10:09 17/01/2013

Siêu máy bay Boeing 787 Dreamliner bị đình bay

An Huy - Hải Yến

Nhà chức trách Mỹ yêu cầu tất cả các máy bay Boeing 787 Dreamliner đăng ký tại Mỹ phải dừng bay vì lý do an toàn

Một chiếc Boeing 787 Dreamliner đậu ở sân bay Seatle, Mỹ, hôm thứ Tư tuần này - Ảnh: AP.<br>
Một chiếc Boeing 787 Dreamliner đậu ở sân bay Seatle, Mỹ, hôm thứ Tư tuần này - Ảnh: AP.<br>
Siêu máy bay 787 Dreamliner của nhà sản xuất Boeing vừa bị nhà chức trách Mỹ yêu cầu đình bay vì lý do an toàn. Hai hãng hàng không hàng đầu Nhật Bản là All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines cũng quyết định tạm dừng sử dụng dòng máy bay này.

Theo tin từ Bloomberg, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngày 16/1 đã yêu cầu các hãng hàng không phải chứng minh được rằng, loại pin ion lithium sử dụng trên 787 Dreamliner là an toàn và phù hợp với các tiêu chuẩn.

Mặc dù yêu cầu trên của FAA chỉ áp dụng với các hãng hàng không Mỹ và United Airlines là nhà bay duy nhất ở Mỹ hiện vận hành máy bay 787 Dreamliner, hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đều đi theo FAA trong các vấn đề về an toàn hàng không.

“FAA sẽ hợp tác với nhà sản xuất và các hãng hàng không để đưa ra một kế hoạch hành động nhằm khắc phục vấn đề, cho phép máy bay 787 Dreamliner hoạt động trở lại sớm và an toàn nhất có thể”, tuyên bố của FAA có đoạn viết.

Hiện hãng United Airlines có 6 máy bay 787 Dreamliner. Hãng vừa ra tuyên bố sẽ ngay lập tức dừng bay toàn bộ 6 chiếc máy bay này theo yêu cầu của nhà chức trách.

Động thái trên của FAA được đưa ra sau khi một chiếc máy bay 787 Dreamliner của hãng hàng không Nhật ANA phải hạ cánh khẩn cấp vì có lỗi ở pin sử dụng ở cabin vào sáng ngày hôm qua. Mấy ngày trước, siêu máy bay này cũng gặp một loạt sự cố khác ở Nhật và Mỹ, trong đó tiêu biểu là vụ một chiếc 787 Dreamliner của hãng Japan Airlines bất ngờ “phát hỏa” khi đang đậu ở sân bay Boston.

Hồi tháng trước, lỗi điện tử đã khiến hai hãng hàng không United Continental và Qatar Airways phải hạ cánh chiếc 787. Còn vào năm 2010, khi tiến hành bay thử nghiệm, một vụ cháy liên quan tới lỗi điện tử cũng xảy ra khiến chiếc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp.  

Tờ Wall Street Journal cho hay, hai nhà bay ANA và Japan Airlines của Nhật hôm qua cũng tuyên bố tạm ngừng sử dụng dòng máy bay 787 Dreamliner. Động thái này khiến giới quan sát dấy lên nghi ngờ rằng, vấn đề liên quan tới pin và hệ thống điện của 787 Dreamliner có thể nghiêm trọng hơn những gì người ta tưởng.

Cả ANA và Japan Airlines đều cho biết, họ sẽ tự nguyện đình bay tất cả các máy bay Dreamliners ít nhất cho tới hết ngày thứ Năm tuần này. Hai hãng hàng không này nằm trong số những khách hàng lớn nhất của chiếc 787 Dreamliner. Hiện ANA và Japan Airlines sở hữu khoảng một nửa trong số 49 chiếc 787 Dreamliner đã được giao hàng.

Lần gần đây nhất FAA yêu cầu một dòng máy bay phải đình bay là vào năm 1979, với lệnh đình bay dành cho chiếc DC-10. Tuần trước, cơ quan này đã bắt đầu một cuộc điều tra nhằm vào những hệ thống quan trong nhất của chiếc 787 Dreamliner.

Phản ứng trước những sự cố liên tiếp xảy ra đối với 787 Dreamliner và quyết định của FAA, trong một thông cáo, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng Boeing, ông Jim McNerney, vẫn khẳng định ông tin rằng dòng máy bay 787 Dreamliner an toàn, đồng thời cho biết Boeing đang khẩn trương làm việc để đưa dòng máy bay này trở lại hoạt động.

"An toàn của hành khách và phi hành đoàn trên các máy bay Boeing là ưu tiên cao nhất của chúng tôi", hãng tin Reuters dẫn lời ông McNerney cho hay. "Boeing đã cam kết hỗ trợ FAA và cố gắng trong thời gian sớm nhất tìm được câu trả lời" cho các sự cố.