07:57 20/09/2017

Quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới cán mốc giá trị 1.000 tỷ USD

Kim Tuyến

Đây là lần đầu tiên quỹ đầu tư quốc gia NBIM của Na Uy đạt giá trị 1.000 tỷ USD sau hơn hai thập kỷ thành lập

Yngve Slyngstad, giám đốc điều hành quỹ đầu tư quốc gia Norges Bank Investment Management - Ảnh: Bloomberg.
Yngve Slyngstad, giám đốc điều hành quỹ đầu tư quốc gia Norges Bank Investment Management - Ảnh: Bloomberg.
Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy mới đây lần đầu tiên cán mốc 1.000 tỷ USD nhờ đồng USD suy yếu và thị trường cổ phiếu khởi sắc, Bloomberg cho biết.

Theo thông cáo của quỹ đầu tư Norges Bank Investment Management (NBIM) của chính phủ Na Uy, quỹ này cán mốc giá trị 1.000 tỷ USD lần đầu tiên vào sáng ngày 19/8.

“Không ai nghĩ rằng NBIM có thể đạt mốc 1.000 tỷ USD với giao dịch đầu tiên được thực hiện vào tháng 5/1996”, Yngve Slyngstad, giám đốc điều hành quỹ này nói trong thông cáo. “Việc cán mốc nghìn tỷ và tăng trưởng giá trị của quỹ là điều đáng kinh ngạc”. Trước đó, Na Uy dự báo quỹ NBIM đạt mức giá trị nghìn tỷ vào năm 2018.

Tuy vậy, Bloomberg nhận định việc cán mốc nghìn tỷ của NBIM không phải là tin tốt lành. Quy mô khổng lồ khiến quỹ này gặp khó trong việc tìm các thị trường đủ lớn để đầu tư vào. Trong khi đó, “cơn nghiện” dầu mỏ và USD có thể gây nguy hại tới nền kinh tế 400 tỷ USD của Na Uy.

Slyngstad mới đây cho biết NBIM hầu như không đạt được các mục tiêu trong việc mở rộng đầu tư vào các tài sản mới như cơ sở hạ tầng bởi việc này rất tốn kém và về tổng thể không mang lại nhiều lợi nhuận. Quỹ này cũng đang cắt giảm danh mục đầu tư trái phiếu toàn cầu, giảm từ 23 tiền tệ xuống chỉ còn 3 là USD, Euro và Bảng.

Quy mô khổng lồ cũng buộc quỹ này phải đưa ra các chiến lược phức tạp nhằm bảo mật các giao dịch mua bán khỏi những người đang tìm cách “đi trước” NBIM một bước.

Dù vậy, quy mô lớn cũng sẽ mang lại cho NBIM nhiều lợi thế, đặc biệt là đối với một tổ chức khiêm tốn như NBIM. Quỹ này hiện chỉ có khoảng 550 nhân viên tại các văn phòng trên thế giới (Oslo, New York, London, Thượng Hải và Singapore). Chi phí quản lý chỉ chiếm 0,02% tài sản của quỹ này trong quý mới đây, giảm từ mức 0,07%  của 5 năm trước.

Chi phí quản lý quỹ NBIM vẫn giảm bất chấp việc quỹ này mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản, gồm các bất động sản tại Quảng trường Thời đại (Mỹ), đại lộ Champs Elysees (Pháp) và phố Regent (London, Anh) cùng nhiều nơi khác. Tính tới hết tháng 6, quỹ NBIM sở hữu danh mục bất động sản trị giá 200 tỷ Kroner (26 tỷ USD).

Đến nay, không có nhiều thảo luận bàn về việc chia nhỏ NBIM để hoạt động linh hoạt hơn, dù chính phủ Na Uy đang cân nhắc đề xuất để xuất tách quỹ này ra khỏi ngân hàng trung ương và tăng cường giám sát.

Theo Bloomberg, Na Uy dự báo NBIM sẽ tiếp tục tăng trưởng tới năm 2025 và cán mốc 10,5 nghìn tỷ Kroner (1,3 nghìn tỷ USD theo tỷ giá hiện nay), nhưng dự báo đó có thể không chính xác bởi quỹ này đã đạt tới quy mô 1 nghìn tỷ được dự báo phải tới năm 2018 mới đạt.

Tuy nhiên, với lãi suất ở mức thấp và lợi nhuận khó kiếm như hiện nay, thống đốc ngân hàng trung ương Na Uy Oystein Olsen cảnh báo rằng xu hướng giá dầu giảm hiện nay đồng nghĩa với việc quỹ này đã vượt quá mức đỉnh.

Năm ngoái, chính phủ Na Uy đã lần đầu tiên trong lịch sử rút tiền trực tiếp từ quỹ NBIM và dự báo sẽ lấy thêm 70 tỷ Kroner từ quỹ này trong năm nay. Trong khi đó, nước này hạ mức dự báo mức lợi nhuận của quỹ xuống còn 3% từ 4% trước đó.

Quỹ NBIM cũng được phép nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu từ 60% lên 70%, đồng thời giảm tỷ lệ trái phiếu. Động thái này sẽ giúp quỹ này thu về lợi nhuận cao hơn, hoặc ít nhất duy trì mức lợi nhuận năm 8% của 5 năm qua. Nhưng Slyngstad nhận định hệ thống kinh tế và thương mại toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những bất ổn chính trị và đây là yếu tố rủi ro lớn đối với một quỹ đầu tư đang nắm giữ 1,3% cổ phiếu toàn cầu như NBIM.