20:13 28/10/2009

Siết thưởng và cuộc chiến giành nhân tài ở Phố Wall

Mai Phương

Những tập đoàn chịu sự giám sát lương thưởng của Chính phủ Mỹ như Citigroup, AIG… gặp khó trong việc tuyển và giữ người tài

Kiếm được việc ở Phố Wall thời gian này không phải việc dễ - Ảnh: Reuters.
Kiếm được việc ở Phố Wall thời gian này không phải việc dễ - Ảnh: Reuters.
Trước đây, mỗi khi đương đầu với sự bất bình của dư luận trước những khoản tiền thưởng kếch sù dành cho lãnh đạo và nhân viên, các công ty tài chính Phố Wall luôn nêu lý do, nếu không thưởng như vậy thì nhân tài sẽ bỏ họ mà đi.

Lý thuyết này đang khẳng định tính đúng đắn của nó, khi hiện nay, những tập đoàn chịu sự giám sát lương thưởng của Chính phủ Mỹ như Citigroup, AIG… gặp khó trong việc tuyển và giữ người tài.

Vào ngày 21/10, Nhà Trắng tuyên bố, vị quan chức liên bang chịu trách nhiệm giám sát vấn đề lương thưởng, ông Kenneth Feinberg, sẽ cắt giảm tổng thù lao của 25 người có thu nhập cao nhất tại 7 tập đoàn tài chính nhận tiền cứu trợ từ Chính phủ. Theo đó, mức cắt giảm thù lao bình quân sẽ là 50%, trong đó tiền lương giảm trung bình 90%.

Trước đó, đầu tháng 10 này, Chính phủ Anh cho biết đã buộc các ngân hàng hàng đầu nước này là Barclays, HSBC, Lloyds Banking Group, Standard Chartered, và Royal Bank of Scotland tuân thủ giới hạn tiền thưởng mà các nước G20 đã thỏa thuận trong cuộc họp diễn ra tại Pittsburgh, Mỹ, vào tháng 9 vừa qua. Trong các đề xuất mà G20 đưa ra, có đề xuất về việc trả thưởng dần nhằm tăng cường tính tránh nhiệm của lãnh đạo và nhân viên ngân hàng.

Chưa hết, tiền thưởng cho những ai làm việc ở Phố Wall còn có thể teo tọp thêm nếu những quy định mới do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đề xuất hôm 22/10 được áp dụng. Theo những quy định này, các ngân hàng ở Mỹ phải chứng minh cho cơ quan giám sát thấy rằng, việc trả thưởng của họ không khuyến khích sự chấp nhận rủi ro thái quá, và như thế sẽ không đe dọa tới sự ổn định của nhà băng.

FED còn dự kiến sẽ so sánh chính sách lương bổng của khoảng 28 ngân hàng lớn và có tổ chức phức tạp để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, các đề xuất này của FED sẽ chưa sớm được áp dụng do còn phải tiếp thu ý kiến từ nhiều phía.

Tới thời điểm này, một số định chế tài chính Mỹ đã vượt qua khủng hoảng mà không bị “trầy xước” nhiều và rất hăng hái cho việc giành thị phần từ những đối thủ đã suy yếu. Những ngân hàng như Goldman Sachs hay JPMorgan Chase đã nhanh chóng trả lại tiền cứu trợ từ chương trình Giải trừ tài sản xấu (TARP) của Chính phủ Mỹ để thoát khỏi những biện pháp kiểm soát ngặt nghèo mà các nhà chức trách áp dụng cho những đối tượng được bơm vốn từ TARP, trong đó có các quy định về siết thưởng.

Trả xong tiền cứu trợ, những ngân hàng này bỗng nhiên có một vị thế vượt trội so với các đối thủ khác trong cuộc săn tìm nhân tài.

Một ví dụ gần đây nhất là vào ngày 26/10, Phó chủ tịch Matthew Winter của hãng bảo hiểm AIG đã trở thành Giám đốc bộ phận bảo hiểm nhân thọ và hưu trí của hãng Allstate. Theo thống kê của hãng tin tài chính Bloomberg, ông Winter là một trong số ít nhất 49 nhà quản lý rời bỏ AIG kể từ tháng 8/2009.

Về phần mình, AIG đành ngậm ngùi nhìn người tài ra đi vì không thể dùng chế độ lương thưởng hậu hĩnh để giữ chân họ. Khoản cứu trợ lên tới 182,3 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ bơm cho AIG không cho phép tập đoàn này trả thưởng cao như trước.

Trong ngành ngân hàng ở châu Âu, tình hình cũng diễn ra tương tự. Vào tháng 2 năm nay, sau khi ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ là UBS công bố kế hoạch ngừng thưởng tiền mặt cho các giám đốc thuộc bộ phận ngân hàng đầu tư, đồng thời cắt thưởng của các thành viên trong hội đồng quản trị, đã có khoảng 36 lãnh đạo và nhân viên trong mảng ngân hàng đầu tư của UBS chuyển sang làm việc cho Jefferies Group - một ngân hàng đầu tư và môi giới chứng khoán ở New York. Đến tháng 7, UBS đã đâm đơn kiện Jefferies vì đã “cướp” nhân tài của họ.

Trong khi đó, các công ty tài chính quy mô nhỏ đang ra sức tìm cách thu hút những nhân tài hàng đầu của các tập đoàn lớn. Từ khi được thành lập vào tháng 1 tới nay, công ty môi giới chứng khoán Hexagon Securities ở New York đã lôi kéo được một nhà giao dịch từ UBS, một nhà phân tích từ Citigroup, một giám đốc từ Barclays Capital, và một phó chủ tịch từ Bank of America.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm cho rằng, các tập đoàn tài chính cứ phải áp dụng chế độ lương thưởng hậu hĩnh thì mới giữ chân được người tài. “Phố Wall cứ nói là không trả cao thì mất người. Nhưng trong thời điểm tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cao, ngành ngân hàng châu Âu cũng siết thưởng, thì chẳng có nhiều địa chỉ để người làm việc ở Phố Wall lựa chọn”, bà Sarah Anderson, một thành viên của Viện Nghiên cứu chính sách ở Washington, nhận xét.

Thực tế cũng đã cho thấy, kiếm được việc ở Phố Wall thời gian này không phải việc dễ. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, do khủng hoảng và suy thoái, trong vòng 1 năm trở lại đây, Phố Wall đã sa thải 413.000 nhân viên.

Khủng hoảng không hề làm “cơn sốt” tiền thưởng ở Phố Wall dịu bớt. Ngày 14/10, tờ Wall Street Journal cho biết, các ngân hàng và công ty chứng khoán hàng đầu của Mỹ năm nay sẽ trả cho lãnh đạo và nhân viên tổng số lương thưởng lên tới 140 tỷ USD trong năm nay, tăng 20% so với mức 117 tỷ USD của năm 2008, và thậm chí còn cao hơn mức 130 tỷ USD của năm 2007 - năm trước khi nổ ra khủng hoảng.

Riêng tại Goldman Sachs, khoản thù lao cho lãnh đạo và nhân viên năm nay có thể lên tới 22 tỷ USD, dựa trên khoản lợi nhuận 3,2 tỷ USD mà ngân hàng này gặt hái được trong quý 3 vừa qua. Tính bình quân, 31.700 người làm trong Goldman Sachs sẽ nhận được 700.000 USD mỗi người trong năm nay. Nhưng tất nhiên, một phần đáng kể trong khoản tổng thù lao trên sẽ chỉ tập trung vào một số đối tượng.

Những khoản tiền thưởng khổng lồ này đã châm ngòi cho hàng loạt lời chỉ trích gay gắt từ mọi phía. “Chuyện thưởng ở Goldman Sachs đang phát đi những tín hiệu sai trái. Tôi đã nhắc nhở tất cả các ngân hàng ở Anh về vấn đề này và chắc chắn là không một ngân hàng nào có thể trụ vững được nếu như không nhờ đến tiền thuế của dân”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Alistair Darling phát biểu tại London hôm 21/10.

Nếu nước Mỹ không tăng cường việc giám sát lương thưởng tại các định chế tài chính nằm ngoài chương trình cứu trợ TARP, các ngân hàng châu Âu có thể rơi vào thế bất lợi trong việc giữ chân nhân viên.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Mỹ dường như đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, họ muốn siết thưởng, nhưng mặt khác cũng muốn các ngân hàng trở lại trạng thái khỏe mạnh như trước để trả lại những khoản cứu trợ từ tiền thuế của dân. Tuy nhiên, để các ngân hàng khỏe lại, họ cần có được nhân viên và lãnh đạo giỏi, mà điều này rất khó đạt được tiền thưởng bị siết lại.

Theo các nhà phân tích, chuyện thù lao chắc chắn không phải là lý do duy nhất quyết định vấn đề đi hay ở của những người làm việc trên Phố Wall. Nhưng hoạt động sa thải hàng loạt của các ngân hàng thời gian qua đã ít nhiều xói mòn niềm tin và lòng trung thành của nhân viên.

(Theo Business Week)