã giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ năm 1968 sau khi vượt qua Đức. Từ đống tro tàn thời Thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã vươn lên trở thành một trung tâm tài chính và công nghiệp toàn cầu.

Thậm chí trong thập niên 80, còn có người nhận định rằng, Nhật Bản có nhiều khả năng vượt Mỹ. Nhưng “sự thần kỳ Nhật Bản” đã chuyển thành bong bóng bất động sản khổng lồ hồi những năm 1980 trước khi nó nổ tung vào năm 1991, tiếp đó là một thập kỷ đình đốn kinh tế. Xét tình hình hiện nay, Nhật Bản là một nền kinh tế đã phát triển và dân số đang già đi.

Trong khi đó, Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và còn xa mới trở thành nước phát triển. Chưa đầy năm năm trước, GDP của Trung Quốc chỉ bằng một nửa của Nhật Bản nhưng hiện tại GDP Trung Quốc đã vượt Nhật với số dư hàng trăm tỷ USD. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc.

Việc Trung Quốc hất cẳng Nhật Bản, sau khi đã nhanh chóng vượt qua Đức, Pháp, Anh trong vài năm gần đây, cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Đồng thời, sự kiện này cũng làm hâm nóng thêm những đồn đoán rằng, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2030. Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ vào khoảng 14.000 tỷ USD trong năm 2009.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện phải gánh 1/5 dân số thế giới. Thêm vào đó, thu nhập bình quân theo đầu người của Trung Quốc vào khoảng 3.600 USD, tương đương các quốc gia nghèo khó như Algeria, El Salvador và Albania, trong khi con số này của Mỹ là 46.000 USD và của Nhật Bản là 37.000 USD.

Nhà kinh tế học Kyohei Morita thuộc Quỹ Đầu tư Barclays Capital ở Tokyo cho rằng, “chúng ta cần quan tâm tới GDP bình quân đầu người”. Theo ông, Trung Quốc mới chỉ vượt Nhật Bản “về biểu tượng và không có gì hơn thế”. Năm 2010, Trung Quốc có mức tăng trưởng dự báo là khoảng 10%.

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Các nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc quá phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, địa ốc, tín dụng tăng trưởng quá nóng… Ngoài ra, Trung Quốc còn phải đương đầu với những áp lực của Mỹ và châu Âu về việc định giá đồng nội tệ.

Tuy vậy, theo New York Times, Trung Quốc đã bắt đầu tái định hình cách thức vận hành của kinh tế toàn cầu bởi sự thống trị đang tăng lên của nước này trong lĩnh vực thương mại, dự trữ ngoại hối, chủ nợ lớn nhất của Mỹ, cũng như sự thèm muốn các nguồn tài nguyên như dầu, than đá, quặng sắt...

Thêm vào đó, Trung Quốc đã là một động lực chính của tăng trưởng toàn cầu. Các nhà lãnh đạo của đất nước này đã tự tin hơn vào các hoạt động quốc tế và bắt đầu gia tăng ảnh hưởng ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, bằng những phương cách như hiệp định thương mại đặc biệt và các hợp đồng nhiều tỷ đô la giao dịch tài nguyên.

Mặc dù kinh tế Trung Quốc chỉ có quy mô bằng 1/3 so với nền kinh tế Mỹ nhưng Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất của nhiều mặt hàng công nghiệp. Năm 2009, Trung Quốc đã vượt qua Đức để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Các tập đoàn toàn cầu như Caterpillar, General Electric, General Motors và Siemens và vô số những công ty khác đang tiến mạnh mẽ hơn vào Trung Quốc, một số trường hợp còn chuyển các trung tâm nghiên cứu và phát triển vào quốc gia này.

Theo nhà kinh tế học Vương Đào tại Đại học Bắc Kinh, tất cả mới chỉ là sự khởi đầu. Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển và còn nhiều thách thức lớn ở phía trước. Ông Vương cho rằng, do kinh tế Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài nên Bắc Kinh cần phát triển thị trường nội địa mạnh mẽ hơn.