15:22 14/06/2014

Phiến quân khép chặt các mũi tấn công thủ đô Iraq

Tâm Anh

Phiến quân Hồi giáo cực đoan đang khép chặt dần các mũi tấn công nhằm vào thủ đô Baghdad của Iraq

Dư luận quốc tế lo ngại Iraq đang đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến mới, thậm chí có thể nhấn chìm cả khu vực Trung Đông - Ảnh: AFP.<br>
Dư luận quốc tế lo ngại Iraq đang đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến mới, thậm chí có thể nhấn chìm cả khu vực Trung Đông - Ảnh: AFP.<br>
Phiến quân Hồi giáo cực đoan đang khép chặt dần các mũi tấn công nhằm vào thủ đô Baghdad của Iraq và hiện chỉ còn cách thành phố này có 100 km về hướng bắc, các nguồn tin quốc tế cho hay.

Theo các nguồn tin, những phần tử chủ chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Cận Đông (ISIL) có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và Taliban đang tiến gần về thủ đô Baghdad của Iraq từ nhiều hướng và có khả năng sẽ tiến vào thành phố này trong một khoảng thời gian ngắn sắp tới.

Hôm 13/6, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Iraq nói, nước này đã tăng cường bảo vệ Baghdad. Kế hoạch bao gồm tăng cường triển khai lực lượng, gia tăng nỗ lực tình báo, dùng công nghệ như khinh khí cầu (giám sát), camera và các thiết bị khác, cũng như tăng cường sự phối hợp giữa những lực lượng an ninh.

Một ngày trước, ngày 12/6, lực lượng an ninh Iraq cũng đã rút khỏi các vị trí ở tỉnh Anbar bất ổn của tín đồ Hồi giáo dòng Sunni thuộc khu vực biên giới chung giữa Iraq và Syria, trong bối cảnh những nhóm phiến quân đã tiến hành đợt tấn công mới nhằm vào thủ đô Baghdad từ hướng tây và hướng bắc.

Cũng trong ngày 12/6, Quốc hội Iraq đã không thể triệu tập đủ số nghị sỹ cho phiên họp bất thường để thảo luận về việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Chỉ có 128 nghị sỹ tham dự trong khi việc ra quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp phải được 2/3 trong tổng số 325 nghị sỹ quốc hội thông qua.

Trước đó, nhiều thành phố Iraq, trong đó bao gồm thành phố lớn thứ hai Mosul và thành phố giàu dầu mỏ Kirkuk, đã rơi vào tay nhóm ISIL và các chiến binh người Kurk. Ở một số nơi, quân đội chính phủ kháng cự khá yếu ớt. Tại những thành phố chiếm đóng, các tay súng này đã thu giữ nhiều vũ khí.

Hôm 13/6, phát ngôn viên Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền Rupert Colville cho biết số người chết sau cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo dòng Sunni tại Mosul hồi đầu tuần này, có thể lên đến hàng trăm người.

Việc lực lượng nổi dậy với đội quân mỏng nhanh chóng đánh bại quân chính phủ hơn 30.000 người, cho thấy sự yếu đuối của quân đội Iraq khi không có sự hỗ trợ từ Mỹ. Những đòn tấn công này được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của Iraq kể từ khi Mỹ rút quân về nước cuối năm 2011.

Trước tình huống này, dư luận quốc tế lo ngại Iraq đang đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến mới, thậm chí có thể nhấn chìm cả khu vực Trung Đông. Cộng đồng quốc tế cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến bất ổn đang leo thang chóng mặt ở quốc gia Trung Đông nhiều dầu mỏ này.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang phản ứng tiêu cực với bất ổn ở Iraq. Theo đó, giá dầu thô liên tục tăng mạnh trong nhiều ngày qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/6, giá dầu ngọt, nhẹ giao tháng 7 đã tăng 0,4% lên mức 106,91 USD/thùng trên sàn hàng hóa New York, tăng 4,1% từ đầu tuần đến nay.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với chính phủ và nhân dân Iraq trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và kêu gọi tổ chức cuộc đối thoại khẩn cấp mang tính toàn diện tại nước này.

Tuy nhiên, cả Mỹ, Anh, NATO đều từ chối đưa quân đến Iraq. Phát biểu về tình hình hỗn loạn hiện nay ở Iraq, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết vai trò của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là bảo vệ các đồng minh, và khối này không có sự ủy nhiệm hay đề nghị nào tại Iraq.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh cũng tuyên bố về vấn đề Iraq rằng, "chúng tôi rất lo ngại việc hàng trăm nghìn người dân phải sơ tán. Với ngân sách viện trợ nhân đạo rất lớn, chúng tôi có thể hỗ trợ người dân Iraq và chúng tôi đang xem xét việc này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không tham gia về mặt quân sự".

"Chúng tôi sẽ ủng hộ Mỹ trong bất cứ vấn đề gì mà họ quyết định làm và sẽ tham vấn với họ. Mặc dù vậy, tôi nhấn mạnh một lần nữa là giới lãnh đạo Iraq mới là những người có trách nhiệm chính giải quyết tình hình".

Hôm 13/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã loại bỏ khả năng Mỹ đưa quân vào Iraq, và nhấn mạnh bất cứ sự can thiệp nào cũng sẽ kéo theo việc nhiều thủ lĩnh các nhóm phiến quân tại đây tham gia vào những cuộc nổi dậy. “Chúng tôi sẽ không triển khai binh sĩ Mỹ trở lại Iraq chiến đấu", ông Obama nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết "đã đề nghị đội ngũ an ninh quốc gia của mình chuẩn bị loạt phương án khác có thể góp phần hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq". "Mỹ sẽ không tham gia hành động quân sự nếu không có một kế hoạch hành động của người Iraq, trong đó đảm bảo họ sẵn sàng làm việc cùng nhau".

Ông Obama nói rằng, ông sẽ tham vấn Quốc hội Mỹ trong vài ngày tới và nhiều thành viên trong đảng Dân chủ của ông cũng ngần ngại trong việc chấp thuận cho Mỹ can thiệp trở lại Iraq, sau một cuộc chiến do Mỹ khởi xướng tại đây kéo dài từ năm 2003 nhằm lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Trong khi đó, các nguồn tin khu vực cho biết Iran đã cử một đội gồm 150 binh sỹ tinh nhuệ tới hỗ trợ Iraq. Lực lượng đặc biệt do Tướng Hasan Gohari, một cựu binh trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq những năm 1980, chỉ huy và có nhiệm vụ cố vấn cho lực lượng Iraq các vấn đề chiến lược và huấn luyện.