14:05 09/07/2010

Singapore có thể “qua mặt” Trung Quốc về tăng trưởng kinh tế

An Huy

Đảo quốc sư tử có thể vượt Trung Quốc để trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay

Sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Singapore đang tăng lên.
Sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Singapore đang tăng lên.
Đảo quốc sư tử có thể vượt Trung Quốc để trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay. Sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Singapore vì thế cũng tăng lên, nhưng đồng thời, sức ép đối với các nhà chức trách trong việc kiểm soát lạm phát và sự tăng giá của đồng nội tệ cũng không hề nhỏ.

Trong một cuộc điều tra về dự báo tăng trưởng GDP năm 2010 của Singapore do hãng tin tài chính Bloomberg thực hiện, giới phân tích cho rằng, nền kinh tế này sẽ đạt mức tăng trưởng 10,8% trong năm nay. Trong khi đó, các ngân hàng Goldman Sachs, BNP Paribas và Macquarie Group đã giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay xuống còn khoảng 10,1%.

Citigroup dự báo, GDP của Singapore có thể tăng với tốc độ 12,5% trong năm nay, thậm chí còn có thể đạt tới mức 15%. Tuy nhiên, nền kinh tế với GDP 182 tỷ USD của Singapore chỉ bằng 1/24 quy mô kinh tế Trung Quốc.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lần gần đây nhất GDP của Singapore tăng mạnh hơn Trung Quốc là vào năm 2000.

Từ đầu năm, Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long đã hai lần tăng dự báo tăng trưởng GDP của Singapore trong năm nay. Số lượng du khách tới Singapore đã liên tục lập kỷ lục, thị trường lao động mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của nước này cũng khởi sắc.

Bloomberg cho hay, sản lượng dược phẩm tăng cùng với việc mở cửa hai sòng bạc lớn đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Singapore trong quý 1 năm nay. Trong thời gian từ tháng 3-5 vừa qua, sản lượng dược phẩm của Singapore tháng nào cũng tăng ít nhất gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Singapore đang nỗ lực đa dạng hóa các nguồn lực cho tăng trưởng, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu hàng điện tử như trước kia.

Việc Singapore tăng cường ngành dịch vụ có thể sẽ giúp nước này đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và hỗ trợ hoạt động đầu tư. Nhờ đó, thị trường chứng khoán của đảo quốc này trong năm nay có thể tăng trưởng khả quan hơn các thị trường khác trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Australia.

Chỉ số chính của thị trường chứng khoán Singapore đã tăng 28% trong năm nay, mạnh hơn mức tăng mà chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông và Taiex của thị trường Đài Loan đạt được. Trong khi đó, chỉ số chính của thị trường Thượng Hải đã giảm 22%.

Theo ông Kit Wei Zheng, một chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Citigroup ở Singapore, vì tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng, cơ quan tiền tệ của nước này có thể sẽ phải đưa ra những điều chỉnh chính sách. Chuyên gia này cho hay, áp lực tăng lương ở Singapore đang leo thang và lạm phát có thể lên tới 5% vào cuối năm nay, từ mức 3,2% trong tháng 5 vừa qua.

Khác với ở nhiều quốc gia khác, Ngân hàng Trung ương Singapore, tức cơ quan tiền tệ của nước này, sử dụng công cụ tỷ giá, thay vì lãi suất cơ bản, để kiểm soát lạm phát. Giữa tháng 4 vừa qua, nước này đã cho phép tăng giá đồng Đô la Singapore và chuyển hướng chính sách sang hướng để đồng nội tệ tăng giá từ từ. Tuy nhiên, sau đó, đồng tiền này đã giảm giá từ từ, do cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đe dọa tiến trình phục hồi của kinh tế thế giới.

Theo giới phân tích, dù đang tăng trưởng mạnh, nhưng kinh tế của Singapore khó tránh khỏi hoàn toàn những tác động xấu nếu kinh tế toàn cầu lại rơi vào tình trạng suy giảm tăng trưởng. Các chính phủ ở châu Âu đang nỗ lực giảm chi tiêu để cắt giảm thâm hụt ngân sách, chi tiêu dùng ở nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang chững lại, khiến triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu kém đi.

Ngành dược phẩm và kinh doanh sòng bạc đang được xem là hai động lực tăng trưởng mới của kinh tế Singapore. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu Singapore phụ thuộc nhiều vào hai lĩnh vực này, thì câu chuyện tăng trưởng của nước này sẽ không phải là một câu chuyện dễ đoán định.

Hoạt động của ngành công nghiệp dược phẩm của Singapore đôi lúc khá thất thường do những biến động về sản lượng của một số “đại gia” như Sanofi-Aventis có thể làm sản lượng của toàn ngành chao đảo theo.