09:14 23/10/2014

Sắp có kháng thể chữa Ebola cho ổ dịch ở Tây Phi

Diệp Vũ

Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tạo ra thuốc chữa và vaccine phòng Ebola

Đến nay, dịch Ebola đã khiến hơn 4.500 người thiệt mạng, chủ yếu tập trung ở ba nước Tây Phi là Guinea, Liberia và Sierra Leone - Ảnh: AP/BBC.<br>
Đến nay, dịch Ebola đã khiến hơn 4.500 người thiệt mạng, chủ yếu tập trung ở ba nước Tây Phi là Guinea, Liberia và Sierra Leone - Ảnh: AP/BBC.<br>
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố, kháng thể chiết xuất từ máu của các bệnh nhân Ebola hồi phục sẽ được dùng cho việc điều trị những người nhiễm virus này ở Liberia, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận dịch hiện nay.

Theo hãng tin BBC, phát biểu từ Geneva, Thụy Sỹ, Tiến sỹ Paule Kieny, Phó tổng giám đốc phụ trách hệ thống y tế và sáng kiến của WHO, cho biết, các nhà nghiên cứu đang nỗ lực hết sức để tạo ra thuốc chữa và vaccine phòng Ebola trong thời gian từ nay tới tháng 1/2015.

Đến nay, dịch Ebola đã khiến hơn 4.500 người thiệt mạng, chủ yếu tập trung ở ba nước Tây Phi là Guinea, Liberia và Sierra Leone.

“Các mối quan hệ đối tác của chúng tôi đã bắt đầu được thiết lập ở ba quốc gia này để chiết xuất an toàn và xử lý kháng thể nhằm sử dụng cho các bệnh nhân nhiễm Ebola. Công việc đang tiến triển nhanh nhất ở Liberia. Chúng tôi hy vọng, trong vài tuần tới, các cơ sở sẽ được thiết lập ở nước này để thu thập máu của những người đã khỏi bệnh, xử lý, và đưa vào sử dụng”, bà Kieny nói.

Hiện chưa rõ các chuyên gia y tế sẽ thu thập được bao nhiêu kháng thể, và liệu lượng kháng thể đó có đủ đáp ứng nhu cầu chữa bệnh Ebola hay không.

Về mặt lý thuyết, nếu một người nào đó bị nhiễm Ebola và đã khỏi, cơ thể của người đó đã học được cách chống lại loại virus này và có chất kháng thể trong máu có thể thể tấn công Ebola. Các bác sỹ có thể lấy mẫu máu của những người này, loại bỏ các tế bào hồng cầu nhưng giữ lại các kháng thể quan trọng, biến thành một loại tinh chất (serum) dùng để chữa Ebola cho các bệnh nhân khác.

Nữ y tá người Tây Ban Nha bị nhiễm Ebola đã cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus này sau khi được cho là được sử dụng loại serum chứa kháng thể từ các bệnh nhân Ebola đã khỏi bệnh.

Tiến sỹ Kieny nói, phương pháp điều trị như vậy không phải là không có rủi ro, và WHO đã sẵn sàng đưa ra hướng dẫn về việc đảm bảo an toàn của phương pháp này. Bất kỳ người hiến máu nào cũng sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng về các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS.

Cũng theo bà Kieny, việc thử nghiệm vaccine phòng Ebola có thể cho kết quả ban đầu vào cuối năm nay. Ban đầu, vaccine sẽ dược thử nghiệm xem có an toàn với người không, và liệu có thể giúp con người tránh được Ebola hay không. Một khi những câu hỏi này được trả lời, WHO hy vọng sẽ mở rộng thử nghiệm ra một nhóm người rộng hơn và bắt đầu đưa vào sử dụng ở châu Phi.

“Công tác thử nghiệm vaccine chống Ebola sẽ bắt đầu trong một vài tuần tới và sẽ kéo dài trong thời gian từ 6 tháng tới 1 năm, nhưng kết quả ban đầu sẽ có vào cuối năm nay”, bà Kieny nói.

Cũng theo BBC, WHO đang chuẩn bị một cuộc họp khẩn cấp để bàn về Ebola, dự kiến diễn ra ở Geneva. Cuộc họp này sẽ đề cập tới các biện pháp giám sát Ebola tại biên giới và cân nhắc liệu có nên áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại chặt chẽ hơn.

Trong khi đó, tại một thị trấn ở Sierra Leone, lệnh giới nghiêm đã được áp dụng sau khi hai người bị bắn chết trong một cuộc bạo động liên quan tới Ebola vào hôm qua (21/10).